Được độc quyền mua bán điện, được nhà nước bảo đảm cho một mình một chợ trên thị trường năng lượng điện, nhưng Tổng Công ty điện lực Việt Nam EVN lại than lỗ, và khoản lỗ lên đến gần 100.000 tỷ đồng, tức khoảng 4,2 tỷ đô la Mỹ. Điều đáng nói là, sau khi EVN báo lỗ, thì sự việc được đưa ra trước nghị trường mổ xẻ la nên hay không nên bù lỗ, mà không ai yêu cầu phải thanh tra, phải kiểm toán độc lập, xem Công ty này có tiêu cực gì hay không?
Có một điều là, các doanh nghiệp nhà nước chỉ bị Thanh tranh Chính phủ hoặc Ủy ban Kiểm tra Trung ương kiểm tra mà thôi, chứ không bị điều tra. Thanh tra Chính phủ là đơn vị dễ mua chuộc, bởi như ông Nguyễn Phú Trọng đã từng nói, phải chống tham nhũng ngay trong cơ quan chống tham nhũng, thì đủ biết, cơ quan Thanh tra Chính phủ nó như thế nào. Lâu nay, cơ quan này vẫn rất tai tiếng về vấn đề tham nhũng. Còn Ủy ban Kiểm tra Trung ương thì chỉ kiểm tra quản lý về mặt Đảng, họ không có đủ khả năng để kiểm tra vấn đề tài chính doanh nghiệp. Vả lại, là cơ quan Đảng hay cơ quan nhà nước thì cũng đều là những cơ quan không sạch sẽ gì.
Không có kiểm toán độc lập thì việc biển thủ tiền nhà nước rất khó bị phát hiện. Như vậy, nếu Chính phủ mà đồng ý cho EVN nâng giá điện lên, thì rất có thể doanh nghiệp này moi tiền ngân sách, rồi rót vào túi riêng của lãnh đạo doanh nghiệp.
Cứ như là quy luật tất yếu vậy, doanh nghiệp nhà nước làm ăn yếu kém, thua lỗ, nhưng quan chức quản lý doanh nghiệp lại giàu lên. Như một thói quen, sau khi Điện lực Việt Nam tăng giá bất thường, cựu Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) – Dương Quang Thành – trở thành tâm điểm gây chú ý. Trước đây hai người con trai ông Thành du học ở Mỹ với chi phí rất cao mỗi năm. Hiện nay, con trai ông Thành được cơ cấu vào Công ty Điện Lực Việt Nam, để chuẩn bị giành miếng bánh béo bở mà cha cậu ta đã từng hưởng.
Nền kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa là thứ thể chế kinh tế lai căng, tự do không ra tự do, bao cấp không ra bao cấp. Nó là loại hình kinh tế méo mó, chỗ thì siết chặt vào, chỗ thì phình ra quá rộng. Hiện nay, doanh nghiệp ngoài quốc doanh không có thân hữu với chính quyền đang gặp trăm bề khó khăn, mà đặc biệt là vấn đề vốn. Trong khi đó, doanh nghiệp nhà nước được hưởng đủ thứ ưu đãi, nhưng vẫn than lỗ.
Theo thông tin từ những người trong cuộc cho chúng tôi biết, phải than lỗ để đòi hỏi cơ chế, đòi hỏi chính sách ưu đãi riêng. Và như quy luật bất thành văn, hầu như đã đòi thì phải được. Để tránh những dị nghị của dư luận xã hội, thì vấn đề cũng được đưa lên báo và đưa ra trước nghị trường, để bàn tán xôn xao. Đấy là cách tạo ra sự minh bạch giả tạo, thực chất là, Chính phủ đã quyết trước khi vấn đề được đưa ra công khai.
“Định hướng Xã hội Chủ nghĩa” được xem là một cái đuôi. Cái đuôi này nuôi cả bộ máy chính quyền, giúp quan chức có thể làm giàu từ những đồng lương chết đói nhất. Điều đó dẫn tới việc quan chức có nhà, có xe, có của chìm có của nổi, có tiền cho con đi du học Âu Mỹ rất tốn kém.
Từ trong bộ máy nhà nước đến những bộ máy doanh nghiệp nhà nước, dường như nó có chung một cách thức, đó là bòn rút. Như Vietnam Airlines, Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản Việt Nam Vinacomin vv… đều là những doanh nghiệp “biết cách” thua lỗ. Đến than chỉ có đào lên bán mà cũng lỗ, dầu thô chỉ cần hút lên bán mà cũng lỗ.
Với một cơ chế không công bằng như vậy, Đảng Cộng sản đã bóp chết những doanh nghiệp Việt Nam, để nhường sân chơi cho khối FDI. Những năm gần đây, vai trò của doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp ngoài quốc doanh yếu dần và nền kinh tế dần phụ thuộc vào khối ngoại FDI. Đấy là cách quản lý tệ hại của Đảng Cộng sản.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)