Ngày 18/5, báo chí trong nước đồng loạt đưa tin, ông Nguyễn Văn Vịnh, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai, và ông Doãn Văn Hưởng, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai bị bắt với cáo buộc “lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Khoản 3 Điều 281 Bộ luật Hình sự. Ngoài ra, trong đợt bắt người lần này còn có ông Ngô Đức Hoàng, chuyên viên Phòng Kế hoạch Tài chính, thuộc Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trước đó 10 ngày, tại trụ sở Trung ương Đảng, ông Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư, xem xét, thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Văn Vịnh, Cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy, cựu Bí thư Ban Cán sự Đảng, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Lào Cai.
Tội danh của ông Vịnh, xét về mặt Đảng thì cũng tương tự như bao nhiêu ủy viên Trung ương Đảng khác từng bị “trảm”. Đó là, ông Trọng quy kết ông Vịnh đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để nhiều tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm, bị xử lý hình sự.
Vào giai đoạn trước kỳ Hội nghị Trung ương 7, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đã chuẩn bị Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Những thành viên của Bộ Chính trị là tầng trên so với ủy viên Trung ương Đảng. Nhiều ủy viên Trung ương Đảng là Bí thư Tỉnh ủy. Ở Ban Bí thư có ủy viên Trung ương Đảng lẫn ủy viên Bộ Chính trị. Tuy nhiên, các ủy viên Trung ương Đảng trong Ban Bí thư thường là “đệ ruột” của ông Tổng Bí thư, khó có chuyện bị ông trừng trị. Cho nên, một số nhà quan sát cho rằng, ông Trọng ra Quy định 96 là nhắm vào các ủy viên Bộ Chính trị mà không thuộc phe ông Tổng.
Hành động cho bắt Nguyễn Văn Vịnh và những người dưới quyền ông Vịnh, ngay sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 1 ngày, cho thấy, ông Nguyễn Phú Trọng như muốn “rung cây dọa khỉ”. Có lẽ, ông dùng cách trảm một cựu Bí thư tỉnh để dọa một ai đó trong Bộ Chính trị. Bởi vì, trong Bộ Chính trị mới có những con “khỉ đột” to lớn. Còn các ủy viên Trung ương Đảng, ông Trọng muốn bắt là bắt, dễ như lấy kẹo trong túi.
Kỳ họp Hội nghị Trung ương 7 đã kết thúc, tuy nhiên, kết quả lấy phiếu tín nhiệm như thế nào, cho đến nay Đảng Cộng sản vẫn không tung ra cho dân biết. Thậm chí, báo chí quốc doanh cũng bị cấm thông báo kết quả, không biết dụng ý của ông Trọng là gì? Có lẽ, ông không muốn những phân tích của báo chí tự do nhắm vào việc đấu đá của Bộ Chính trị chăng?
Theo lịch thì ngày 22/5 tới, Quốc hội sẽ khai mạc và dự kiến ngay ngày đầu tiên sẽ bàn về công tác nhân sự. Hiện nay, giới quan sát đang hóng xem, liệu ông Thủ tướng Phạm Minh Chính có bị bay ghế hay không? Hay vẫn còn giữ vững.
Trong chiến dịch lấy phiếu tín nhiệm, các ủy viên Bộ Chính trị có bị truất phế hay không, phụ thuộc vào kết quả lá phiếu của các ủy viên Trung ương Đảng. Cách đây 11 năm, ông Nguyễn Phú Trọng đã nhận trái đắng khi những phiếu tín nhiệm mà ông Nguyễn Phú Trọng bày ra, đã bị ông Thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng “mua sạch”. Đấy là lần thất bại đau đớn đối với ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Việc kỷ luật nặng ông cựu Ủy viên Trung ương Đảng, cựu Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai trong và ngay sau Hội nghị Trung ương 7 đã cho thấy, đây có thể là cách mà ông Trọng cảnh cáo các ủy viên Trung ương Đảng khác. Đã bị kỷ luật nặng về mặt Đảng, thì việc Công an bắt giữ sau đó chỉ là thủ tục.
Kết quả của Thủ Chính thế nào, ngày 22/5 sẽ rõ. Hãy chờ xem.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)
Link tham khảo:
https://thanhnien.vn/bat-tam-giam-cuu-bi-thu-tinh-uy-lao-cai-nguyen-van-vinh-185230518224059544.htm