Hai bệnh viện đã khánh thành nhưng vẫn “đắp chiếu” trong khi hệ thống y tế đang quá tải

Link Video: https://youtu.be/CcW-GBk41zo

RFA Tiếng Việt ngày 14/6 loan tin, “Hai bệnh viện nghìn tỷ ở Hà Nội khánh thành năm năm, vẫn còn “đắp chiếu”.

Theo đó, cơ sở 2 của hai bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, có tổng mức đầu tư lên đến trên 10 ngàn tỷ đồng, đã được triển khai xây lắp 90%, nhưng lại “đắp chiếu” gần năm năm qua vì vướng mắc thanh toán.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho truyền thông hay tin trên trong ngày 14/6, đồng thời xác nhận “đây là việc tồn tại khá lâu rồi”.

RFA dẫn lời Bộ trưởng Lan cho hay, hiện nay, một tổ công tác gồm các thành viên của Bộ Y tế, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ, đã xây dựng phương án để báo cáo lên Chính phủ, đề xuất các giải pháp làm sao nhanh chóng nhất đưa các bệnh viện này vào sử dụng. Phương án này đã được trình Chính phủ.

Sở dĩ hai cơ sở trên đã hoàn thành xây lắp đến 90%, nhưng bà Lan cho biết, do vướng mắc trong quá trình thanh toán, và trong đó, có “một số cơ chế phải Chính phủ quyết định”, thì mới có thể giải quyết được vướng mắc, giúp bệnh viện sớm hoàn thiện, đưa vào phục vụ.

RFA cho biết, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đều có quy mô 1.000 giường/viện, tổng mức đầu tư của mỗi cơ sở lên tới hơn 4.500 tỷ đồng. Đây là các cơ sở được xây dựng với mục đích giảm tải nhu cầu khám chữa bệnh cho cơ sở một, được nói là đã quá tải bệnh nhân từ nhiều năm qua.

Theo RFA, ngày 21/10/2018, khu khám bệnh của cả hai cơ sở này đã chính thức được khánh thành. Tuy nhiên, sau đó, chỉ có khu khám bệnh của Bệnh viện Bạch Mai được đưa vào sử dụng một thời gian, từ tháng 3/2019 đến tháng 3/2020, rồi thông báo tạm thời dừng hoạt động. Khu này từng được trưng dụng làm khu cách ly tập trung phòng dịch COVID-19.

Trong khi đó, vẫn theo RFA, Bệnh viện Việt Đức cơ sở 2 cũng chỉ dừng lại ở cắt băng khánh thành và chưa từng tiếp nhận bệnh nhân.

Hình: Bản tin trên RFA

Theo ghi nhận của tờ Vietnamnet, Bệnh viện Bạch Mai đã quá xuống cấp và quá tải bệnh nhân. Trong một bài viết đăng hồi cuối năm 2022, Trung tâm Thần kinh của Bệnh viện này đã bị quá tải với 300 bệnh nhân nội trú mỗi ngày. Một phòng bệnh nhân có 31 giường, nhưng luôn trong tình trạng tiếp nhận con số tới hơn 60, bệnh nhân phải nằm ghép. Vào những ngày nắng nóng, mùi hôi thối từ hệ thống thoát nước thải bốc lên nồng nặc. Vào ngày mưa, khu vực sân ngập nước.

Trang Thông Tấn xã Việt Nam cho biết thêm, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, ngay khi bà về nhận nhiệm vụ ở Bộ Y tế, Bộ này đã mời Thủ tướng Chính phủ xuống thăm cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức. Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập tổ công tác do Bộ trưởng làm Tổ trưởng để giải quyết các vấn đề tồn đọng. Tổ công tác này đã rà soát tất cả các quy định của pháp luật, thực trạng việc triển khai cơ sở 2 của các bệnh viện này, các gói thầu triển khai thực hiện.

Hiện nay, phương án để giải quyết xử lý vấn đề liên quan đến cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Việt Đức đang được báo cáo các cấp có thẩm quyền để xử lý. Đây không phải là một việc dễ dàng, có những vấn đề chưa có quy định của pháp luật vì thế cần báo cáo cấp có thẩm quyền để giải quyết theo quy định“, Bộ trưởng Bộ Y tế thông tin.

Trước đó, cuối năm 2014, cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức tại thành phố Phủ Lý (Hà Nam) được khởi công xây dựng, và kỳ vọng sẽ là hai bệnh viện hiện đại lớn nhất từ trước đến nay. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam có bệnh viện được xây dựng và vận hành theo tiêu chuẩn quốc tế, theo Thông Tấn xã Việt Nam.

Thực tế từ quá trình xây dựng và đưa vào hoạt động của 2 bệnh viện này cho thấy, giới chức Việt Nam luôn tự làm rối các hoạt động với những quy định lằng nhằng của pháp luật. Điều này dẫn tới lãng phí nguồn lực và mất cân bằng xã hội.

Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)

 >>> Lịch sử xung đột sắc tộc Tây Nguyên

>>> Thanh tra và giám sát thanh tra

>>> TIẾNG SÚNG CƯ KUIN, ĐAK LAK

Đàn áp có giải quyết được vấn đề Tây Nguyên?