Sáng ngày 12/12, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị toàn quốc Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020. Các quan chức cộng sản dưới quyền của nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam đã coi đây như một cơ hội để vinh danh người đốt lò vĩ đại.
Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học nhận xét rằng: “Tổng bí thư đã nhiều lần kết luận công khai rằng công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng không dừng, không nghỉ, không chùng xuống mà còn quyết liệt hơn.”
Đồng thời, ông Học cũng khẳng định: “Lò ở đầu nhiệm kỳ XII nóng thì tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng vẫn mãi như thế.”
Theo báo cáo tổng kết tại hội nghị sáng nay, từ năm 2013 – 2020, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên.
Riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, đã thi hành kỷ luật hơn 87.000 cán bộ, đảng viên. Trong đó có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng.
Các cơ quan có thẩm quyền đã thi hành kỷ luật hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
Thế nhưng dư luận trong và ngoài nước nhìn nhận công tác chống tham nhũng hay còn gọi là chiến dịch đốt lò của người thứ ba trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam nắm giữ cả hai chức vụ đứng đầu Đảng Cộng sản và Nhà nước sau Hồ Chí Minh và Trường Chinh là Nguyễn Phú Trọng thực chất chỉ là cuộc thanh trừng phe phái.
Nhà nghiên cứu David Hutt trong một bài viết của mình về những mục tiêu thật sự của chiến dịch chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay được đăng trên báo Asia Times ngày 14/05/2019 ghi nhận hai lý do thật sự khiến ông Trọng mở cuộc chiến chống tham nhũng một cách mạnh mẽ trong hai năm 2016-2017.
Lý do trước hết là loại bỏ các lãnh đạo doanh nghiệp và chính khách gần gũi với cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng; và sau đó là chiến dịch nhằm loại bỏ những đảng viên bị cho là “tự chuyển hóa”, hoặc không còn đủ lý tưởng cộng sản.
Nhà báo Đỗ Ngà thì gọi là “công tác chống tham nhũng” của ông Nguyễn Phú Trọng thực chất nó là một chiến trường đấu nhau giữa các nhóm mafia chính trị bên trong Đảng Cộng sản mà thôi. Tất nhiên với kẻ nào cũng tội đầy mình thì bẻ bị thịt nào cũng dính tội. Tuy vỏ bọc bên là “chống tham nhũng”, nhưng bên trong nó là cuộc chiến giữa phe mafia chính trị tranh giành quyền lực.
Ngày 16/08/2018, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng khẳng định “Xử lý tham nhũng không có vùng cấm, không có ngoại lệ”.
Thế nhưng ai cũng nhìn ra những vùng cấm mà ông Trọng suốt cả nhiệm kỳ qua không động tới được.
Nhà quan sát Phạm Nhật Bình nhận định:
Chiến dịch đốt lò chống tham nhũng của Nguyễn Phú Trọng chỉ là kế rung cây nhát khỉ. Chiến dịch ấy chỉ làm thịt được một số người thuộc phe cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trước đây, nhưng thực chất không dám đụng đến quyền lực phe nhóm Nguyễn Tấn Dũng ở phía Nam. Cũng như việc lãnh chúa thành Hồ Lê Thanh Hải, chưa có luật pháp nào dám đụng đến.
Với những thanh củi đã vào lò trong thời gian vừa qua cho thấy ông Trọng chỉ có thể đụng đến một số nhân sự từ Miền Trung trở ra mà thôi. Chứ trong Miền Nam, đặc biệt các tỉnh Nam Bộ hầu hết vững như bàn thạch vì có bàn tay bao che của phe nhóm ông Dũng.
Đốt lò chống tham nhũng, cuối cùng là cơ hội tốt để đề cao Nguyễn Phú Trọng như một tổng bí thư “kiệt xuất” nhất từ sau Lê Duẩn.
Nhà báo Đỗ Ngà cũng đưa ra nhận định tương tự trong một bài viết phân tích cụ thể về “vùng cấm” trong cuộc chiến trên danh nghĩa là chống tham nhũng của nhà lãnh đạo hàng đầu Việt Nam.
Ông phân tích:
Đầu tháng 06/2016, báo chí được lệnh đồng loạt đăng bài về một vị phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang mượn chiếc Lexus gắn biển xanh. Đánh hơi chuyện chẳng lành, người sử dụng xe biển xanh là Trịnh Xuân Thanh cáo bệnh và chuồn sang Đức trốn. Cuối cùng kẻ chạy trốn cũng bị Nguyễn Phú Trọng sai Tô Lâm sang Berlin bắt cóc về trị tội. Với ông Trọng, Trịnh Xuân Thanh tép riu, ông ta dễ dàng đưa tay hớt lên và bóp nát.
Tháng 02/2017, báo chí cũng được lệnh tố bí thư Đà Nẵng – Nguyễn Xuân Anh đi xe Toyota Avalon biển xanh giả, vì biển xanh của chiếc xe này trùng với biển trắng của một chiếc Land Rover khác. Nguyễn Xuân Anh cũng trình giấy tờ gốc chứng minh biển số xanh là thật. Nhưng cho dù thật, thì cuối cùng cậu ta cũng bị cách chức thu hồi ghế giao cho Trương Quang Nghĩa. Rõ ràng với Nguyễn Phú Trọng, thì Nguyễn Xuân Anh cũng tép riu và ông ta chỉ dùng tay hất một cái nhẹ là cậu ta văng ra khỏi ghế.
Cũng trong năm 2016, báo chí đồng loạt tố Nguyễn Thanh Nghị (con trai cả của cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và tại thời điểm đó giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang) dùng một chiếc xe sang Range Rover Evoque biển xanh. Báo chí lúc đó cho biết, họ đã tra cứu trên website của Cục Đăng kiểm Việt Nam thì không có biển xanh nào có số như chiếc Range Rover Evoque kia.
Cũng bài đã đánh Trịnh Xuân Thanh đem áp dụng cho Nguyễn Thanh Nghị, nhưng bài đánh chết người kia giờ đây chỉ “gãi ngứa” ông cậu hai nhà Nguyễn Tấn Dũng mà thôi.
Kết quả, trung ương chẳng kỷ luật được ai trong tỉnh ủy Kiên Giang. Như vậy rõ ràng, Nguyễn Thanh Nghị không phải là tép riu mà là cá mập. Xung quanh con cá mập trẻ này là vùng cấm không phải ai cũng dám đụng vào.
Không thể đầu hàng nên đầu tháng 04/2018, Nguyễn Phú Trọng đưa Thanh tra Chính phủ vào Kiên Giang thanh tra những sai phạm đất đai của tỉnh này giai đoạn từ 01/01/2011 đến 31/12/2017.
Kết quả Thanh tra khui ra sai phạm đến 2.300 tỷ đồng nhưng Thanh tra Chính phủ né không xử lý, mà giao trách nhiệm xử lý ấy cho cậu hai Nguyễn Thanh Nghị. Trung ương về thanh tra địa phương, phát hiện địa phương sai phạm mà lại giao cho địa phương xử lý sai phạm đó. Đây rõ ràng là cách làm sai quy trình, thế nhưng Trung ương vẫn làm vậy, điều này chứng tỏ họ sợ Nguyễn Thanh Nghị. Vậy lại một lần nữa khẳng định lãnh địa Kiên Giang là vùng cấm đối với cỡ Thanh tra Chính phủ.
Ngày 21/09/2018, Trần Đại Quang bị chết khi đang còn đương chức, và sau đó là trò thâu tóm quyền lực của ông Trọng. Với quyền lực to lớn trong tay, ngày 14/04/2019 ông ta kéo quân đến Kiên Giang “thăm” Nguyễn Thanh Nghị thì bỗng dưng bị “đột quỵ” ở đây. Cũng may cho ông Trọng là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân đã huy động trực thăng bay xuống Kiên Giang chở ông ta về Bệnh viện Chợ Rẫy kịp thời.
Nhờ chuyến “giải cứu” ấy mà nay ông Trọng may mắn được đi đứng trở lại, mặc dù hiện nay vẫn còn để lại nhiều biến chứng thể hiện qua thần thái chậm chạp, động tác lờ đờ.
Nếu trước kia Trung ương thì ép Thanh tra xuống Kiên Giang moi móc, Thanh tra khi xuống Kiên Giang thì phải đi nhẹ nói khẽ vì họ biết đây là vùng cấm đối với họ sau đó kết luận sai phạm nhẹ nhàng rồi rút êm thì việc ông Nguyễn Phú Trọng đột quỵ tại Kiên Giang lại càng làm cho giới thanh tra phải tái mặt cho dù nguyên nhân đột quỵ đó là gì.
Nhà báo kết luận: Chính bản thân ông Trọng với tột đỉnh quyền lực còn không xâm nhập được vào vùng cấm Kiên Giang thì có thể nói câu “chống tham nhũng không có vùng cấm” của ông trở nên vô nghĩa. Nó vô nghĩa ngay với người có quyền lực to nhất như ông chứ đừng nói với ai khác.
Việc cách chức “nguyên bí thư thành ủy” của ông Lê Thanh Hải cũng là một bằng chứng cho thấy ý nghĩa sau cùng của cái mà ông Trọng hô hào là công cuộc chống tham nhũng.
Nguyễn Phú Trọng cho cách một chức vụ mà ông Lê Thanh Hải đã không còn giữ nữa thì về mặt pháp luật là vô nghĩa.
Bởi Lê Thanh Hải gây ra nỗi oan cho bà con Thủ Thiêm nay đã hơn 20 năm với tội chứng rành rành. Thêm vào đó là năm 2016 ông này rời khỏi vũ đài chính trị rồi, lúc ấy cơ hội buộc Lê Thanh Hải phải trả giá cho những tội lỗi của mình với bà con dân oan Thủ Thiêm đã rất rõ sao Nguyễn Phú Trọng không ra tay mà để đến cận kề đại hội 13 đem ông này ra cách đi chức mà ông ta không còn giữ? Rõ ràng là, nếu có thiện chí chống tham nhũng thì ông Nguyễn Phú Trọng đã triệt Lê Thanh Hải như triệt Đinh La Thăng từ sớm rồi chứ không phải để ông này nhởn nhơ nhiều năm nay.
Đây thực chất chỉ là trò cản giò nhau trong cuộc chạy đua nhân sự cho Đại Hội 13 mà thôi.
Hơn nữa đứng ở góc nhìn của dân Thủ Thiêm – nạn nhân ông Hải, thì hình thức trừng phạt mà ông Trọng đưa ra cũng chả có ý nghĩa gì cả. Hành động cách chức “nguyên bí thư thành ủy” nó không bắt ông Hải phải trả bất gì cái giá nào cho tội lỗi mà ông này đã gây ra với nhân dân Thủ Thêm.
Đặc biệt, nhà báo Đỗ Ngà còn nhận định rằng âm mưu sâu xa của công cuộc đốt lò của ông Trọng là diệt phe cánh đối địch để tạo chỗ trống cho những người tập huấn từ Trung Quốc trám vào nhằm tạo một bộ máy theo Tàu thuần nhất.
Bởi ngày 12/01/2017 ông Nguyễn Phú Trọng lúc đó là Tổng Bí Thư sang Trung Quốc gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ký 15 văn kiện. 15 văn kiện này chỉ được báo chí liệt kê tiêu đề chứ nhân dân không hề biết được nội dung của nó là gì.
Và cái thỏa thuận thứ nhất trong 15 văn kiện là hợp tác đào tạo cán bộ cấp cao giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Nhà báo phân tích: Nói về vấn đề Đảng Cộng sản Việt Nam cử cán bộ sang Trung Quốc học tập thì chúng ta không cần phải liệt kê, ta chỉ cần đánh từ khóa “cử cán bộ sang trung quốc học tập” thì sẽ có ngay 15 triệu kết quả tha hồ mà xem.
Vậy câu hỏi đặt ra là, những cán bộ sang Trung Quốc học tập rất nhiều như thế, trong khi quan chức nào cũng tham quyền cố vị thì làm sao đủ chỗ trống mà bố trí cho những đứa con cưng được cho đi học từ Trung Quốc trở về?
Câu trả lời là chính chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng đã tạo ra chỗ trống cho những cán bộ do Trung Quốc đào tạo.
Tác giả gọi đây là một trong những lộ trình bán nước của Đảng Cộng sản Việt Nam được che đậy khéo léo bàng đủ thứ hỏa mù như chiến dịch đốt lò mà thôi.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Đinh La Thăng hầu tòa, báo chí réo tiếp Nguyễn Văn Thể
>>> Nguyễn Phú Trọng chốt danh sách đốt lò cuối năm
>>> Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị nào đủ tuổi tái cử?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT