Link Video: https://youtu.be/Xo3iaybY-sQ
Ngày 25/5, VOA Tiếng Việt có bài “Trung Quốc sắp tự trồng sầu riêng, Việt Nam sẽ gặp khó?”
Theo đó, việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam vào Trung Quốc đang gặp nhiều mối đe dọa.
VOA dẫn nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, những trái sầu riêng đầu tiên được thu hoạch ở tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, sắp sửa được đưa ra thị trường vào tháng 5 tới, với sản lượng 2.450 tấn. Tuy nhiên, do vấn đề khí hậu nên chất lượng sầu riêng ở đây không thể nào sánh được sầu riêng Thái Lan hay Việt Nam, dù cần sự chăm sóc của con người nhiều hơn và quan tâm chặt chẽ hơn.
Nhưng, theo nguồn tin từ South China Morning Post, ông Đậu Bách Trung, Tổng Giám đốc Công ty nông nghiệp Hải Nam Ưu Kỳ, có trụ sở ở Tam Á, Hải Nam, nói ông hy vọng năm nay Công ty ông sẽ thu hoạch được 50 tấn sầu riêng, sau khi gửi công nhân đi học tập kỹ thuật canh tác ở các nước Đông Nam Á. Công ty ông cũng đang làm việc với Viện Khoa học Nông nghiệp Nhiệt đới Trung Quốc để đẩy nhanh vòng sinh trưởng của sầu riêng từ 10 năm xuống còn 3 năm. VOA cho hay.
Do đó, nguồn sầu riêng mà Trung Quốc tự trồng vẫn là một mối nguy tiềm ẩn đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam.
Mặt khác, theo VnExpress, Philippines đã được Bắc Kinh cho phép xuất khẩu sầu riêng sang nước họ, sau Thái Lan, Malaysia và Việt Nam. Trung Quốc cũng đã được Lào cho phép trồng sầu riêng trên đất Lào, để tiêu thụ ở Trung Quốc. Diện tích trồng sầu riêng của Trung Quốc ở Lào bằng 27% diện tích sầu riêng của Việt Nam.
VOA cho biết, lợi thế của Việt Nam so với Thái Lan, do có cửa khẩu và đường biên giới với Trung Quốc, đang mất dần, sau khi Lào đưa vào sử dụng tuyến đường sắt cao tốc nối từ thủ đô Vientiane của họ đến Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam của Trung Quốc, giúp hàng nông sản Thái Lan đến Trung Quốc nhanh chóng hơn.
VnExpress cũng cho biết, hiện nay, giá sầu riêng Ri6 của Việt Nam thu mua tại các tỉnh miền Tây Nam bộ đã giảm, chỉ còn bằng 1/4 so với đỉnh điểm hồi đầu tháng 2 khi xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc hút hàng. Nguyên nhân do sầu riêng Việt Nam đang vào vụ thu hoạch, cùng lúc với sầu riêng Thái Lan và Philippines đã được xuất chính ngạch sang Trung Quốc, nên sầu riêng Việt Nam không còn được các đối tác Trung Quốc thu mua ồ ạt như trước.
VOA dẫn lời Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Phát triển (IDS), nhận định rằng, Việt Nam có lợi thế địa lý “sát nách với Trung Quốc” để có thể tận dụng thị trường khổng lồ này đối với trái sầu riêng.
“Tuy nhiên, thị trường Trung Quốc rất dễ biến động. Những quy định của Trung Quốc thay đổi xoành xoạch tùy thuộc vào tình hình chính trị của Trung Quốc với Việt Nam,” ông nói. “Đó là yếu tố rất đáng cân nhắc và đáng lo cho các nhà sản xuất Việt Nam, không chỉ là sầu riêng.”
Ông chỉ ra những vụ việc trong giao thương với Trung Quốc đã từng xảy ra rất nhiều lần là giá cả một loại nông sản nào đó lên khiến bà con rất mừng, đổ xô đi trồng loại trái cây đó nhưng đùng một cái lại rớt giá vì xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc lại.
Do đó, ông lưu ý bên cạnh việc tìm cách tận dụng thị trường rộng lớn của Trung Quốc thì các nhà xuất khẩu Việt Nam cũng cần có sẵn kế hoạch ứng phó rủi ro.
Ông cũng thừa nhận, Việt Nam khó xuất khẩu trái cây nhiệt đới sang Mỹ và châu Âu do không hợp thị hiếu. Trong khi đó, người dân Trung Quốc rất ưa chuộng các loại trái cây nhiệt đới của Việt Nam, đặc biệt là sầu riêng.
“Tại sao chỉ bán sầu riêng hay trái cây tươi? Nếu nền công nghiệp chế biến phát triển, thì nó giải quyết được vấn đề được mùa, cung tăng đột ngột. Khi đó hàng hóa không những không mất giá mà còn tăng được giá trị lên,” ông lập luận.
Ông cho rằng, nông dân chỉ chạy theo lợi ích trước mắt, nên “rất cần vai trò điều tiết của Nhà nước”.
Tờ Tuổi Trẻ cho biết, bất chấp khuyến cáo liên tục của giới chức nông nghiệp Việt Nam, là không nên trồng quá nhiều sầu riêng khiến cung vượt cầu, nhưng nông dân vẫn tiếp tục ồ ạt trồng loại cây này. Bởi vì, vào lúc đỉnh điểm thương lái Trung Quốc gom hàng sầu riêng, các nhà vườn có thể lời từ 1 đến 2 tỷ đồng một hectare, cao gấp nhiều lần các loại cây ăn trái khác.
Trong khi đó, ở Philippines, VOA dẫn tin từ South China Morning Post cho biết, Thượng nghị sỹ Imee Marcos nói, việc trông chờ Trung Quốc “mua hết số sầu riêng mà Philippines trồng trong nước có thực tế hay không”, khi mà Bắc Kinh đã bất mãn thấy rõ trước việc Manila tăng cường huấn luyện quân sự với Mỹ.
Cũng theo tờ báo này, trong năm 2022, Trung Quốc đã nhập khẩu 824.000 tấn sầu riêng với giá trị hơn 4 tỷ đô la Mỹ, tăng gấp 4 lần so với năm 2017.
Thu Phương – thoibao.de
>>> Nguyễn Thiện Nhân muốn lùa tiền dành cho dân vào miệng EVN
>>> Bị “đánh” tứ phía, Vượng Vin vung tay “đỡ gió”
>>> Kinh doanh mê tín, Thích Trúc Thái Minh lập kỷ lục thế giới
Trung Quốc ngày càng đẩy nhanh tranh chấp tại Biển Đông