Thêm một vụ bộ đội nghi bị đánh chết khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự

Link Video: https://youtu.be/DL_hT_QMhTY

Hôm 22 tháng 12, mạng xã hội xuất hiện thông tin một quân nhân nghĩa vụ quân sự ở Hải Dương nghi bị đồng đội đánh đập dẫn đến tử vong ở trong doanh trại.

Qua tìm hiểu của phóng viên Đài Á châu Tự do, nạn nhân vừa nêu có tên Hoàng Bá Mạnh, 20 tuổi, quê ở thôn Phú Lộc, xã Cầm Vũ, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.

Trong video được quay bởi một người tự xưng là hàng xóm của quân nhân trên, ghi lại buổi đối thoại giữa gia đình và đại diện đơn vị quân đội, một người đàn ông đại diện phía gia đình cho biết quân nhân này bị đánh và sau đó chết trên giường ngủ ở trong đơn vị.

Cũng trong video trên thì một sĩ quan mặc quân phục của lực lượng phòng không-không quân thừa nhận sự việc này diễn ra vào ngày 20 tháng 12, ông cũng xác nhận rằng đây là một vụ quân nhân đánh lẫn nhau, ông này nói trong video:

Sau khi điểm danh quân sĩ xong, thì chúng nó lại gọi nhau ra cái nhà tắm, cách chỗ nhà ở ra, để chúng nó gọi là xử lý với nhau.

Chứ không phải là nếu bảo là cả một cái đơn vị mà thế này (chỉ tay vào đám đông) thì không người nọ người kia chắc chắn sẽ phát hiện được. Nhưng mà chúng nó lại xử lý với nhau như thế.

Đài Á châu Tự do không có điều kiện để xác minh đơn vị quân đội nơi xảy ra sự việc.

Phóng viên của Đài Á châu Tự do cũng đã liên hệ với người nhà của quân nhân nhưng được phản hồi rằng “sự việc trong gia đình chưa thống nhất nên tôi không dám nói gì đâu”.

Ngoài ra thì phía gia đình cũng cho biết rằng đơn vị quân đội đã đứng ra tổ chức mai táng cho quân nhân Mạnh.

Cũng trong video quay lại buổi đối thoại, một người đàn ông đại diện cho gia đình cho biết đã xác định được ít nhất hai quân nhân chịu trách nhiệm cho cái chết của quân nhân Hoàng Bá Mạnh, còn phía đại diện quân đội cam kết sẽ điều tra sự việc.

Đây là lần thứ ba trong vòng một năm xảy ra việc quân nhân tử vong trong quá trình thực hiện nghĩa vụ quân sự tại đơn vị.

Ảnh: quân nhân Hoàng Bá Mạnh

Hồi tháng 11 năm 2021, quân nhân Nguyễn Văn Thiên, sinh năm 1998, ở thôn 2, xã Nghĩa An, huyện K’Bang, tỉnh Gia Lai tử vong ở đơn vị, phía đơn vị thông báo quân nhân này bị đột quỵ dẫn đến tử vong, nhưng gia đình cho biết kết quả khám nhiệm tử thi cho thấy có nhiều vết thương cả bên ngoài lẫn bên trong cơ thể của Nguyễn Văn Thiên.

Trước đó, hồi tháng 6 năm 2021, quân nhân Trần Đức Đô ở Bắc Ninh cũng đã tử vong khi đang thực hiện nghĩa vụ quân sự, phía quân đội kết luận là do tự sát, nhưng gia đình không đồng tình vì phát hiện nhiều vết thương trên cơ thể.

Hôm 2-12, Facebooker Phạm Minh Vũ đưa tin về đám tang của quân nhân Nguyễn Văn Thiên:

Sáng nay, gia đình tổ chức khâm liệm Thiên vì để em nằm lâu không tiện. Quân đội đã kéo về gia đình bắt phải mai táng em trong chiều hôm nay.

Họ đe doạ nếu không chôn trong hôm nay thì sẽ cưỡng chế, và dùng sức ép nhiều phía để gia đình phải chấp nhận.

Trước trò hèn và tội ác của cả thế lực đen tối, được mệnh danh là quân đội nhân dân, ít phút nữa vào khoảng 14h:00 giờ hôm nay gia đình sẽ đưa Thiên ra nghĩa trang để mai táng.

Vẫn còn đó sự đau đớn tận cùng của song thân sinh ra Thiên.

Vì cái chết của con mình còn lắm điều khuất tất chưa được sáng tỏ mà bị quân đội ép làm những điều táng tận lương tâm.

Họ còn múa chữ thêu dệt về cái chết hoang đường rằng em bị té, bị đột quỵ, nhưng với thông tin gia đình nắm được Em đã bị đánh đập dã man trước khi nhắm mắt.

Đau đớn tận cùng…

Sau này, có ai dám giao con cho quân đội để rồi nhận lấy cái chết oan ức như thế này?

Khoảng 20h15 ngày 29-11, quân nhân Nguyễn Văn Thiên đi tắm tại nhà tắm của đơn vị, tự té ngã. Sau đó, Nguyễn Văn Thiên đi về phòng nằm nghỉ, đến khoảng 21h15 cùng ngày thì Thiên có hiện tượng co giật, khó thở.” Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Gia lai cho biết như vậy.

Trên FB cá nhân có 76 ngàn người theo dõi, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ đưa tin:

Binh Nhất Thiên nhập ngũ ở trung đội thông tin, tiểu đoàn 50 bộ CHQS tỉnh Gia Lai (Đức cơ – Gia Lai), còn 01 tháng nữa Thiên được ra quân về với gia đình.

Nhưng, 22h đêm qua, gia đình Thiên được đơn vị báo tin em nhập viện do đột quỵ, sau đó gia đình lên thì em đã mất. 13h hôm nay đã đem Thiên về nhà.

Nói là đột quỵ mà toàn thân bầm dập, đầu, thái dương, và toàn cơ thể có dấu hiệu bị đánh bầm dập.”

Theo kết quả tìm kiếm trên Google thì toàn bộ báo chí Việt nam nam và các trang dư luận viên đều đưa tin rằng quân nhân Nguyễn Văn Thiên tử vong do tự té ngã, tuy nhiên lý do nay thật khó tin bởi Thiên còn quá trẻ và hoàn toàn khỏe mạnh.

Mới đây nguồn tin từ đồng đội đã cho gia đình quân nhân Nguyễn Văn Thiên biết rằng:

chiều 29/11 Nguyễn Văn Thiên có nhậu cùng một số anh em, sau đó Trung đội trưởng của Thiên đã đánh Thiên, đánh đập rất tàn bạo. Và sau đó phải đi cấp cứu, đến khuya Thiên đã tử vong.”

Tuy nhiên những chi tiết này báo chí Việt nam hoàn toàn không đăng tải.

Ảnh: người mẹ nằm khóc cạn nước mắt bên xác con đắp mảnh chiếu, bên phải là quân nhân Nguyễn Văn Thiên khi còn trong quân ngũ

Trước đây vụ quân nhân Trần Đức Đô, cũng trẻ khỏe, sinh năm  2002, được kết luận là tự treo cổ tự tử trong khi bố của Trần Đức Đô là ông Trần Đức Hội trả lời VTC cho biết, thân thể của Đô có nhiều vết thương như mạng sườn, ngực bị sưng tím, lưng hằn dây thừng thắt chặt và tím, nhiều vết thương bầm dập khắp cơ thể.

Việc quân nhân bị đánh khi thực hiện nghĩa vụ quân sự không phải là mới ở Việt Nam. Vào năm 2004, truyền thông Nhà nước cũng đăng thông tin sáu quân nhân đánh chết một quân nhân khác vì cho rằng quân nhân này vi phạm kỷ luật quân đội và phải bị xử phạt.

Những video clip đăng tải trên Youtube và Facebook ghi lại cảnh đánh nhau “tàn bạo” giữa lính cũ và lính mới.

Mặc dù những video đó không ghi rõ ngày, tháng hoặc lính ở đơn vị nào nhưng có thể thấy rằng những vụ bạo hành trong quân đội khá phổ biến.

Hơn nữa sự trung thực công tâm của nền báo chí Việt nam bị đánh giá rất thấp bởi ai cũng hiểu rằng 800 tờ báo đều bị khống chế bởi Ban tuyên giáo Trung ương. Họ chỉ đăng những thông tin có lợi cho Đảng, cho Chính quyền và những thông tin trái chiều tất nhiên bị kiểm duyệt chặt chẽ.

Mới đây vụ Bộ trưởng Tô Lâm ăn bữa tiệc bò dát vàng nghìn Đô được hàng trăm bài viết trong nước và quốc tế đăng tải suốt nhiều tuần nay, tuy nhiên báo chí chính thống ở Việt nam thì tuyệt nhiên im bặt.

Ảnh: quân nhân Trần Đức Đô với cái chết đầy oan khuất

Trên FB cá nhân, nhà hoạt động Phạm Minh Vũ tiếp tục đưa tin.

Chiều tối nay, đơn vị của Thiên về gia đình và trả lời rằng “kết luận sơ bộ về cái chết của Em là bị té”, sau đó đơn vị thuyết phục gia đình nên mai táng em sớm.

Gia đình không chịu, muốn chờ kết luận pháp y. Các sỹ quan trong Bộ CHQS tỉnh Gia Lai trả lời rằng kết luận pháp y phải 10 ngày mới có.

Gia đình cũng cương quyết giữ em không muốn mai táng vội để làm rõ nguyên nhân cái chết, vì gia đình không tin rằng Thiên bị đột quỵ trong khi toàn thân có vết đánh bầm dập.

Quân đội, chính quyền địa phương liên tục tác động gia đình không được trả lời báo chí nước ngoài, còn bắt gia đình gỡ video ảnh về Thiên đăng trên mạng xã hội.

Nếu bị tai nạn, hay bị té sao quân đội lại sợ hình ảnh loan tải? Phải chăng sợ hãi điều gì?

Theo thông tin từ gia đình nhận được bởi đồng đội của Thiên từ đơn vị cho biết, chiều 29/11 Nguyễn Văn Thiên có nhậu cùng một số anh em, sau đó Trung đội trưởng của Thiên đã đánh Thiên, đánh đập rất tàn bạo. Và sau đó phải đi cấp cứu, đến khuya Thiên đã tử vong, lúc đó báo về gia đình cho rằng đột quỵ.

Trưa qua, đơn vị mang thi thể em Thiên trả về gia đình thì toàn thân bầm dập, thái dương có dấu vết bị gậy hoặc (báng súng) đánh còn bầm tím.

Nhìn người Mẹ đã khóc cạn nước mắt, không nuốt nổi thìa cháo bên cạnh xác con trai mình, làm sao ta có thể cầm lòng được?”

Nhà hoạt động Phạm Minh Vũ nêu nhận định.

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Vụ kit test Việt Á có thể là “mồ chôn uy tín của đảng và nhà nước”

>>> Bộ Y tế, Khoa học-Công nghệ dính líu đến đâu tới vụ bê bối test kit Việt Á?

>>> Bộ xét nghiệm Việt Á ‘dưới chuẩn WHO’ gây hậu quả ‘cực kỳ nguy hiểm’?

Scandal Việt Á: Ai điều khiển từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT