Link Video: https://youtu.be/M8vx9ld1UlA
Bàn về trách nhiệm của hai bộ KHCN và Y tế trong vụ Việt Á phân phối ra 62 tỉnh thành hàng chục triệu bộ Kít xét nghiệm dỏm, nhà báo Nguyễn Hồng Lam viết trên FB cá nhân như sau:
“Tháng 10-2020, WHO có thông báo chính thức: sản phẩm của Việt Á không đáp ứng tiêu chuẩn, bị loại từ vòng gửi xe!.
Không thể nói là hai Bộ Khoa học Công nghệ và Y tế không hề biết đến chuyện bị loại này.
Thế nhưng không một bộ nào có động thái hay ý kiến để tạm ngưng việc sử dụng bộ Kit của Việt Á.
Thay vào đó, kéo dài cho đến hết năm 2021, hàng loạt chủ trương yêu cầu chọt, ngoáy…đã liên tiếp được ban ra, tiếp thêm điều kiện để hàng chục triệu bộ kit Việt Á được bán ra thị trường khắp 62 tỉnh thành cả nước, tùy tiện “làm giá”, thu lợi bất chính hàng ngàn tỉ đồng.
Truyền thông nhẹ dạ cũng vô tình tiếp tay cho một sự lừa dối thế kỷ, đóng đinh xã hội vào một niềm tin thiếu căn cứ.
Bộ Kit PCR của Cty Việt Á được đánh bóng quá đáng mà quên hết tất cả qui trình kiểm duyệt của WHO; đến nay chưa được WHO công nhận nhưng đã được dùng cho triệu triệu con dân Việt.
Chắc chắn sẽ có những người bị ra kết quả sai lệch, ảnh hưởng đến công tác chẩn đoán và điều trị.
Không loại trừ có cả những bệnh nhân vì kết quả xét nghiệm sai mà bị chết oan ….
Một kết quả quá khủng khiếp, quá ghê sợ cho thời đại thông tin hỗn loạn này!
Ai sẽ phải chịu trách nhiệm cho sai phạm nghiêm trọng này?
Báo chí đã nói nhiều đến trách nhiệm của Bộ KHCN, còn đối với Bộ y tế thì sao?
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, trước diễn đàn Quốc Hội đã cho rằng vì quá bận chống dịch nên Bộ Y tế chưa để ý đến việc tăng giá Kit, chưa có sự điều chỉnh kịp thời, hiển nhiên đó là lời nói dối.
Chuyện tày đình như thế, Bộ Y tế đã cấp phép, Bộ trưởng Bộ Y tế không thể nói là không biết. Phải nói chính xác là biết rất rõ.
Nếu không gọi đồng lõa, Bộ Y tế phải là pháp nhân cố ý bao che, tạo điều kiện, để sai trái của doanh nghiệp được nhân lên hàng triệu lần trong mức độ nghiêm trọng.
Thiệt hại không chỉ là tiền, mà khủng khiếp hơn, là sinh mạng, sức khỏe của nhân dân. Phải gọi đó là gì, nếu không gọi là TỘI ÁC?” Nhà báo Nguyễn Hồng Lam nêu nhận định.
Những sai phạm của Công ty Việt Á đã trở thành đại án vì tính chất nghiêm trọng và gây hậu quả nặng nề khiến Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải vào cuộc.
Trên Blog RFA TS. Phạm Quý Thọ phân tích vấn đề này như sau:
“Ngày 30/12/2021 vụ Việt Á được đưa vào diện Ban này trực tiếp theo dõi nhằm “xử lý nghiêm minh những tổ chức, cá nhân sai phạm, cảnh báo, răn đe mạnh mẽ hơn nữa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực…”.
Họ chỉ vào cuộc khi mọi việc trở nên tồi tệ. Các lãnh đạo có thể bị bắt khẩn cấp khi vẫn là đảng viên cộng sản và đương chức.
Ngày 31/12/2021 Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam hàng loạt lãnh đạo, người có trách nhiệm tại Bộ Y tế, Bộ KH-CN và CDC các địa phương xung quanh vụ kit xét nghiệm COVID-19 của Công ty Việt Á…
Các lệnh trước đó của chính quyền: Ngày 17/12/2021 Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại CTCP Công Nghệ Việt Á, Trung tâm bệnh tật (CDC) Hải Dương và các đơn vị, địa phương liên quan.
Cơ quan CA đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản của Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc công ty Việt Á và của Giám đốc CDC Hải Dương.
Năm ngày sau, vào ngày 22/12/2021, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 9373/VPCP-NC ngày truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu đẩy nhanh tiến độ điều tra, mở rộng vụ án này.
Danh sách những kẻ đáng bị trừng phạt có thể còn kéo dài, nhưng lý do khởi tố ‘Việt Á’ được nêu cũng chỉ phản ánh ‘bề nổi của tảng băng chìm’.
Nỗi bức xúc của dân chúng và dậy sóng dư luận đòi hỏi giải quyết những vấn đề chủ yếu sau: Xử nghiêm ‘Việt Á’ và những đối tượng liên quan trục lợi trên sự đau khổ, mất mát của người dân trong bối cảnh dịch COVID-19;
Làm rõ sự suy thoái đạo đức của các quan chức của Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, CDC các tỉnh thành… thách thức chính sách phòng chống tham nhũng;
Công khai, minh bạch chất lượng bộ kit xét nghiệm để người dân yên tâm;
Trách nhiệm giải trình của công tác lãnh đạo, quản lý;
Và quan trọng hơn là đặt và thực thi nhiệm vụ tiếp tục cải cách thể chế sao cho có thể ngăn chặn các nguy cơ của ‘biến thể Việt Á’ khác trước khi mọi việc trở nên tồi tệ?
Nội dung dưới đây của bài viết gợi mở về khía cạnh này.
Việt Á là một công ty tư nhân được thành lập năm 2007. Khác với doanh nghiệp Nhà nước phải kiêm nhiệm vụ chính trị dưới sự chỉ đạo của cơ quan nhà nước chủ quản, các cổ đông Việt Á bỏ vốn để kinh doanh, họ phục vụ nhu cầu của người khác, của xã hội để kiếm lời, họ tuân theo thể chế thị trường và những lời kêu gọi đạo đức kinh doanh đối với họ chỉ là ‘bên lề’.
‘Việt Á’ từng là Công ty cổ phần Thương mại – Sản xuất và Dịch vụ, có đăng ký nhiều hoạt động kinh doanh như bán buôn máy móc, thiết bị và một số dịch vụ trong lĩnh vực phòng khám và chăm sóc sức khỏe (Việt Á Medical).
Sau 10 năm, năm 2017 ‘Việt Á’ đã tăng vốn điều lệ từ 200 tỷ lên 1.000 tỷ đồng và liên tục trúng loạt gói thầu với nhiều bệnh viện lớn về cung cấp thuốc, hóa chất, vật tư y tế.
Ngay khi dịch COVID-19 bùng phát đầu năm 2020, Công ty Việt Á đã hợp tác với Học viện Quân Y sản xuất kit thử xét nghiệm COVID-19.
Tháng 4/2020, Công ty Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành cho sản phẩm kit xét nghiệm COVID-19.
Đến khi bị khởi tố, Công ty Việt Á đã cung ứng kit xét nghiệm COVID-19 cho Trung tâm kiểm soát bệnh tật và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố trên cả nước với doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
‘Việt Á’ bằng ‘tiền tấn’ không chỉ có chỗ đứng trong quan hệ mà còn được ‘bảo lãnh’ bởi huân chương từ Chủ tịch nước đã huỷ hoại bộ máy công quyền của ngành y tế nói riêng và chính quyền nói chung.
Chứng cứ ban đầu đã hé lộ rằng sự tăng trưởng ‘thần tốc’ nhờ sự tiếp tay của các quan chức ở Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, lãnh đạo CDC nhiều tỉnh thành.
Ngoài việc ‘lợi dụng chức vụ quyền hạn’ thì tội danh ‘đưa và nhận hối lộ’ đã được xác định.
Với tỷ lệ hoa hồng ‘cám dỗ’ lên tới 20% giá trị trúng gói thầu kít xét nghiệm, hàng chục tỷ đồng cho mỗi phi vụ và ‘công nghệ’ xoá dấu vết tinh vi thì các quan chức ‘sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng’.
Ngoài việc tham nhũng chính sách thì thực thi chính sách cũng đã bộc lộ rõ ‘gót chân A-sin’ của chế độ.
Công tác cán bộ là của Đảng nhưng việc chống tham nhũng, chỉnh đốn đảng đang loay hoay, tính từ năm 2013 khi thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, với quyền lực độc đoán, nhưng suy thoái đạo đức vẫn nghiêm trọng.
Mặc dù Đảng muộn mằn nhận ra “kinh tế tư nhân là động lực quan trọng”, ‘Chính phủ kiến tạo’ đã thúc đẩy khởi nghiệp và môi trường kinh doanh, nhưng vụ ‘Việt Á’ cho thấy cải cách chính trị đã không đáp ứng tình hình thực tế.
Tiếp tục cải cách phải thay đổi mục tiêu và nhiệm vụ.
Nếu trong nhiệm kỳ Đại hội 12 (2016-2021) Chính phủ đã tập trung ‘cải cách thể chế là dư địa tăng trưởng’, thì trong nhiệm kỳ Đại hội 13 (2021-2026) cải cách thể chế phải ‘vì dân’, phục hồi sức dân và tăng quyền tự do, dân chủ của người dân để kiểm soát quyền lực đảng.
Bài học cụ thể từ đại án Việt Á là các doanh nghiệp có thể hoạt động thế nào trong môi trường chế độ độc đảng đang tha hoá quyền lực, suy thoái đạo đức của quan chức trong bộ máy cầm quyền?
Liệu Ban chỉ đạo Trung ương có thể thúc đẩy cải cách thể chế trước khi mọi việc trở nên tồi tệ thay vì chỉ ‘vào cuộc’ để chỉ đạo… giải quyết hậu quả?” TS Phạm Quý Thọ nêu ý kiến.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Nhà sư Thích Chân Quang gây tranh cãi với luận án tiến sĩ về nhân quyền
>>> Khi nào quan hệ Trung – Việt sẽ đi vào ‘rốn’ bão?
>>> Vai trò của Gorbachev với Đổi Mới ở Việt Nam
Tại sao Việt Á hối lộ bằng chuyển khoản?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT