Trường hợp của một người Việt Nam sống ở Chemnitz, ông Phạm Phi Sơn (65 tuổi), đang gây chấn động dư luận khắp nước Đức. Hơn 84.000 người đã ký vào đơn thỉnh nguyện yêu cầu ông và gia đình được phép ở lại Đức. Trong số đó có nhiều người Việt Nam thuộc thế hệ thứ hai sinh sống tại đây. Chính quyền ở Chemnitz muốn trục xuất ông Sơn và gia đình ông.
Phạm Phi Sơn đến Chemnitz vào năm 1987 với tư cách là một công nhân hiệp định. Ông đã làm việc nửa đời mình trong nghề quán ăn, một lĩnh vực hiện đang cần có rất nhiều nhân công. Cho đến năm 2017, ông là một công dân không tì vết, có nhà ở, việc làm, đóng thuế và chưa bao giờ gặp rắc rối với pháp luật. Sau đó, cô con gái Emilia của ông ra đời. Phạm Phi Sơn muốn làm thủ tục khai sinh và và xin vào quốc tịch Đức cho con mình, nhưng nhân việc này Thành phố Chemnitz đã phát hiện ra một sự việc: Một năm trước đó, ông Sơn đã đi nghỉ ở Việt Nam và đã lưu lại đó lâu hơn sáu tháng. Tuy nhiên, sau sáu tháng cư trú ở ngoài lãnh thổ Đức, giấy phép định cư của một người nước ngoài ở Đức trên nguyên tắc sẽ không còn hiệu lực. Sở ngoại kiều Chemnitz là một trong những cơ quan ngoại kiều khắc nghiệt nhất ở Đức. Cơ quan này đã buộc hủy hợp đồng thuê nhà của gia đình ông Sơn và yêu cầu người sử dụng lao động chấm dứt quan hệ lao động với ông. Nhiều sở ngoại kiều ở những nơi khác trên nước Đức sẽ không phản ứng gay gắt đến mức độ này chỉ vì một sai sót nhỏ như vậy.
Việc khởi kiện chống lại quyết định hủy bỏ rút quyền cư trú tại Tòa án hành chính không thành. Với sự hỗ trợ của Cha Stefan Taeubner, một linh mục Dòng Tên, vào năm 2019 Phạm Phi Sơn đã đệ đơn lên Ủy ban cứu xét các trường hợp khó khăn đặc biệt của Bang Sachsen. Ủy ban này là một cơ chế được tạo ra cho một trường hợp đúng như của ông: nhằm ngăn chặn việc trục xuất nếu đây sẽ là một giải pháp khắc nghiệt không đáng có, nếu gia đình đương sự hội nhập tốt ở Đức và nếu luật pháp không tính đến tất cả những yếu tố này. Điều mà không ai ngờ tới đã xảy ra: Ủy ban cứu xét các trường hợp khó khăn đặc biệt đã bác đơn của ông Sơn. Vào mùa hè năm nay, Chủ tịch Ủy ban, chính trị gia Geerd Mackenroth của Đảng CDU, đã quyết định không xét lần thứ hai đơn của ông Sơn.
Ông Sơn kết hôn với bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa (46 tuổi), mới sang Đức từ năm 2016. Nếu ông Sơn bị trục xuất, quyết định này cũng sẽ được áp dụng đối với vợ và con gái của ông.
Từ năm nay, gia đình ông Sơn đã nhận được sự hỗ trợ chính trị. Các Đảng SPD, Đảng Cánh tả và Đảng Xanh ở Bang Sachsen ủng hộ gia đình ông, cũng như Nhà thờ Công giáo và Phái viên Ngoại kiều của Thành phố Chemnitz. Ngược lại, CDU đã tuyên bố rằng họ sẽ bác bỏ đơn thỉnh cầu tại Nghị viện Bang. Cùng với AfD, đảng CDU chiếm đa số ở đây. Do đó, Hội đồng tị nạn, nơi khởi xướng đơn thỉnh cầu, vẫn chưa chính thức đệ đơn lên Nghị viện Bang. Hiện tại Ủy ban cứu xét các trường hợp khó khăn đặc biệt đang được yêu cầu tiếp nhận sự việc thêm một lần nữa. Phạm Phi Sơn hiện đã có một số lời mời làm việc từ các nhà hàng Việt Nam ở Sachsen. Ông có thể bắt đầu làm việc ngay lập tức nếu được phép của Sở ngoại kiều.
Đơn thỉnh cầu trực tuyến đòi hỏi quyền lưu trú cho ông Sơn và gia đình có thể ký ở đây:
Marina Mai