Sáng ngày 15/5, Hội nghị Trung ương 7 khai mạc. Đây là kỳ họp tổng kết nửa năm đấu đá và mở ra chu kỳ đấu đá mới. Kỳ họp này kéo dài 3 ngày, từ ngày 15 đến ngày 17/5. Để chuẩn bị cho Hội nghị này, ngày 2/2, ông Nguyễn Phú Trọng đã thông qua Bộ Chính trị, ban hành Quy định 96 về việc lấy phiếu tín nhiệm được tiến hành định kỳ. Mỗi nhiệm kỳ sẽ lấy phiếu tín nhiệm một lần vào năm thứ 3 – năm giữa nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp. Các chức danh do Ban Chấp hành Trung ương bầu, sẽ lấy phiếu tín nhiệm theo chương trình làm việc của Trung ương.
Việc lấy phiếu tín nhiệm được xem là lưỡi kiếm cùn, khi mà cách đây 11 năm, ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng đúng công cụ này để loại bỏ Nguyễn Tấn Dũng ra khỏi vũ đài chính trị. Tuy nhiên, ở lần đó, ông Nguyễn Tấn Dũng đã đỡ thành công cú đánh trời giáng này. Vũ khí mà ông Dũng dùng để hóa giải thanh kiếm của ông Tổng, chính là dùng tiền để thao túng phiếu tín nhiệm. Và cho tới nay, đây cũng là công cụ hay nhất, chưa có công cụ nào hay hơn có thể hóa giải được đòn hiểm của ông Tổng Bí thư.
Từ đầu nhiệm kỳ tới nay, ông Phạm Minh Chính cho mọi người thấy rằng, ông là người bất tài trong việc điều hành nền kinh tế đất nước. Từ chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước, cho đến chính sách tài khóa do chính ông Thủ tướng ban hành, đều lộ ra những tử huyệt rõ rệt. Ngân hàng Nhà nước cho đến nay chẳng có giải pháp gì để khắc phục những hậu quả mà ông Lê Minh Hưng để lại. Về nguồn vốn đầu tư công, chỉ mới nửa nhiệm kỳ mà nguồn vốn đã bị nghẽn một cách đáng báo động. Bộ máy nhà nước thì ù lì không chịu vận hành, ông Chính tìm mọi cách để loại bỏ sức ì, nhưng vẫn bế tắc.
Yếu kém của Chính phủ thì đã rõ, việc ông Nguyễn Phú Trọng dùng vũ khí “lấy phiếu tín nhiệm”cũng là cách ép ông Phạm Minh Chính. Bởi một khi bị Trung ương Đảng bỏ phiếu tín nhiệm thấp, thì xem như sự nghiệp chính trị của ông Phạm Minh Chính cũng kết thúc.
Tình cảnh của Phạm Minh Chính hôm nay không khác tình cảnh của ông Nguyễn Tấn Dũng cách đây 11 năm. Tuy nhiên, lần trước ông Nguyễn Tấn Dũng đã “chiến thắng vẻ vang”, còn giờ đây, ông Phạm Minh Chính có lặp lại thành tích của người tiền nhiệm hay không?
Hiện nay, ông Phạm Minh Chính được lợi thế là người đi sau, ông Chính có thể học lại bài học mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã thực hiện trước đây, và có thể thành công. Ở cương vị Thủ tướng, cơ hội kiếm tiền luôn rộng mở. Vấn đề chỉ là, liệu ông Thủ tướng có dùng tiền làm công cụ tốt bằng ông Nguyễn Tấn Dũng hay không, thì vẫn phải chờ xem?
Ông Phạm Minh Chính cũng còn một lợi thế khác, đó là, ông Chính được ông Nguyễn Tấn Dũng cố vấn, nhắc đòn. Thực tế, dù là đứng sau cánh gà của sân khấu chính trị, nhưng ông Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn sức ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt là ảnh hưởng lên Chính phủ.
Dù may mắn trót lọt qua được Hội nghị này, thì khả năng ghế của ông Phạm Minh Chính vẫn chưa yên. Nguyên nhân là đang có Trần Lưu Quang muốn soán ngôi. Nếu ông Chính vận động được Trung ương Đảng không bầu Trần Lưu Quang vào Bộ Chính trị, thì có thể, ghế Thủ tướng của ông Chính tạm ổn đến cuối nhiệm kỳ. Còn nếu lần này để cho Trần Lưu Quang vào được Bộ Chính trị, thì rất khó cho Phạm Minh Chính yên vị trên ghế Thủ tướng đến hết nhiệm kỳ.
Vỏ quýt dày thì có móng tay nhọn. Hồi tháng 2, ông Nguyễn Phú Trọng đã ra Quy định 96, điều đó cho thấy, ông Trọng muốn dùng công cụ này để truất phế trụ Thủ Tướng. Ông Phạm Minh Chính rất kém quản lý kinh tế, nhưng ông rất nhạy bén trước các chiêu trò đấu đá nhau trên vũ đài chính trị. Khả năng ông Phạm Minh Chính đỡ được thanh kiếm của ông Nguyễn Phú Trọng là trên 50%. Để lật được trụ Thủ tướng, không hề dễ dàng, dù đó là Tổng Bí thư.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)