Phát ngôn viên của Liên minh châu Âu (EU) mới đây bày tỏ rằng vụ bắt giữ nhà báo tự do Phạm Đoan Trang “gây nghi vấn về cam kết bảo vệ quyền bày tỏ quan điểm và biểu đạt, cả trên mạng lẫn đời thực, của chính quyền Việt Nam”.
Theo VOA, bà Nabila Massrali, phát ngôn viên của Liên minh châu Âu về Quan hệ Đối ngoại và Chính sách An ninh, khẳng định quyền tự do ngôn luận là “điều sống còn nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng xã hội cũng như sự thịnh vượng và phát triển toàn diện và bền vững”.
Phát ngôn viên Massrali nói: “Quyền tự do ngôn luận ôn hòa được bảo vệ bởi Hiến pháp của Việt Nam, Tuyên bố Nhân quyền Phổ quát và các công ước quốc tế mà bản thân Việt Nam ký kết, trong đó có Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Chúng tôi kêu gọi chính quyền [Việt Nam] duy trì các cam kết đó.”
“Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục theo dõi và làm việc với các bên liên quan để cải thiện tình hình nhân quyền ở Việt Nam, vốn là điều cũng quan trọng trong bối cảnh Thỏa thuận Thương mại Tự do EU – Việt Nam đạt được gần đây.”
Trước đó, hôm 05/11, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, ông Giorgio Aliberti, cho biết trên Twitter rằng ông cùng với đại sứ các nước thành viên EU khác đã nêu vụ bắt giữ bà Trang với Bộ Công an Việt Nam.
Trước Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ là một trong những quốc gia đầu tiên bày tỏ “quan ngại” về vụ bắt ký giả tự do từng có thời gian học tập tại Mỹ.
Trong một tuyên bố trên Twitter hôm 09/10, tức là chỉ 3 ngày sau khi chính quyền cộng sản Việt Nam bắt giữ bà Trang, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ đặc trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động, ông Robert A. Destro, viết rằng Hoa Kỳ “lên án” vụ bắt giữ bà Trang.
Ông Destro lên tiếng: “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Việt Nam ngay lập tức thả bà và hủy bỏ mọi cáo buộc.”
Sau đó, một nhóm các nhà lập pháp Hoa Kỳ gửi thư tới Ngoại trưởng Mike Pompeo, trong đó bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về vụ Việt Nam bắt bà Trang, đồng thời kêu gọi nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ thúc đẩy việc phóng thích ký giả tự do này.
12 nhà lập pháp của Mỹ viết rằng “bà Phạm Đoan Trang không vi phạm pháp luật và chỉ thể hiện các quyền tự do cơ bản của mình, được bảo đảm trong hiến pháp Việt Nam” và rằng “bà ấy phải được trả tự do ngay lập tức và vô điều kiện”.
Trong chuyến thăm được coi là “bất ngờ” tới Việt Nam cuối tháng trước, Ngoại trưởng Mike Pompeo đã trao đổi với quan chức Việt Nam, trong đó có cuộc gặp riêng với Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm. Hiện chưa rõ nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ có lên tiếng về vụ bà Phạm Đoan Trang hay không.
Viện dẫn cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” và “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước”, chính quyền Việt Nam hôm 06/10 đã bắt giữ bà Phạm Đoan Trang, ít giờ sau khi kết thúc cuộc đối thoại nhân quyền với phía Mỹ.
Bà Trang là tác giả của nhiều cuốn sách, trong đó có cuốn “Phản kháng phi bạo lực” và “Cẩm nang nuôi tù”.
Trên Luật khoa Tạp chí, một tạp chí trực tuyến về luật, chính trị và nhân quyền do chính Phạm Đoan Trang là đồng sáng lập, ngày 25/10 tác giả Trần Phương đã có một bài viết mô tả cuộc đời của nữ nhà báo dũng cảm Phạm Đoan Trang.
Phạm Đoan Trang sinh năm 1978 tại Hà Nội, là con út trong một gia đình có truyền thống làm nghề giáo.
Bà tốt nghiệp Đại học Ngoại thương, chuyên ngành kinh tế quốc tế vào năm 2000.
Sau khi tốt nghiệp đại học, bà theo đuổi nghề báo và công tác tại các cơ quan truyền thông lớn của Việt Nam như VnExpress, Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, VietNamNet…
Khi công tác tại VietNamNet, Đoan Trang là nhà báo Việt Nam đầu tiên viết bài phân tích sâu về quan hệ giữa Trung Quốc và Việt Nam. Đó là những bài viết gây tiếng vang lớn trên chuyên trang Tuần Việt Nam của báo mạng này.
Năm 2009, một sự kiện bất ngờ đã bẻ lái cuộc đời bà sang một hướng khác. Ngày 27/08/2009, blogger Người Buôn Gió, tên thật là Bùi Thanh Hiếu, bị bắt. Một ngày sau đến lượt Đoan Trang; và rồi blogger Mẹ Nấm, tên thật là Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, bị bắt vài ngày sau. Công an cho rằng cả ba người đã xâm phạm an ninh quốc gia vì đã tham gia in ấn áo thun chống dự án khai thác quặng bauxite ở Tây Nguyên. Cả ba người được thả lần lượt sau 9 ngày bị tạm giam.
Về sự việc này, nhà báo Đoan Trang trần tình: “Trong ba blogger, có lẽ tôi là người ‘oan’ nhất, theo nghĩa tôi không hề tham gia in áo, chưa từng trông thấy áo, cũng như không một lần được hỏi ý kiến về vụ áo xống đó.”
Sau vụ bị bắt tạm giam năm 2009, Đoan Trang bị báo VietNamNet sa thải mà có không lý do. Sau biến cố đó, bà chuyển sang làm việc cho báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh và cộng tác các báo khác như Tia Sáng, Nhịp Cầu Thế Giới (một tờ báo tiếng Việt ở Hungary)… Đoan Trang vẫn tiếp tục viết các phân tích sâu về mối quan hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Buổi sáng ngày 05/08/2012, Đoan Trang bị công an bắt trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Hà Nội.
Từ năm 2012, Đoan Trang là một trong những nhà báo đầu tiên ở Việt Nam báo cáo về tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam đến quốc tế đồng thời cô cũng cho ra mắt nhiều tác phẩm phổ biến kiến thức cơ bản về chính trị và nhân quyền.
Năm 2013, Đoan Trang thông báo nghỉ việc tại báo Pháp Luật Thành phố Hồ Chí Minh. Từ cuối năm 2013, Đoan Trang tham gia nhiều chuyến vận động nhân quyền cho Việt Nam ở Mỹ, châu Âu và Thái Lan.
Năm 2014, Đoan Trang sang Mỹ theo lời mời của trung tâm học thuật nổi tiếng Villa Aurora và trường Đại học Southern California.
Đặc biệt, cô đã tham gia phái đoàn các tổ chức xã hội dân sự vận động trong phiên Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát (UPR) về nhân quyền tại Liên Hiệp Quốc tháng 02/2014, phiên điều trần về nhân quyền Việt Nam tại Thượng viện Canada tháng 04/2014 và nhiều sự kiện quốc tế khác.
Ngày 26/01/2015, Đoan Trang trở về Việt Nam. Cô đã bị giữ suốt 15 tiếng ở sân bay và bị theo dõi chặt chẽ sau khi được về nhà. Sau đó, cô bị công an bắt giữ tùy tiện khi làm phiên dịch cho gia đình tử tù Hồ Duy Hải và Nguyễn Văn Chưởng trong buổi vận động ở Đại sứ quán New Zealand tại Hà Nội.
Hai tuần sau ngày trở về nước, công an đã phát tán những bức ảnh riêng tư của Đoan Trang mà họ vẫn giữ từ lúc thu máy tính của cô vào sáu năm trước.
Tháng 03/2015, công an đổ keo vào khóa cửa ở nhà Đoan Trang khiến cô không thể đến họp tại Đại sứ quán Đức tại Hà Nội.
Sáng ngày 26/04/2015, nhóm Vì Một Hà Nội Xanh tổ chức tuần hành phản đối chính quyền Hà Nội chặt cây xanh. Trong lúc biểu tình, công an đã cưỡng bức Đoan Trang cũng như nhiều người biểu tình khác lên xe buýt.
Sau vụ việc này, Đoan Trang bắt đầu đi đứng khập khiễng. Vào tháng 05/2015, cô được bác sĩ chẩn đoán là khớp gối bị tràn dịch khớp và viêm bao hoạt dịch.
Tháng 05/2016, Đoan Trang đi ô-tô từ Sài Gòn – nơi cô vừa phẫu thuật khớp gối – ra Hà Nội để gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama thì bị công an giam giữ 26 tiếng tại tỉnh Ninh Bình.
Từ thời điểm này cho đến ngày cô bị bắt giữ gần đây nhất, Đoan Trang liên tiếp bị công an sách nhiễu bằng đủ các hình thức như giam lỏng tại nhà bà tại Hà Nội; bị công an mặc thường phục đánh đập khi đến nghe đêm nhạc của ca sĩ Nguyễn Tín vào tháng 08/2018, liên tục bị săn lùng truy quét…
Bất chấp những nguy hiểm kề cận, Đoan Trang vẫn tiếp tục viết sách; báo cáo về môi trường, chính trị và nhân quyền đồng thời nâng đỡ, hỗ trợ những nhà hoạt động trẻ tuổi.
Tháng 02/2018, tổ chức phi lợi nhuận nổi tiếng thế giới có trụ ở Cộng hòa Séc People in Need quyết định trao tặng cho Đoan Trang giải thưởng Homo Homini, giải thưởng thường niên nhằm vinh danh các nhà báo, nhà hoạt động về nhân quyền và chính trị quả cảm trên thế giới.
Ngày 12/09/2019, tổ chức Phóng viên Không biên giới đã quyết định trao giải thưởng Tự do Báo chí năm 2019, hạng mục Ảnh hưởng cho Đoan Trang.
Sau khi bà Phạm Đoan Trang bị bắt, cộng sự của bà đã chia sẻ bức thư bà để lại. Bức thư đề ngày 27/05/2019 bà Trang viết về khả năng bà có thể phải “đi tù”, trong đó ký giả tự do nói rằng “tôi không cần tự do cho riêng mình; nếu chỉ vậy thì quá dễ. Tôi cần cái lớn hơn thế nhiều: Tự do, dân chủ cho cả Việt Nam”.
Lá thư có đoạn:
“Chúng tôi không phải là hàng hóa để nhà nước cộng sản đem mặc cả với nước ngoài để đổi lấy các hiệp định thương mại hay là các thỏa thuận này nọ. Đổi lấy những lợi ích cho tập đoàn cầm quyền chứ không phải của người dân. Chúng tôi không chấp nhận cái địa vị hàng hóa đó.”
“…tôi muốn rằng nếu mình có đi tù thì giới hoạt động dân chủ phải là một lực lượng đàm phán với nhà nước, trong đó tập trung, nhấn mạnh vào việc đòi thông qua luật bầu cử mới và luật tổ chức quốc hội mới.”
“Bản án càng dài, xin các bạn càng tận dụng nó vào việc đàm phán và gây sức ép lên chính quyền Việt Nam, buộc chính quyền phải thực hiện các yêu cầu của chúng ta.”
Các báo chí quốc tế như The New York Times, The Guardian, AP, Reuters, Washington Post, Economist, Bloomberg, Al Jazeera, DW, VOA, BBC, Bangkok Post, Independent… không chỉ đưa tin về vụ bắt giữ nhà báo Phạm Đoan Trang mà còn khắc họa sự đàn áp nhân quyền ở đất nước cộng sản như Việt Nam.
Nhiều tổ chức uy tín trên thế giới đã chỉ trích chính quyền Việt Nam vi phạm nhân quyền trắng trợn sau vụ bắt giữ Đoan Trang và yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho Đoan Trang như các tổ chức PEN International, Tổ chức Phóng viên Không biên giới (RSF), Ủy ban bảo vệ các nhà báo (CPJ), Liên Đoàn Các Nhà xuất bản châu Âu (FEP), Tổ chức Ân xá Quốc Tế (Amnesty International), Front Line Defenders, International Federation for Human Rights, International Federation of Journalists, Institute for War and Peace Reporting…
Tin từ bạn bè hiện quản lý tài khoản Facebook của bà Trang hôm 06/11, tròn một tháng kể từ ngày bà bị bắt cho biết gia đình bà đã đến Trại tạm giam số 1 – Hà Nội gửi quà nhiều lần nhưng chỉ gặp được bà qua… chữ ký.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Cảnh báo ‘tin tặc Việt Nam lập trang tin giả về Đại hội 13, chính trị giật gân để cài virus’
>>> Hèn với Trọng, ác với Trump
>>> Cho Hải cảnh ‘‘dùng vũ khí’’ chống tàu Việt Nam – TQ muốn gì?
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT