Câu chuyện về gia đình ông Trần Qúi Thanh sẽ còn là đề tài bàn tán của mạng xã hội trong khoảng thời gian dài nữa. Bởi từ đầu năm 2022 đến nay, hầu hết các đại gia bị xộ khám thường là những đại gia bất động sản, nhưng trường hợp ông Trần Qúi Thanh thì khác, ông Thanh là người làm trong ngành sản xuất. Thị phần nước ngọt tại Việt Nam của Tân Hiệp Phát còn lớn hơn cả 2 đại gia Mỹ trên đất Việt Nam, đó là Pepsi và Coca Cola.
Về mặt đạo đức, ông Trần Qúi Thanh bị xã hội ghét vì những thủ đoạn trắng trợn của ông. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận, ông là người có năng lực, chứ không phải như những người làm giàu bằng đất đai chỉ biết đánh quả, chớp thời cơ làm giàu. Doanh nghiệp của ông Trần Qúi Thanh có dây chuyền sản xuất hiện đại, và nguồn lợi từ kinh doanh nước ngọt rất lớn. Ở Việt Nam, doanh nghiệp như ông Trần Qúi Thanh không nhiều.
Có lẽ, sự sai lầm của ông Trần Quý Thanh là thấy người ta làm giàu từ đất đai, nên đã không muốn bỏ lỡ cơ hội. Ít có ai vừa nhảy sang lĩnh vực bất động sản mà trong túi có nhiều tiền như ông Trần Qúi Thanh. Bởi ông là người thành công trước khi lấn sân sang bất động sản.
Lĩnh vực bất động sản mua nhanh bán nhanh và lời nhanh, nếu thị trường nóng lên. Với khả năng tài chính dồi dào, không phải đi vay để mua đất, nên khi thị trường đóng băng, ông Trần Qúi Thanh có thể giữ đất như là két sắt cất giữ tài sản, đợi thị trường nóng trở lại thì sang tay.
Khi thị trường đóng băng, nhiều đại gia bất động sản lâm vào cảnh khó khăn vì áp lực phải đẩy hàng để thu hồi vốn trả nợ. Trong khi đó, cha con ông Trần Quý Thanh thì không gặp áp lực đấy. Khi đối thủ của ông trong ngành bất động sản kẹt tiền, ông ép người ta bán lúa non hoặc cho người ta vay tiền để xoay sở. Khi con nợ hết khả năng trả, cha con ông ép họ giao dự án với giá rẻ bèo. Như vậy là, cha con ông Trần Quý Thanh làm ăn được ngay cả khi thị trường nóng và cả khi thị trường đóng băng. Tuy nhiên, làm như vậy thì rất có thể bị dính vào “cho vay nặng lãi” hoặc “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Và thực tế, cha con ông Trần Qúi Thanh đã rơi vào cái bẫy do chính lòng tham của ông tạo ra.
Lĩnh vực sản xuất nước ngọt của ông Trần Qúi Thanh vốn đã được nhiều đại gia nước ngoài nhòm ngó. Nhiều lần họ đề xuất thương vụ M&A (tức mua bán sáp nhập doanh nghiệp) với giá trị lên đến 2,5 tỷ đô la Mỹ, nhưng ông Thanh từ chối. Bởi khi nước ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam, họ cần thời gian gầy dựng hàng chục năm, nhưng chưa chắc gì đã được thị trường chấp nhận. Trong khi đó, bỏ tiền ra mua luôn doanh nghiệp đã có thương hiệu quen thuộc với người tiêu dùng, đã mọc rễ ở thị trường Việt Nam, thì hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn.
Với việc cha con ông Trần Qúi Thanh bị xộ khám, có khả năng Tân Hiệp Phát sẽ bị đối tác nước ngoài nuốt lấy. Doanh nghiệp Tân Hiệp Phát là doanh nghiệp có tính bền vững cao, chứ không phải kém bền vững như FLC của ông Trịnh Văn Quyết. Cho nên, khó có chuyện Tân Hiệp Phát sẽ suy tàn như FLC sau khi ông chủ bị bắt, mà khả năng cao là đối tác nước ngoài muốn thực hiện một thương vụ M&A trong tương lai.
Vậy nên mới thấy, lòng tham đã dẫn dắt ông Trần Qúi Thanh đi đến cửa nhà tù. Nếu không tham gia làm bất động sản, ông Trần Quí Thanh chỉ tập trung vào Tân Hiệp Phát, thì giờ đây, cha con ông ngồi rung đùi lượm tiền. Thị trường nước giải khát ít chịu ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, vì một chai nước có giá trị rất nhỏ.
Tham thì thâm là câu nói đã tồn tại trong dân gian không biết từ bao giờ. Tuy nhiên ít ai rút ra được bài học sâu sắc về nó. Với Việt Nam, để có được một doanh nghiệp thành công như Tân Hiệp Phát không dễ chút nào. Công lao ông Trần Qúi Thanh đã vất vả nuôi lớn thương hiệu, để rồi “cọp ăn” thì quả là đáng tiếc.
Thu Phương – Thoibao.de (Tổng hợp)