Link Video: https://youtu.be/WUl2FkfZ26M
Chiều ngày 4/1/2023, Quốc hội họp trù bị để hôm sau khai mạc phiên họp bất thường. Chủ trì buổi họp này, ông Nguyễn Phú Trọng có nói về vấn đề “nhận trách nhiệm chính trị”. Nếu nói đến từ “trách nhiệm” thì ai cũng hiểu, còn “trách nhiệm chính trị” bản thân nó tối nghĩa. Giải thích cho nội dung của “trách nhiệm chính trị”, ông Nguyễn Phú Trọng dẫn chứng trường hợp ông Phạm Bình Minh, Vũ Đức Đam thôi nhiệm vụ Phó Thủ tướng.
Ông Trọng cho rằng, những cán bộ cấp cao ấy, tự nhận thấy trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân, tự giác chính trị, nhận trách nhiệm chính trị cao nhất và từ chức. Nói chung, dù giải thích thế nào cũng rất mơ hồ. Thực tế, quan chức sai phạm nhận trách nhiệm và từ chức cũng chỉ liên quan đến trách nhiệm, chứ trên thế giới không quốc gia nào dùng từ “trách nhiệm chính trị” cả. Trong tổ chức phi chính trị hay trong doanh nghiệp, nếu trưởng phòng hay trưởng nhóm để xảy ra những lỗi trong phạm vi quyền hạn của mình, thì phải nhận trách nhiệm, thế thôi. Việc quan chức làm chính trị nhận trách nhiệm, về bản chất chẳng khác nào một trưởng phòng để sai phạm xảy ra trong phạm vi quản lý của mình, và nhận trách nhiệm. Không việc gì phải kèm “chính trị” theo sau chữ “trách nhiệm”.
Thực ra, việc các quan chức cấp cao từ chức là cách mà Đảng Cộng sản dựng lên, để làm cho ra vẻ quan chức có liêm sỉ mà từ chức. Tuy nhiên, ẩn đằng sau nó là một sự đe dọa, nếu không chịu từ chức thì tội sẽ nặng hơn. Ví dụ như trường hợp ông Nguyễn Văn Thể, để hàng loạt dự án cầu đường rải khắp nước bị dính sai phạm, để tiêu cực khủng khiếp xảy ra ở Cục Đăng kiểm, để BOT bẩn lộng hành,… nếu không tháo chạy sớm thì e sẽ bị truất phế và mang tội nặng hơn. Việc xin từ chức trước Đảng của ông Nguyễn Văn Thể là cách chọn giải pháp an toàn cho bản thân ông, chứ chẳng liên quan gì đến trách nhiệm. Nếu ông Nguyễn Văn Thể có trách nhiệm, thì BOT bẩn không thể sống khỏe và những người phản đối BOT bẩn đã không vào tù.
Trong tư thế là người đứng đầu Đảng, là người dẫn dắt toàn Đảng đi theo ý đồ của mình, ông Nguyễn Phú Trọng đã dùng lá bài “chịu trách nhiệm chính trị” để răn dạy toàn Đảng. Thực tế, lá bài “trách nhiệm chính trị” đã bị ông Nguyễn Tấn Dũng đem ra đùa cợt cách đây hơn 10 năm.
Ngày 22/10/2012, trong phiên khai mạc kỳ họp lần thứ 4 Quốc hội khóa XIII, ông Nguyễn Tấn Dũng lúc đó là Thủ tướng Chính phủ, đã trình bày Báo cáo của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2013. Đây là kỳ họp được cả nước theo dõi, bởi trước đó, chính những “quả đấm thép” của ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm tan hoang nền kinh tế đất nước.
Trước Quốc hội, ông Nguyễn Tấn Dũng nói rằng, ông nghiêm túc nhận trách nhiệm chính trị và xin thành thật nhận lỗi trước Quốc hội, trước toàn Đảng, toàn dân về tất cả những yếu kém, khuyết điểm trong lãnh đạo, điều hành.
Trước đó, ngày 9/10/2012, khi bế mạc Hội nghị Trung ương 6 khóa 11, ông Trọng và phe cánh của mình đã thất bại khi lá phiếu của các Uỷ viên Trung ương đã bác bỏ đề nghị kỷ luật Thủ tướng đương nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, và ông Trọng phải nghẹn ngào khóc khi đọc diễn văn bế mạc. Cả Hội nghị Trung ương chỉ ép được ông Nguyễn Tấn Dũng “nhận trách nhiệm chính trị” trước Quốc hội, và sau đó vẫn cứ tiếp tục tại vị, mà ông Trọng không làm được gì.
Không lâu sau, tại Hội nghị Trung ương 7 khóa 11 diễn ra vào tháng 5/2013, ông Trọng là người trong cuộc, cay đắng nếm trải thất bại, khi ứng viên Bộ Chính trị là ông Nguyễn Bá Thanh và ông Vương Đình Huệ do chính ông đề cử, đã bị các Uỷ viên Trung ương gạch bỏ, và thay vào đó, hai người được ông Nguyễn Tấn Dũng giới thiệu đã trúng cử vào Bộ Chính trị, đó là ông Nguyễn Thiện Nhân và bà Nguyễn Thị Kim Ngân.
Đấy là những gì mà ông Nguyễn Tấn Dũng đã làm, chính ông Nguyễn Tấn Dũng hiểu hơn ai hết, rằng, lá bài “nhận trách nhiệm chính trị” không có giá trị gì. Và e rằng, lần này ông Trọng dùng lá bài này cũng chẳng răn được ai. Có cơ hội thì cứ vơ vét, chẳng cần nghĩ đến trách nhiệm gì cả.
Lê Hoàng – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Tổng Bí thư muốn né chuyện “đốt lò” trong vụ cho thôi chức hai Phó Thủ tướng
>>> Chính phủ dự kiến tăng trưởng tốt, chuyên gia cảnh báo kịch bản xấu cho nền kinh tế năm 2023
Thủ tướng Chính muốn dẹp dự án vặt làm dự án khủng. Phải chăng ông Thủ thích ăn đậm chê “ăn vặt”?