Truyền thông quốc tế tiếp tục quan tâm vụ hai Phó Thủ tướng Việt Nam về vườn

Link Video: https://youtu.be/MW9PrUynnvQ

Việc chính quyền Cộng sản Việt Nam cho về vườn cùng lúc cả 2 ông Phó Thủ tướng từng được đào tạo ở phương Tây, vẫn đang tiếp tục được báo chí nước ngoài quan tâm bình luận.

Trong một bài đăng trên trang The Diplomat ngày 11/1/2023, của tác giả Nguyễn Hồng Hải, một nhà nghiên cứu chính trị Việt Nam, từ Úc, có tựa đề “Cựu Bộ trưởng Ngoại giao bị sa thải làm phức tạp quan hệ đối ngoại của Việt Nam”.

Theo tác giả Nguyễn Hồng Hải, việc “sa thải ông Phạm Bình Minh khiến quan hệ đối ngoại của Việt Nam trở nên khó khăn hơn”, và “sự ra đi bất thường giữa nhiệm kỳ của ông Phạm Bình Minh để lại một khoảng trống trong giới lãnh đạo ngoại giao của Việt Nam”.

Tuy báo chí Việt Nam cố gắng diễn giải rằng, đây không phải là vụ sa thải, mà “cho thôi chức vụ” vì trách nhiệm chính trị, nhưng việc để ông Minh rời các vị trí trong Bộ Chính trị và Chính phủ giữa nhiệm kỳ Đại hội Đảng đặt ra một câu hỏi lớn. Tác giả người Úc gốc Việt nêu vấn đề và cho rằng “đây là một bước lùi của ngoại giao Việt Nam”.

Tác giả cũng trích dẫn nguồn từ Hoa Kỳ, đánh giá ông Phạm Bình Minh là một “nhà ngoại giao có năng lực nhất châu Á”. Đó là lời của bà Josette Sheeran – Chủ tịch Hội Asia Society tại New York – đã nói, khi giới thiệu “Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao VN lên phát biểu”.

Trên trang web của Asia Society vẫn còn lưu bài phát biểu và trả lời phỏng vấn của ông Phạm Bình Minh, hoàn toàn bằng tiếng Anh, dài 1 tiếng.

Ông giải thích vị thế của Việt Nam trong bối cảnh thời sự vùng Đông Nam Á xoay chuyển, và nhu cầu cân bằng quan hệ với Trung Quốc và Hoa Kỳ của Việt Nam. Ông cũng nói về viêc Việt Nam có thể đóng góp ra sao để có một châu Á – Thái Bình Dương ổn định và thịnh vượng.

Sự kiện này diễn ra bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc tại New York vào tháng 9/2014.

Nhiều tờ báo quốc tế đã đăng tải tin hai ông Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam bị sa thải và bình luận về sự kiện này. Một số tờ báo có thể kể đến như: Bangkok Post của Thái Lan, NHK của Nhật Bản, hãng tin Anh Reuters, trang Financial Times… Trang Financial Times ngày 5/1 đánh giá rằng vụ việc này “đem lại khó khăn trước mắt cho Chính phủ của Thủ tướng Phạm Minh Chính”, và cho rằng, đây là dấu hiệu ông Nguyễn Phú Trọng đang “củng cố thêm quyền lực”.

Trước đó, dư luận Việt Nam đã ồn ào bàn tán rằng, ngành ngoại giao bị lọt vào tầm ngắm, sau khi diễn ra các vụ bắt bớ hàng loạt cán bộ thuộc Bộ Ngoại giao, bao gồm cả một Thứ trưởng, và sau đó là Trợ lý của ông Phạm Bình Minh.

Hình: Ông Phạm Bình Minh – cựu Phó Thủ tướng

Ở Việt Nam, trong công cuộc đốt lò của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thì việc ai đó bị kỷ luật, hoặc bị công khai nhắc nhở về mặt Đảng, chính là quyết định dẫn tới việc mất chức vụ trong chính quyền, thậm chí có thể dẫn tới truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tác giả Nguyễn Hồng Hải cho rằng, đây lúc Việt Nam “hết sức cần có một nhà ngoại giao kinh nghiệm, tài năng và một lãnh đạo có khả năng lèo lái trong một môi trường khu vực đang có cạnh tranh giữa các cường quốc...”. Vậy nên, việc ông Minh ra đi vào lúc này là một tổn thất cho ngành ngoại giao Việt Nam, vì đang có nhiều hồ sơ ngoại giao quan trọng như: nâng cấp quan hệ Việt – Mỹ; chiến tranh Ukraine; Biển Đông… Chưa kể năm 2023 này là năm có nhiều dịp kỷ niệm quan hệ ngoại giao quan trọng của Việt Nam với các nước khác.

Hiện có nhiều luồng dư luận khác nhau về sự kiện này. Có luồng dư luận cho rằng, đây chỉ là cuộc chiến quyền lực ở cấp cao trong chính trường Việt Nam; Luồng dư luận khác thì cho rằng, đây là chỉ thị từ Trung Quốc để triệt tiêu những người có xu hướng thân cận với phương Tây; Một số lại cho rằng, đã dính vào bê bối thì phải chịu trách nhiệm.

Không rõ luồng dư luận nào là đúng vì mỗi quan điểm đều có những lập luận có vẻ hợp lý.

Hình: Ông Vũ Đức Đam – cựu Phó Thủ tướng

Xuân Hưng – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Ngày phán xét đến nhanh, Chủ tịch Phúc khó “qua nổi con trăng này”

>>> “Chốt kèo”! 23 Ông Táo về trời thì 27 Ông Phúc cũng về vườn… ngay luôn

>>> Ngổn ngang Bộ Công an, nếu Tô Lâm ra đi, thế lực Trần Đại Quang có cơ hội trỗi dậy

Việt Nam mở rộng cản trở các nhóm xã hội dân sự được cấp phép