Việt Nam ‘thay tướng’ khi dịch COVID-19 hoành hành như ‘ngựa bất kham’ !

Link Video: https://youtu.be/vsw-YrPN4Tgc

Phiên họp lãnh đạo chủ chốt do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì ngày 24 tháng 8 đã thống nhất phân công Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch COVID-19, thay ông Vũ Đức Đam. Quyết định được đưa ra khi ông Đam đang đi thị sát chống dịch tại thành phố Hồ Chí Minh.

Chiều hôm sau, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì họp Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với vai trò Trưởng ban.

Các Phó trưởng Ban gồm Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành.

Ban Chỉ đạo còn có 10 thành viên khác, trong đó có Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông… Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo là Bộ Y tế.

Việc “thay tướng giữa đường” nhận được nhiều ý kiến của công luận . Có người cho rằng ông Đam không được lòng lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh nên buộc phải thay. Có người cho rằng, ông Đam chỉ là Phó thủ tướng nên không điều khiển được những người trong Bộ chính trị hay trong Ban bí thư, trong khi ông Chính vừa là một chân trong tứ trụ, vừa là Ủy viên Bộ chính trị nên có toàn quyền chỉ đạo xuyên suốt từ trung ương tới địa phương.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Nhà quan sát tình hình chính trị trong và ngoài nước, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định:

Trước đây ông Đam làm trưởng ban, ổng không điều khiển được những người trong bộ chính trị hay trong ban bí thư, bởi vì ông ấy chỉ là ủy viên ban chấp hành trung ương thôi.

Ông Đam làm được nhiều việc tốt trong vai trò của mình, nhưng vừa rồi, vào ngày cuối cùng họp Quốc hội thì người ta thấy tình hình dịch bệnh nó khó quá nên đích danh ông Tổng bí thư chỉ định ông Chính thay ông Đam làm trưởng ban chỉ đạo chống dịch và ông Đam làm phó. Giao thêm cho thủ tướng nhiệm vụ và quyền hạn. Giao cho thủ tướng chứ không giao cho chính phủ cho nên thủ tướng không thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được.

Đấy là sự khác biệt. Ông Chính là người có toàn quyền và lại là người quyết đoán nên mình có hy vọng họ sẽ kiểm soát được dịch, giảm số tử vong. Ông Đam cũng làm được việc nhưng không bằng ông Chính.”

Tại buổi họp lãnh đạo chủ chốt hôm 24 tháng 8 vừa qua, Tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu kết luận cuộc họp đã đề nghị các Bí thư tỉnh uỷ, thành uỷ trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch; khẩn trương triển khai các nhiệm vụ trong đó có “thay thế kịp thời các cán bộ yếu kém không hoàn thành nhiệm vụ phòng, chống dịch.”

Cuối năm 2019, đầu 2020, khi đại dịch COVID-19 bùng nổ và lan tràn khắp thế giới, kể cả Việt Nam, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam được trung ương Đảng phân công nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo phòng chống đại dịch COVID-19.

Bà Th., Phó giám đốc và là Trưởng ban phòng chống dịch bệnh của một công ty dệt may ở TP.HCM, cho biết:

Theo tôi thì việc này đúng nhưng mọi người cũng đang lo lắng, chưa biết như thế nào khi đưa ông Chính lên thay ông Đam lên làm Trưởng ban chống dịch. Nhưng quyền của thủ tướng thì nhiều hơn quyền của phó thủ tướng, dịch đang căng cho nên phải đưa thủ tướng lên. Trách nhiệm trực tiếp thuộc về ông Chính.

Đưa ông Chính lên để thị uy, nhưng trong giới quan chức thì theo tôi, ông Đam là người xông pha nhất và đưa ra những quyết định thiết thực, hữu ích nhất. Có một số thông tin ngoài luồng nhưng không có cơ sở cho hay lãnh đạo thành phố không phục ông Đam. Thật ra từ trước đến nay, bản chất sâu xa trong chính quyền vẫn có hai ‘phe’. Một bên nghiêng về tư bản, bên kia thì không.”

Ông Quang, một người dân ở thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm của ông:

Người ta nói rằng ông Đam không làm được việc nên bị thay. Thực chất không phải thế, bởi với tình hình dịch bệnh căng như hiện nay thì thủ tướng có thể giải quyết ngay những vấn đề quan trọng và cấp thiết. Với ông Đam, có những vấn đề vượt thẩm quyền nên phải xin ý kiến. Mà xin ý kiến thì mất thời gian, mất cơ hội. Thủ tướng thì toàn quyền quyết định cả những vấn đề cấp bách, không cần xin ý kiến ai, cho nên việc thay ông Đam bằng ông Chính là hợp lý. Không phải vì ông Đam không làm được việc.

Với vai trò đứng đầu chính phủ, ông Chính có đủ quyền lực để trao đổi, đàm phán trực tiếp với chính phủ các nước, đàm phán với tập đoàn sản xuất vắc xin…”

Trước đó vài ngày, một cuộc “thay tướng giữa đường” trong lúc đợt dịch COVID-19 thứ tư đang diễn biến nghiêm trọng tại thành phố Hồ Chí Minh cũng xảy ra. Đó là Bộ Chính trị ban hành quyết định điều chuyển đương kim Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương. Người thay thế là ông Phong là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Phan Văn Mãi.

Ông Mãi là người thay mặt chính quyền thành phố Hồ Chí Minh phát động phong trào “lấy sức dân chăm lo cho dân” trong việc phòng, chống dịch COVID-19. Phong trào nhận nhiều chỉ trích của cộng đồng mạng lẫn người dân ngoài xã hội, bởi theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm cho người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc.

Mới đây, theo phân công của Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên là người lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Thủ Đức và quận Bình Tân.

Các quận, huyện còn lại cũng được phân công cụ thể cho từng người quản lý. Chẳng hạn như Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi trực tiếp phụ trách, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận 8; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Thị Lệ trực tiếp chỉ đạo công tác chống dịch trên địa bàn quận 3 và huyện Củ Chi; Bà Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy quận 1, chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn quận 1…

Bộ Y Tế Việt Nam vào tối ngày 28 tháng 8 thông báo số ca tử vong vì dịch COVID-19 trên cả nước đến lúc đó là hơn 10.400 trường hợp. Trong ba đợt dịch trước từ đầu năm 2000 đến cuối tháng ba năm 2021, cả nước chỉ báo cáo có 35 trường hợp chết vì vi-rút Corona mà thôi.

Diễm Thi

Ngun: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-pm-takes-charge-of-pandemic-task-force-in-place-of-deputy-dt-08282021120503.html