Link Video: https://youtu.be/3urbpcZOuI0
Ngày 27/3, truyền thông nhà nước loan tin, Chủ tịch nước, ông Võ Văn Thưởng đã thăm và làm việc tại Tòa án Nhân dân Tối cao. Tại cuộc thăm gặp này, ông Thưởng phát biểu rằng, ngành tòa án cần lưu ý để “không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai”.
Điều đáng nói là, phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trở nên đáng chú ý hơn, trong bối cảnh vụ bốn cô tiếp viên hàng không mang ma túy gây tranh cãi.
Truyền thông nhà nước cho hay, Cục Hải quan TP. HCM nói rằng, vụ bắt giữ “không phải tình cờ”, mà đã qua quá trình dài theo dõi, thu thập thông tin… Trong khi đó, Công an TP. HCM lại tuyên bố “tạm thời trả tự do” vì “chưa đủ cơ sở để khởi tố” 4 tiếp viên hàng không này, dựa theo lời khai của họ rằng, họ “không biết” hành lý của họ chứa ma túy. Cùng lúc, cộng đồng mạng đang râm ran lời đồn rằng, một trong bốn cô gái kia là cháu của ông Võ Văn Thưởng.
Truyền thông nhà nước tường thuật rằng, trong cuộc họp với Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu bật nhiệm vụ trọng tâm của ngành tòa án Việt Nam. Đó là là đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.
Ông nhấn mạnh vào yêu cầu xây dựng chế định tố tụng tư pháp “lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá”; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, pháp quyền, nghiêm minh, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ rằng, mỗi phán quyết, quyết định của tòa án đều liên quan đến sinh mạng chính trị và thậm chí là sinh mạng con người; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; vì thế không được để xảy ra oan, giảm tối đa tình trạng sai hoặc với yêu cầu cao là không được để xảy ra sai.
Có lẽ ông Thưởng là quan chức nhà nước đầu tiên quan tâm và nhấn mạnh đến quyền con người, quyền công dân, điều mà chế độ Cộng sản rất coi nhẹ và thường xuyên chà đạp. Không rõ, ông thật sự coi trọng các quyền này hay là đang sử dụng nó như một quân bài trong tình huống bất lợi cho người thân của ông.
Nếu ông Thưởng – với vai trò Chủ tịch nước – thật sư xem trọng quyền con người, nếu ông biết rằng mỗi bản án là số phận một con người, thậm chí là cả một gia đình, mong rằng, ông có thể chỉ đạo cho ngành tòa án xử lại hàng ngàn bản án oan sai từ trước tới nay. Giải oan cho những người dân vô tội đã và đang chịu tù đày, cho Hồ Duy Hải, cho các con cháu cụ Lê Đình Kình và cho những tù nhân lương tâm bị bắt chỉ vì họ thực hiện quyền con người.
Ông Thưởng cũng yêu cầu cần tuyên truyền, giải thích rõ ràng về nội dung vụ án, về áp dụng pháp luật trong vụ án, về tính chất, mức độ của hành vi vi phạm trong bối cảnh, con người cụ thể để nhân dân hiểu đúng các quyết định của tòa án. Tuy nhiên, có lẽ ông cần nói thêm, trong trường hợp tòa án xử oan sai dẫn đến cộng đồng phản ứng thì nên xử lý tòa án như thế nào, ví dụ vụ tòa chấp nhận vật chứng vụ án được công an mua ngoài chợ đưa vào, như trong vụ Hồ Duy Hải.
Phải chăng, ông Thưởng cũng chỉ đang chỉ chỏ, hướng dẫn bên dưới cách làm sao để bịt miệng dư luận, để dư luận phải hiểu theo đúng ý của tòa, của công an, chớ có nói trái ngược.
Theo đài VOA, quyết định của Công an TP. HCM về việc thả 4 cô tiếp viên hàng không mang ma túy đã gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận Việt Nam.
Tuy nhiên, VOA dẫn lời Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Phòng Tham mưu Công an TP. HCM cho biết, “Đây là vấn đề đang có nhiều ý kiến trái chiều, sự việc vẫn đang trong quá trình điều tra và khi có dấu hiệu vi phạm hoặc chứng cứ khác, cơ quan công an sẽ vẫn xử lý, không phải kết thúc hoàn toàn“.
Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Ai sẽ là “thần dân” của “Đức Vua Đàm” nếu “Đức vua hụt” xưng đế thành công?
>>> Sau những năm gặp đại họa, Thủ tướng Chính hoảng hồn lo bịt lỗ thủng
>>> VinFast và Novaland cột chung một tảng đá. Ai chìm ai nổi?
>>> Siêu dự án của Nguyễn Thanh Nghị chưa hình thành, tiêu cực đã nhú lên
Giáo sư người Pháp: Việt Nam được lợi khi Mỹ và Philippines tăng cường hợp tác quân sự