Link Video: https://youtu.be/0IgnAwS8U5Y
Tôi nghĩ nhà cầm quyền sẽ xoá sổ Thiền Am. Đó không phải là ‘nếu’ mà chỉ là ‘khi nào’. Sự xoá sổ Thiền Am, trong cái nhìn của thế giới, chỉ làm cho diện mạo của nhà cầm quyền Việt Nam (không phải riêng gì Long An) xấu thêm mà thôi.
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn Giám đốc Trung tâm Công nghệ Y tế thuộc Đại học Công nghệ Sydney – có bài bình luận trên Blog cá nhân của mình với tựa đề “Câu chuyện ‘Thiền Am’: Lịch sử lặp lại”, với nội dung như sau:
Sự xoá sổ Thiền Am chẳng liên quan gì với những cáo buộc mà nhà cầm quyền tuyên truyền (lợi dụng tự do dân chủ, lợi dụng tôn giáo, và ‘loạn luân’).
Bởi lí do đơn giản là những cáo buộc đó hoặc là mơ hồ, hoặc là vô chứng cớ. Thật vậy, không có chứng cớ gì cụ thể để nói rằng mấy người trong Thiền Am lợi dụng tôn giáo để trục lợi cả.
Họ tu hành tại gia, họ tự lực cánh sinh, họ chẳng lên tiếng xin xỏ ai (như Giáo hội của nhà nước hay làm), và họ chẳng gây hại cho ai. Ngược lại, họ giáo dục các trẻ em mồ côi thành những người có ích cho xã hội.
Chẳng có một chứng cớ đáng tin cậy và độc lập nào để nói người đứng đầu là một ông cụ 91 tuổi phạm tội ‘loạn luân’. Chỉ toàn là vu cáo. Những vu cáo đó được tung ra chỉ để nhắm tới mục đích xoá sổ Thiền Am.
Để hiểu chuyện ngày nay, chúng ta cần phải biết chuyện quá khứ. Tương tự, để hiểu những gì xảy ra đối với Thiền Am, chúng ta cần phải biết những gì xảy ra đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và tu viện Bát Nhã.
Thiền Am dĩ nhiên không phải là nạn nhân đầu tiên, và rất có thể không phải là nạn nhân sau cùng.
Để hiểu vấn đề, có lẽ cần phải điểm qua những gì xảy ra trong quá khứ đối với Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Chú ý là có chữ ‘Thống Nhất’ (để phân biệt với “Giáo hội Phật giáo Việt Nam” do đảng Cộng sản Việt Nam thành lập).
Từ năm 1964, miền Nam có Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất là một tổ chức chánh thống đại diện cho đa số tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam.
Sự ra đời của GHPGVNTN là một sự tiến bộ và hiện đại của Phật giáo Việt Nam vì trước đó không có tổ chức chặt chẽ như bên Công giáo.
GHPGVNTN qui tụ rất nhiều các tăng sĩ và học giả sáng chói nhất của Việt Nam. Đó là các thầy như Thích Tâm Châu, Thích Nhất Hạnh, Tuệ Sỹ, Thích Trí Siêu (tức Lê Mạnh Thát), Thích Tâm Giác, Thích Quảng Độ, Thích Huyền Quang, Thích Thiện Minh, v.v.
Những thầy này đã có công sáng lập ra Viện Đại học Vạn Hạnh, lúc đó là một đại học tư thục đầu tiên ở miền Nam. Thầy Thích Minh Châu là viện trưởng, và học giả Hồ Hữu Tường là Phó viện trưởng.
Ngoài ra còn có thầy Thích Nhất Hạnh trong ban giảng huấn. Nhà thơ Minh Đức Hoài Trinh cũng là một trong những giảng viên của Viện Đại học Vạn Hạnh.
Ngoài Đại học Vạn Hạnh, GHPGVNTN còn thành lập hàng loạt trường cao đẳng Phật học, trung học và tiểu học, tạp chí Chánh Đạo, Nhà xuất bản Lá Bối, cô nhi viện, bệnh xá, Thanh niên Phật tử, v.v. Tất cả đều hoạt động theo triết lí Phật Giáo. Có thể nói đó là thời vàng son của Phật giáo Việt Nam.
Sau 1975, chế độ mới thiết lập một thiết chế Phật giáo khác và mở đầu cho một quá trình suy thoái. Nhà cầm quyền mới tịch thu tất cả các cơ sở của GHPGVNTN.
Họ xoá sổ Cô nhi viện Quách Thị Trang, xoá sổ nhà xuất bản Lá Bối, đến xoá sổ Viện Đại học Vạn Hạnh, đóng cửa tất cả các trường trung tiểu học thuộc quyền quản lí của GHPGVNTN.
Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phản đối, nhưng không có hiệu quả. Nói chung, chỉ 2 năm sau 1975, tất cả những cơ đồ và thành tựu của GHPGVNTN bị tan thành mây khói.
Năm 1981, nhà cầm quyền chiêu dụ một số sư Phật giáo là cán bộ hay có cảm tình với chánh phủ mới đứng ra thành lập một tổ chức mới có là “Giáo hội Phật giáo Việt Nam”. Tuy nhiên, dân gian gọi đó là Giáo hội Phật giáo quốc doanh.
Kể từ 1982, GHPGVNTN coi như không tồn tại ở Việt Nam, mà chỉ có GHPGVN. Dĩ nhiên, GHPGVN chịu dưới sự chỉ đạo của Đảng và không thể độc lập như GHPGVNTN.
Mặt khác, nhà cầm quyền bắt giam các thầy Thích Huyền Quang, Thích Thiện Minh, Thích Quảng Độ và Thích Thiện Minh mà không có tội danh nào. Thượng tọa Thích Thiện Minh sau đó đã chết trong trại giam.
Không ai biết thầy Thiện Minh chết vì nguyên nhân gì, nhưng Thượng tọa Thích Quảng Độ cho rằng thầy Thiện Minh đã bị quản giáo đánh chết trong tù.
Sự kiện Thiền viện Bát Nhã
Tu viện Bát Nhã được Thượng tọa Thích Đức Nghi thành lập vào năm 1995 ở Bảo Lộc. TT Thích Đức Nghi là một người rất ngưỡng mộ thầy Thích Nhất Hạnh.
Cần biết rằng vào năm 1957, thầy Nhất Hạnh đã thành lập một tu viện có tên là Phương Bối, được thầy mô tả trong cuốn sách ‘Nẽo về của ý’, nhưng tu viện này đã bị hoang phế vì thời cuộc.
TT Đức Nghi rất muốn thành lập một Phương Bối thứ hai theo đường hướng của thầy Nhất Hạnh. Hoài bão này đã thành sự thật khi TT Đức Nghi được nhận đèn giáo thọ từ thầy Nhất Hạnh ở Làng Mai bên Pháp.
Từ tháng 5/2005 đến tháng 6/2008, TT Đức Nghi đã mời và bảo lãnh gần 300 các thầy và sư cô giáo đã từng tu tập tại Làng Mai (trong đó có các vị gốc Việt mang quốc tịch nước ngoài) về Bát Nhã để chia sẻ pháp môn và đào tạo các vị xuất gia trẻ tu học theo mô thức Làng Mai.
Tuy chỉ mới thành lập được vài năm, các vị này đã tổ chức các khóa tu cho hàng ngàn người tại Tu viện Bát Nhã và đã tham gia vào nhiều chương trình văn hóa và xã hội tại địa phương.
Nhưng tháng 6/2008, TT Đức Nghi đổi ý, không bảo lãnh các thầy sư cô giáo thọ có quốc tịch nước ngoài và không muốn Tu viện Bát Nhã tu tập theo pháp môn Làng Mai nữa.
Tuy nhiên, đằng sau sự đổi ý của TT Đức Nghi là GHPGVN. Nhà cầm quyền và GHPGVN cáo buộc rằng các khóa tu không có phép của GHPGVN, số người tới tu tập quá đông mà không đăng kí tạm trú gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
TT Đức Nghi yêu cầu tăng thân tu học theo pháp môn Làng Mai phải rời Bát Nhã. Nhà cầm quyền địa phương theo yêu cầu của TT Đức Nghi cắt nguồn điện để các môn sinh bị khó khăn trong sinh hoạt.
Nhưng các tăng ni Làng Mai vẫn tiếp tục ở lại, và từ đó dẫn đến mâu thuẫn giữa phật tử Bát Nhã với những người tu theo pháp môn Làng Mai tại đây. Họ tổ chức những nhóm người gây áp lực buộc những người tu theo pháp môn Làng Mai ra khỏi tu viện.
Họ có những hành động và hành vi rất bỉ ổi, rất bạo động, nhưng công an không can thiệp giải tán các nhóm này. Chẳng hạn như họ quăng đá, ném phân súc vật vào tu viện.
Họ còn tổ chức thành đám đông đến tấn công khu tu viện, dùng búa đập phá và hăm dọa những người trong đó. Điều ngạc nhiên là công an và dân quân địa phương có mặt tại hiện trường nhưng không can thiệp!
Trước sự đàn áp dã man đó, thầy Nhất Hạnh viết thư cho Chủ tịch Nước lúc đó là Nguyễn Minh Triết yêu cầu can thiệp, nhưng tất cả đều vô không có hồi âm.
Ông Lê Hiếu Đằng, một cựu quan chức của Mặt trận tổ quốc Việt Nam TPHCM nhận xét rằng “vụ Bát Nhã cho thấy sự vô trách nhiệm của chính quyền địa phương, tạo ra một tiền lệ hết sức nguy hiểm là bất cứ công dân nào cũng có thể bị côn đồ đe dọa, và cấp trung ương phải nhanh chóng giải quyết chuyện này.” Nhưng chẳng có ai giải quyết. Các tổ chức nhân quyền, các cơ quan truyền thông quốc tế, nhiều chánh phủ, quốc hội Âu – Mĩ đều đề cập đến những vụ đàn áp bằng võ lực xảy ra tại tu viện Bát Nhã, và họ yêu cầu nhà cầm quyền ngưng những hành động bức hại tôn giáo, xâm phạm đến tín ngưỡng.
Nhà cầm quyền làm ngơ. Cuối cùng thì do không chịu không nổi áp lực, đến tháng 9/2009 tất cả những người tu theo pháp môn Làng Mai phải rời khỏi tu viện Bát Nhã.
Câu chuyện Thiền Am
Người đứng đầu Thiền Am là cụ Lê Tùng Vân. Năm nay ông đã 91 tuổi, không vợ, không con. Ông xuất thân từ một gia đình nề nếp ở miền Tây, theo đạo Bửu Sơn Kỳ Hương. Ông là người hiếu học, tốt nghiệp cử nhân năm … 60 tuổi!
Ông là người có lòng nhân từ bác ái. Ông nhận nuôi hàng trăm đứa trẻ mồ côi hay cơ nhỡ.
Những đứa trẻ đã bị bỏ rơi trong bệnh viện (vì hoàn cảnh nào đó), những đứa trẻ mắc bệnh tâm thần bị bỏ rơi bên đường, dưới gốc cây, ông đều nhận về và nuôi dạy.
Chẳng hiểu ông có cách giáo dục nào mà tất cả những đứa trẻ đó đều nên người có ích cho xã hội, một số trở nên xuất sắc.
Ngay cả một số đứa từng bị bệnh tâm thần sau một thời gian nuôi dạy, họ trở nên vui tươi và có vẻ có cuộc sống bình thường.
Một mình ông và vài người phụ tá làm đủ mọi việc để duy trì trung tâm nuôi dạy. Họ trồng rau, nuôi trồng thuỷ sản, làm nhang, thậm ca hát để có tiền nuôi dạy hơn 50 đứa trẻ trong cùng một lúc! Phải nói đó là một nghị lực phi thường, một sự dấn thân tuyệt vời mà không mấy ai trong xã hội làm được.
Ông không được sự hỗ trợ của Nhà nước dù chỉ 1 xu. Ngược lại, mấy người trong bộ máy nhà nước còn làm khó ông đủ điều.
Trung tâm cô nhi “Thánh Đức” (được thành lập từ thập niên 1990s) nuôi 56 trẻ em mồ côi và cơ nhỡ. Họ còn được trung tâm SOS (của nhà nước?) nhờ nuôi trẻ em mồ côi.
Thế nhưng nhà cầm quyền viện lí do “không đăng kí người lưu trú và không làm thủ tục nhận con nuôi” đóng cửa trung tâm.
Trước khi bị đóng cửa, trung tâm bị đốt cháy toàn bộ, mà nguyên nhân và thủ phạm đốt cháy vẫn còn là một dấu hỏi lớn.
Sau khi Thánh Đức bị giải toả, ông Lê Tùng Vân sáng lập Tịnh thất Bồng Lai (nay là “Thiền Am”) ở ấp Lập Thành, xã Hòa Khánh Tây, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Ở đây, ông vẫn tiếp tục nuôi trẻ mồ côi hay cơ nhỡ. Ở đây, ông LTV và Thiền Am cũng bị nhà cầm quyền làm khó đủ điều.
Thậm chí, có người được nhà mạnh thường quân ở Úc tài trợ cho đi du học, nhưng nhà cầm quyền địa phương không chịu làm hộ chiếu nếu không chi một số tiền lớn.
Chẳng những bị nhà cầm quyền gây khó khăn, Thiền Am còn bị mấy người trong giáo hội Phật giáo của Nhà nước (còn gọi là “Giáo hội quốc doanh”) ganh tị và dèm pha đủ điều rất buồn cười.
Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao mấy người trong giáo hội nhà nước lại ghét Thiền Am đến thế, vì thái độ của họ không nhứt quán với triết lí Nhà Phật.
Bên cạnh giáo hội là một đội quân báo chí của Nhà nước cũng góp phần vào sự gây nhiễu thông tin. Tất cả báo chí đều nói một tiếng nói. Tiếng nói đó là cáo buộc rằng Thiền Am không phải là chùa hay tịnh thất, rằng cụ Lê Tùng Vân là ‘giả sư’, rằng những người tu trong Thiền Am là ‘giả tu’, rằng cụ ấy ‘loạn luân’.
Nhưng điều ngạc nhiên là họ không hề đến Thiền Am, họ không phỏng vấn một người nào trong Thiền Am! Họ chỉ hóng hớt thông tin từ công an và đội quân youtuber kền kền.
Xu hướng chung là họ bắt bẻ những chi tiết vụn vặt, những danh xưng (mà họ không hiểu), và nguỵ biện theo kiểu ‘ad hominen’ vốn rất phổ biến trong báo giới VN.
Tất cả đều mang tính vu cáo và kết tội hơn là làm sáng tỏ câu chuyện. Nếu là người nước ngoài và quen với báo chí văn minh, người đó sẽ không thể nào tin rằng Việt Nam có một nền báo chí thảm hại như thế.
Gần đây, Thiền Am còn là đối tượng vu khống, thoá mạ, và tấn công của nhiều kẻ lắm tiền nhiều của và đội quân ‘youtuber kền kền’. Họ là những kẻ vô giáo dục, thô lỗ, tục tằn, và lưu manh trong xã hội.
Họ dùng những chữ vô cùng tục tĩu, họ chửi thề như ở chợ cá tôm, họ không biết đến thuần phong mĩ tục là gì. Họ là những kẻ hết sức mất dạy. Xin lặp lại để nhấn mạnh: mất dạy.
Có thể nói họ là những phó sản của một xã hội đang suy thoái về đạo đức. Nhưng ngạc nhiên thay, họ lại được giới báo chí của Nhà nước và có thể ngay cả công an (?) sử dụng triệt để.
Riết rồi công chúng không phân biệt đâu là báo chí Nhà nước và đâu là những con kền kền.
Rồi nay, nhà cầm quyền bắt giam ông Lê Tùng Vân (nhưng tin không chánh thức cho biết ông đã được về Thiền Am).
Khi bắt, nhà cầm quyền chưa xác định tội danh để truy tố.
Phải một hai ngày sau, họ cho báo chí nói rằng ông bị khởi tố 3 tội danh: (i) lợi dụng những quyền tự do dân chủ; (ii) lừa đảo; và (iii) loạn luân. Nhưng như chúng ta thấy, cho đến nay, chưa thấy bằng chứng nào cho thấy ông ấy phạm 3 tội trên.
Thật ra, năm 2017, ông Thích Nhật Từ, một quan chức trong GHPGVN, từng nhận định về Thiền Am như sau:
“Thực tế thì Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên không phải là người giả mạo tăng sĩ để lừa đảo bất kỳ ai như một số báo chí đã cáo buộc.”
“[…] Hơn nữa, khu Bồng Lai Viên chỉ là một tịnh thất, không có bản hiệu chùa, nên không có đăng kí từ viện với Giáo hội Phật giáo tỉnh Long An.
Từ năm 2015 trở về trước [phút 19:12] Cụ Thích Tâm Đức nay đã 86 tuổi, từng là Tỉnh hội trưởng Bửu Sơn Kỳ Hương, xây dựng khu Bồng Lai Viên, là vị cha tinh thần nuôi nấng hai vị này [Hoàng Nguyên và Nhất Nguyên] cùng như là 24 thành viên khác, nhỏ nhất là 3 tuổi cho đến U30 đều cạo đầu, mặc áo nâu sòng.
Những cụ già thì được miễn và để tóc như là các Phật tử thông thường. Thật ra, cụ Thích Tâm Đức chưa bao giờ từng xưng mình là Hoà Thuợng và chưa nói mình là trụ trì Chùa Bồng Lai. Tại khu Bồng Lai Viên cụ đã cho phép tất cả các cháu mồ côi tại đây cạo đầu mặc áo nâu sòng […]“
Ông còn nói rằng những cáo buộc về Thiền Am của GHPGVN tỉnh Long An là ‘vội vã’:
“Họ là những người cư sĩ tại gia sống trong tịnh thất, được thầy của họ là người xuất gia cạo đầu, cho mặc áo nâu sòng từ nhỏ.
Cho đến ngày hôm nay (tức 27/9/2017), tôi có phần ngạc nhiên đó là Giáo hội PGVN huyện Đức Hoà nói riêng và tỉnh Long An nói chung, chưa cử đại diện của Giáo hội đến Bồng Lai Viên nhằm trao đổi chánh thức để nắm rõ thực hư của vấn đề.
Do vậy ở chừng mực tương đối tôi cho rằng phát biểu của Giáo hội PGVN tỉnh Long An là hơi vội vã vì vấn đề chưa được xác minh.”
Tuy nhiên, những gì xảy ra với Thiền Am và ông Lê Tùng Vân, như các bạn thấy, rất giống với những gì đã xảy ra đối với các tăng thân Làng Mai ở Bát Nhã.
Vẫn là tấn công bằng bạo động, thậm chí gây thương tích 13% cho một thành viên trong Thiền Am. Vẫn quăng đá, đập phá, đánh đập, và công an không can thiệp. Y chang như sự kiện Bát Nhã.
Chính vì thế mà tôi sợ rằng số phận của Thiền Am cũng sẽ như số phận của các tăng thân Làng Mai ở Bát Nhã.
Kết cục buồn đó sẽ xảy ra, thì sự việc chỉ thêm một gam màu đen tối cho xã hội dân sự ở Việt Nam. Việt Nam, trong cái nhìn của bạn bè quốc tế, vẫn là một quốc gia lạc hậu và bất dung hợp.
PS: Viết xong bài này và đọc báo Tuổi trẻ thì biết rằng tội danh loạn luân không còn nữa. Người ta cáo buộc tội “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của tổ chức, cá nhân”. Riết rồi không biết họ (nhà cầm quyền) có làm theo luật pháp hay không?
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Việt Nam trở thành ‘nhà tù’ lớn thứ 3 thế giới đối với tự do báo chí
>>> Việt Á vẫn chưa thể ‘knock out’ được tính chính danh của chế độ
>>> Vụ Việt Á: Ban Chỉ đạo Trung ương vào cuộc khi mọi việc trở nên tồi tệ
VinFast thôi sản xuất xe xăng, nhiều người nói ‘mất lòng tin’ về hãng
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT