Link Video: https://youtu.be/SuncuO8XguI
Ngày 2/2, truyền thông nhà nước loan tin, hơn 200.000 người lao động bị nợ, không đóng tiền bảo hiểm xã hội (BHXH), không được hưởng các chế độ, có nguy cơ không có lương hưu.
Tình trạng này xảy ra do các doanh nghiệp sử dụng lao động nợ, không đóng tiền phí BHXH cho người lao động. Tình trạng này không phải bây giờ mới xảy ra, mà nó đã kéo dài từ vài chục năm nay, nhưng dường như chính quyền bất lực.
Theo số liệu thống kê, Việt Nam có hơn 610.000 công ty xí nghiệp lớn nhỏ, nhưng chỉ có 330.000 đơn vị tham gia bảo hiểm xã hội. Nghĩa là có gần một nửa số doanh nghiệp trốn nghĩa vụ đóng BHXH. Do đó, có hàng triệu người không được hưởng các khoản trợ cấp từ BHXH.
Trong số 330.000 doanh nghiệp tham gia BHXH, thì lại có rất nhiều doanh nghiệp chây ỳ, nợ phí, đóng phí không đúng hạn, đóng không đủ… dẫn đến quỹ BHXH thất thu hàng chục tỷ đồng mỗi năm.
Nhà nước đã thực hiện một số biện pháp để thu hồi khoản tiền này, như thanh tra, bêu xấu trên truyền thông, phạt và truy thu nợ… Tuy nhiên, có vẻ như mọi biện pháp đều không hiệu quả, đến nay vẫn có rất nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH và chây ỳ nợ BHXH.
Theo luật Việt Nam, muốn khởi tố một doanh nghiệp nợ tiền BHXH, thì cơ quan BHXH (bên nguyên đơn) phải chứng minh được hành vi gian dối, hoặc những thủ đoạn khác như: làm giả hồ sơ, che dấu sự thật… Song, là một cơ quan dân sự, quỹ BHXH làm sao có thể điều tra, chứng minh những điều này.
Nếu không chứng minh được sự gian dối, thì việc nợ tiền BHXH chỉ là vấn đề thuộc phạm vi luật dân sự, mà đã là dân sự thì chả ai ngán ai.
Mặt khác, những vướng mắc về pháp lý dẫn đến khó khăn cho quy trình khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH. Trước 2016, quyền khởi kiện thuộc về cơ quan BHXH, nhưng từ 2016, quyền này thuộc về công đoàn cơ sở.
Tuy nhiên, công đoàn cơ sở lại ở ngay trong lòng doanh nghiệp và ăn lương của doanh nghiệp, nên không có chuyện chủ tịch công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện người chủ của mình. Cần nói rõ, ở Việt Nam chỉ có một hệ thống công đoàn được hoạt động, đó là hệ thống thuộc Liên đoàn Lao động Việt Nam – một cánh tay nối dài của Đảng. Hoàn toàn không có công đoàn độc lập, công đoàn do chính người lao động lập ra, và hoạt động thật sự vì quyền lợi của người lao động.
Công đoàn của Đảng thì chỉ hoạt động theo các chỉ thị của Đảng, người là do Đảng chỉ định, tôn chỉ, mục đích tuy hay ho nhưng cũng chỉ để làm màu. Những người lãnh đạo công đoàn cơ sở, làm việc theo chỉ thị của hệ thống công đoàn do Đảng lãnh đạo, hưởng lương của chủ doanh nghiệp, vậy làm sao họ có thể đại diện cho quyền lợi của người lao động? Làm sao họ dám đấu tranh cho người lao động?
Một vướng mắc nữa của quá trình khởi kiện, đó là công đoàn cơ sở muốn kiện thì phải thu thập đủ chữ ký của người lao động trong doanh nghiệp. Người lao động thì phải đóng phí khi tham gia khiếu kiện, khiến người ta e ngại.
Tất cả những điều này thể hiện sự bất lực của hệ thống công đoàn thuộc quyền lãnh đạo của Đảng. Bởi vì, trên hình thức, họ vẫn là cơ quan đại diện cho người lao động, có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi của người lao động.
Và, vì bất lực, Công đoàn Việt Nam đã làm một chuyện nực cười, đó là “báo cáo Bộ Chính trị”. Đưa một vấn đề thuộc quản lý nhà nước, sang mách lẻo với một cơ chế của Đảng, vốn không có thẩm quyền quản lý, không có quyền thi hành luật pháp.
Nhưng trớ trêu thay, điều tréo ngoe này dường như lại “rất hợp lý” ở Việt Nam. Vì ở Việt Nam, ai cũng hiểu, phán quyết của Bộ Chính trị quan trọng hơn luật pháp, và công lý chỉ là một thằng hề.
Người lao động mất lương hưu, cuộc sống của họ và gia đình họ có thể bị đẩy vào cảnh khốn cùng trong tương lai. Ai sẽ chịu trách nhiệm về điều này, hay lại là “không ai cả”?
Ý Nhi – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nghị phóng lao, Chính theo lao. Cả hai “ngỏm cả chùm”?
>>> Em họ cựu Chủ tịch nước dính đến nhiều nhóm lợi ích
>>> Sự vô trách nhiệm dẫn đến những hệ lụy xấu cho cả nền kinh tế
Việt Nam cần hành động ngay trước mối đe dọa từ chiến lược “Dung hợp quân – dân” của Trung Quốc