Việt Nam tiết lộ danh tính ‘tam trụ’ như dự báo

Link Video: https://www.youtube.com/watch?v=eQCfZtpawwA

Hôm 18/3, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để lập danh sách sơ bộ cho người của các cơ quan trung ương ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, trong đó có tiết lộ các ứng viên cho vị trí cho chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ, và chủ tịch quốc hội.

Báo Tuổi Trẻ loan báo rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc được giới thiệu ứng cử ĐBQH khối Chủ tịch nước, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính được giới thiệu ứng cử khối Chính phủ, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ ứng cử khối Quốc hội.

Với cách loan tin như thế thì giới quan sát và cả người dân thưòng đều có thể biết rằng ai sẽ nắm giữ các chiếc ghế “tam trụ” dù chưa diễn ra một cuộc bỏ phiếu chính thức tại hội trường Diên Hồng ở Hà Nội.

Từ thành phố Hồ Chí Minh, nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các nêu nhận định với VOA:

Với cách báo chí trong nước đưa tin như vậy cho thấy một thực tế rằng hầu như những dự đoán của giới quan sát là hoàn toàn chính xác, ai nắm chức vị nào, dù cuộc bỏ phiếu chưa diễn ra.

Việc này cho thấy việc QH bầu cử các chức danh chủ chốt là cuộc bầu cử giả hiệu, vì những điều này người ta đã biết trước rồi.

Đó chỉ là một sự sắp xếp để chia ghế, chia quyền, chứ không đúng nghĩa bầu cử.”

Trước đó, Quốc hội khóa XIV thông báo rằng sẽ “kiện toàn” các vị trị này tại kỳ họp 11 khai mạc vào ngày 24/3, hai tháng trước khi diễn ra ngày bầu cử QH khóa XV, ngày 23/5.

Việc ông Nguyễn Xuân Phúc có thể trở thành Chủ tịch nước, và ông Phạm Minh Chính có thể trở thành tân Thủ tướng đã được giới quan sát tình hình Việt Nam dự đoán từ lâu, mặc dù chính quyền Việt Nam quy định phương án nhân sự cho các vị trí này là thông tin “tuyệt mật.”

Ngày 16/2, Vụ Khảo cứu Quốc hội (CRS) Mỹ đăng phúc trình về quan hệ Việt – Mỹ của Tiến sĩ Mark Manyin và Tiến sĩ Michael Martin, chuyên gia cao cấp về Châu Á của CRS, trong đó có đánh giá cả kết quả Đại hội 13 của Đảng CSVN vừa kết thúc vào tháng trước đó.

Ảnh: Các lãnh đạo Đảng và Nhà nước bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa 13.

CRS dự báo rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thể được chọn để trở thành Chủ tịch nước Việt Nam vào tháng 5 năm nay, và Phạm Minh Chính – Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng – cũng có thể được chọn trở thành Thủ tướng Việt Nam thay thế cho ông Phúc.

Nhà hoạt động Phạm Lê Vương Các cho biết ý kiến về việc Quốc hội Việt Nam bầu nhân sự thay thế vào cuối nhiệm kỳ:

Theo đúng ra việc bầu lãnh đạo mới phải do quốc hội mới bầu. Chứ quốc hội đang gần hết nhiệm kỳ bầu ra lãnh đạo mới là trái với nguyên tắc.

Những người sắp hết nhiệm kỳ mà bầu hay bổ nhiệm thường xảy ra tiêu cực.”

Tại kỳ hiệp thương lần thứ 2, Trung ương MTTQ Việt Nam thông qua danh sách 205 người của các cơ quan Trung ương được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV.

Ảnh: ông Phạm Minh Chính – Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng dự kiến sẽ lên làm Thủ tướng Việt Nam.

Lý giải trên báo Thanh Niên hôm 18/3 về việc đại biểu đang ở khối này lại được giới thiệu ở khối khác, ông Hầu A Lềnh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban TƯ Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết: “Đối với những nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, thì Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có thông báo cụ thể.”

Danh sách nhân sự giới thiệu ứng cử ở các khối được lập theo thông báo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư”, ông Lềnh cho biết thêm.

Việt Nam công bố lịch trình bầu ba lãnh đạo chủ chốt nhà nước

Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc thông báo kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa 14 sẽ diễn ra trong 12 ngày, bắt đầu từ 24/3.

Theo chương trình dự kiến được trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTV), công tác nhân sự sẽ được Quốc hội tiến hành từ ngày 30/3, bắt đầu từ việc miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia Nguyễn Thị Kim Ngân.

Ngay sau đó, UBTV Quốc hội trình dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Bầu cử quốc gia.

Việc bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ được thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Kết quả bầu Chủ tịch Quốc hội mới dự kiến được công bố ngày 31/3. Tân Chủ tịch Quốc hội tuyên thệ nhậm chức ngay sau đó. Cùng với quy trình này, Quốc hội cũng miễn nhiệm, bầu một số phó chủ tịch Quốc hội.

Sau khi kiện toàn xong chức danh Chủ tịch và một số phó chủ tịch Quốc hội, Quốc hội bắt đầu miễn nhiệm Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và tiếp tục nghe UBTV Quốc hội trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Chủ tịch nước vào ngày 1/4.

Dự kiến sáng 2/4, các đại biểu Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín.

Tiếp đó, tân Chủ tịch nước ra mắt, tuyên thệ nhậm chức trước Quốc hội.

Chức danh tiếp theo được kiện toàn ngay sau đó là Thủ tướng. Cũng trong ngày hôm đó, Quốc hội miễn nhiệm Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, nghe tân Chủ tịch nước trình danh sách đề cử để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ.

Đến ngày 5/4, Quốc hội bỏ phiếu bầu người đứng đầu Chính phủ mới. Tân Thủ tướng Chính phủ cũng thực hiện nghi lễ tuyên thệ nhậm chức sau đó.

Kiện toàn xong chức danh người đứng đầu Chính phủ, Quốc hội bắt đầu quy trình miễn nhiệm, bầu

Các chức danh Phó chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKSND tối cao và một số ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chủ nhiệm một số Ủy ban của Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước, Tổng thư ký Quốc hội sẽ được trình miễn nhiệm và bầu mới. Dự kiến chánh án TAND tối cao tuyên thệ nhậm chức trong ngày 6/4.

Ảnh: tin đồn cũng cho rằng ông Vương Đình Huệ sẽ lên làm Chủ tịch Quốc hội.

Như vậy, các chức danh chủ chốt lãnh đạo Nhà nước, đại diện cho cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp đều được kiện toàn tại kỳ họp 11 của Quốc hội, trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4 tới.

Trước đó, ngày 9/3, trao đổi với BBC về đề nhân sự chính phủ, quốc hội, một nhà báo tại Sài Gòn, không muốn nêu tên, nói:

Ở Việt Nam, do đặc thù của hệ thống chính trị, người dân hầu như không có tiếng nói gì trong việc sắp xếp nhân sự các cấp và các nhánh (ngoại trừ một vài kênh góp ý đầy hình thức và các kỳ bầu cử hội đồng nhân dân các cấp, quốc hội vốn cũng không có giám sát độc lập), nên việc ai lên, ai xuống là quyết định thuần túy theo tính toán của đảng, theo sự phân chia quyền lực, thỏa hiệp, nhượng bộ… mà ít người dân nào biết được.”

Đảng lãnh đạo toàn diện, nên nhân sự từ tư pháp cho đến hành pháp, lập pháp họ cũng quyết định bằng cách này hay cách kia. Nhưng từ sự sắp xếp đó, qua việc cơ cấu cho ai làm gì, thì chúng ta cũng có thể đoán được một số đường hướng của đảng. Ví dụ đảng đợt này có sử dụng người kỹ trị hay không, có thực sự loại bỏ những người có vấn đề hay không… để hiêm nghiệm, để có một cái nhìn rõ hơn về không gian, về thực tại mình đang sống.”

Ảnh: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng các thành viên Đoàn Chủ tịch biểu quyết thông qua Chương trình làm việc của Đại hội XIII

Từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (Iseas, Singapore), Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nói với BBC hôm 8/3:

Từ khi đại hội đảng cùng năm với bầu cử Quốc hội, thì có kiện toàn như bây giờ – từ các chức vụ cao nhất của nhà nước, đến các thành viên chính phủ, tư pháp, hệ thống chính trị. Làm như thế, Đảng cộng sản Việt Nam khẳng định vai trò lãnh đạo toàn diện đối với nhà nước.”, ông Hợp nói.

Đề xuất lập thêm hàng loạt Bộ: cảm tính của người đương nhiệm

Cần thành lập thêm các bộ, như Bộ Thanh niên, Công tác quản lý phụ nữ, Biển đảo…là đề xuất do Ông Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Khóa XIV đưa ra khi báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016 – 2021 hôm 16 tháng 3 năm 2021.

Bộ Thanh niên

Đối với việc lập Bộ Thanh niên, Ông Lê Văn Triết nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 17/3, nêu ý kiến rằng:

Đã có các Đoàn Thanh niên, từ thanh niên bình thường đến Đoàn Thanh niên Cộng sản đều có cơ quan.

Thế bây giờ các Đoàn Thanh niên đó làm ăn thế nào mà phải lập Bộ Thanh niên làm gì? Không phải mục đích làm cho hoạt động của xã hội phát triển mạnh lên mà thường thường nền tảng đó dựa theo suy nghĩ cá nhân. Họ không nghiên cứu sâu nên lúc thì giải tán, lúc thì lập nên… mà mỗi khi lập nên tốn kém biết bao nhiêu, mỗi khi giải tán cũng lãng phí không biết bao nhiêu.”

Trong khi đó, bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Đoàn Thanh niên không được ra thông tư, quyết định, không được kiểm tra, thanh tra, kỷ luật ai, cũng chẳng đề xuất ra một nghị định gì của Chính phủ. Do đó, bà đề nghị thành lập Bộ Thanh niên, nâng cấp từ Đoàn, có chức năng quản lý nhà nước. Bộ trưởng Bộ Thanh niên là Bí thư thứ nhất Trung ương đoàn.

Bộ Biển đảo

Vào năm 2015, khi thảo luận tại Tổ về dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo Việt Nam, nhiều vị lãnh đạo đã đề nghị thành lập Bộ Kinh tế biển.

Các đại biểu dẫn chứng Việt Nam có trên 3.200km bờ biển, có nhiều tiềm năng dầu, khoáng sản chưa kể vùng đặc quyền thềm lục địa… Kinh tế biển đóng góp 50% GDP cả nước, nhưng theo các đại biểu trong thời gian qua việc quản lý biển hải đảo bị chia cắt nhỏ, còn chồng chéo, việc quy hoạch và đánh giá tiềm năng chưa hiệu quả… Vì vậy, Chính phủ cần thành lập Bộ Kinh tế biển và giao cho một Phó Thủ tướng phụ trách.

Và đến nay, vấn đề liên quan đã một lần nữa được Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội nêu lên bằng đề nghị lập Bộ Biển đảo.

Ông Trần Văn Lĩnh, Ủy viên Ban thường vụ Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá thành phố Đà Nẵng cho RFA biết hôm 17/3 nhận định của ông về việc thành lập Bộ Biển đảo:

Ở Việt Nam hiện nay thì tình hình biển đảo là một vấn đề hết sức phức tạp. Nhưng phải giải quyết vấn đề biển đảo và bảo vệ biển đảo của Việt Nam trong một chính sách chung bao gồm từ ngoại giao, quốc phòng, kinh tế… cho nên có một cơ quan phụ trách về biển đảo để giúp Chính phủ có những chuyên môn hơn là tốt. Tuy nhiên, nó có phải là một Bộ hay cơ quan ngang Bộ hay không thì tôi thấy không cần thiết. Bởi vì quốc gia Việt Nam thì không lớn, mà bộ máy tương đối cồng kềnh so với các nước khác, nên việc thành lập Bộ Biển đảo là không nên. Theo tôi nó cũng không đúng chủ trương của đảng và nhà nước là giảm nhẹ chi tiêu ngân sách.”

Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)

>>> Giáo Sư Nguyễn Đình Cống: ‘Nếu vào được Quốc Hội tôi sẽ không chịu bị biến thành nghị gật’

>>> Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tồn tại hay không tồn tại?

>>> Ai giúp Chu Ngọc Anh hạ Nguyễn Đức Chung?

Chưa an tọa nhưng Nguyễn Phú Trọng và Phạm Minh Chính đã „choảng nhau tơi bời“?


Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT