Kể từ rạng sáng 7/10 đến nay, lũ lụt ở miền trung Việt Nam làm thiệt mạng ít nhất 132 người, trong đó có hàng chục quân nhân, và gây ra thiệt hại vô cùng to lớn về vật chất.
Hôm 20/10, quốc hội của đất nước khai mạc kỳ họp với “một phút mặc niệm dành cho đại biểu Nguyễn Văn Man” và bày tỏ “chia sẻ với những mất mát, hi sinh của chiến sĩ, đồng bào”, nhiều báo trong nước đưa tin.
Theo quan sát của VOA, thông tin kể trên dẫn đến nhiều lời chỉ trích của người dân Việt trên mạng xã hội về việc quốc hội dường như đặt ưu tiên cho đại biểu quốc hội so với người dân khi cơ quan lập pháp này tưởng niệm các nạn nhân của lũ lụt.
Đưa tin về hoạt động tưởng niệm, báo Dân Sinh chạy hàng tít “Quốc hội mặc niệm đại biểu Quốc hội, thiếu tướng Nguyễn Văn Man”, trong khi nhan đề bài báo của Tài Nguyên và Môi trường viết “Quốc hội tưởng nhớ Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, Đại biểu Quốc hội Khoá XIV tỉnh Quảng Bình”.
Báo Bảo Vệ Pháp Luật đặt tựa cho bài viết của mình là “Quốc hội tưởng niệm, chia sẻ mất mát, hy sinh của chiến sĩ, đồng bào miền Trung”.
Mặc dù vậy, nội dung bản tin của tờ báo cho hay là vào sáng 20/10, quốc hội đã dành 1 phút mặc niệm “để tưởng niệm Thiếu tướng Nguyễn Văn Man, đại biểu Quốc hội khóa 14 … cùng 12 cán bộ, chiến sĩ đã hi sinh trong khi thi hành nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ” ở tỉnh Thừa Thiên-Huế, “cũng như những mất mát, đau thương của đồng bào miền trung bị tử nạn trong đợt mưa lũ lịch sử vừa qua”.
Báo điện tử VNExpress có lượng độc giả lớn nhất Việt Nam chỉ viết ngắn gọn: “Trước phiên khai mạc sáng nay 20/10, Quốc hội dành một phút mặc niệm đại biểu Nguyễn Văn Man, Phó Tư lệnh Quân khu 4, cùng các quân nhân đã hi sinh khi đi cứu hộ, đồng bào tử nạn do mưa lũ”.
Tiếp đến, VNExpress trích lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu rằng cơ quan lập pháp này gửi “lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình cán bộ, chiến sĩ hy sinh và người dân bị tử nạn“.
Trước những dòng tít và nội dung tin như vậy, không ít người nêu lên thắc mắc trên mạng xã hội vì sao nhiều người dân và binh sĩ chết vì nạn lụt, song quốc hội lại đặt một “ông tướng là đại biểu quốc hội” lên vị trí hàng đầu để tưởng niệm.
Một số người bình luận rằng cách làm như vậy cho thấy quốc hội không thật sự là những đại biểu của nhân dân.
Nhà hoạt động Trần Bang đặt ra một số câu hỏi trên Facebook cá nhân có gần 30.000 người theo dõi: “Quốc hội chỉ của đại biểu quốc hội? Quốc hội chỉ mặc niệm đại biểu quốc hội chết? Còn hơn trăm người dân Việt Nam đổ mồ hôi xương máu đóng thuế nuôi quốc hội chết vì mưa lũ thì quốc hội lờ?”
Trong khi 22 quân nhân bị núi lở đè chết ở Quảng Trị cũng đã tìm thấy xác, thì vẫn còn 15/17 công nhân Thủy điện Rào Trăng 3 bị vùi xác từ ngày 12-10 đến nay hơn một tuần vẫn không tìm thấy xác, hoặc là do nỗ lực của bên quân đội đã dừng lại sau khi đã tìm thấy xác của 13 cán bộ.
Quốc hội của toàn dân nhưng đã có xử sự thiên lệch với hàng trăm người dân đã chết, Giáo sư Mạc Văn Trang lên tiếng:
“Hơn 100 đồng bào và chiến sĩ tử nạn trong lũ lụt miền Trung, Quốc Hội nên tổ chức quốc tang, nếu không cũng cần mặc niệm tất cả đồng bào tử nạn, Chứ sao chỉ dành cho một đại biểu Quốc hội và các chiến sĩ? Quốc Hội của toàn dân cơ mà!”
Hàng trăm bình luận bức xúc cho rằng Quốc hội xem mạng người dân quá rẻ rúng, rằng “Quốc hội là cơ cấu của Đảng và tiêu tiền thuế của dân chứ có dân nào bầu đâu”.
FB Trần Rạng viết thơ rằng:
Quốc Hội “mặc” chiến sĩ thôi
Còn dân mặc kệ chết trôi cũng đành!
FB Sơn Minh Hoàng:
“Chúng nó chỉ coi cán bộ mới là người , còn nhân dân chỉ là nô lệ!”
Trong mắt bọn cầm quyền người dân lính lác chỉ giống mèo hoang chó dại.”
FB Chế Quốc Long: “Chúng coi mạng dân và binh lính như cỏ rác. Quốc hội là đại diện của dân, nhưng lại không do dân bầu. Khốn nạn.”
FB Hồng Nhung: Quốc hội là của Đảng, chả có thằng dân nào vào đây.
FB Nho Vũ:
Đây là một tuyên bố chứng minh hùng hồn những kẻ mồm xoen xoét nói của dân, do dân,vì dân nhưng khinh dân, ác với dân, giả dối với dân vô cùng! Đồ vô đạo !
FB Ninh Gà:
Thật tủi phận cho 17 công nhân thủy điện Rào Trăng 3 khi 15 người vẫn nằm trong bùn lạnh.
FB Trần Thị:
Đau cho một dân tộc không thiếu nhân tài nhưng phải chịu thất bại dưới tay bọn lưu manh!
Trên Facebook cá nhân, Bác sỹ Võ Xuân Sơn có bài bình luận với tựa đề: QUỐC HỘI CỦA AI? Nội dung như sau:
“Hôm qua, nhiều người bàn đến việc Quốc hội sẽ mặc niệm tướng Man. Có vẻ như không có mặc niệm những người tử nạn trong đợt lũ lụt đang xảy ra ở các tỉnh miền Trung.
Xem thông tin trên các báo, thì thấy Báo Tuổi trẻ đăng là “Quốc hội sẽ mặc niệm đại biểu Nguyễn Văn Man và chiến sĩ, đồng bào hi sinh”, tôi vẫn hi vọng rằng Quốc hội không chỉ mặc niệm một mình tướng Man. Về lí thuyết, Quốc hội là của dân, do dân bầu, đại diện cho ý nguyện của dân. Do vậy, cho dù ông Man là đại biểu Quốc hội duy nhất tử nạn trong vụ lũ lụt năm nay tại các tỉnh miền Trung, thì Quốc hội cũng không vì thế mà chỉ mặc niệm một mình ông Man, mà không mặc niệm những chiến sĩ và đồng bào khác tử nạn.
Sáng nay, tôi mở Truyền hình Quốc hội ra xem, thì thấy chiếu cảnh chủ tịch Quốc hội dự lễ gì đó đầy màu sắc rực rỡ với cơ man nào là khẩu hiệu, cờ hoa.
Thì ra là lễ kỉ niệm 70 năm Báo Quân đội Nhân dân, tổ chức vào ngày 19/10/2020, khi đã có 90 người (cả quân và dân) tử nạn, và 34 người mất tích, trong đó có mười mấy công nhân ở Rào Trăng 3 chưa tìm thấy được.
Mở trang thông tin điện tử của Quốc hội, thì thấy rõ ràng là thông báo chỉ mặc niệm tướng Man, vào phiên họp trù bị, lúc 8h10 sáng 20/10/2020. Canh đến giờ đó, mở truyền hình Quốc hội xem, thì thấy đang quảng cáo một thứ thuốc ho. Vị bác sĩ khẳng định đi khẳng định lại, là thứ thuốc ho đó là từ thảo dược, nên hoàn toàn không ảnh hưởng xấu gì đến sức khỏe. Đó là lần đầu tiên tôi xem Truyền hình Quốc hội, và được tận mắt thấy tai nghe một bác sĩ quảng cáo thuốc, và khẳng định rằng có thứ thuốc có thể chữa bệnh mà hoàn toàn không gây hại.
Mở qua VTV1, cũng không thấy truyền hình trực tiếp, xem họ mặc niệm ai và mặc niệm như thế nào. Lúc đó mới chợt nghĩ, họ đưa việc mặc niệm vào phiên họp trù bị, thì làm sao mà có truyền hình trực tiếp.
Thế là tôi không thể xác nhận rằng, Quốc hội chỉ mặc niệm một người trong tổng số 90 người Việt nam thiệt mạng vì lũ lụt, hay mặc niệm tất cả những người thiệt mạng, mà về lí thuyết, Quốc hội là cơ quan đại diện cho họ. Thật tiếc là tôi không thể xác định được, bản thân Quốc hội xác định mình là đại đại diện cho ai, cho khoảng 1%, hay cho toàn bộ dân Việt nam?
Thực tình mà nói, thì trong số 13 người thiệt mạng ở Trạm kiểm lâm 67 trên đường vào Thủy điện Rào Trăng 3, người phải chịu trách nhiệm lớn nhất về 13 cái chết này chính là tướng Man. Ông là người có cấp bậc cao nhất, lại từng là chỉ huy lực lượng cứu hộ nhiều lần. Nếu ông không phải trưởng đoàn, thì ông cũng liên đới chịu trách nhiệm, và trách nhiệm của ông sẽ là thứ hai sau trưởng đoàn.
Sự hi sinh của những người trong đoàn tiền trạm vào Rào Trăng 3 là sự hi sinh vì nhiệm vụ cứu hộ, sự hi sinh rất đáng được trân trọng. Chúng ta đều cảm kích trước sự hi sinh cao cả đó. Nhưng, lẽ ra thì những người đó đã không bị thiệt mạng, nếu những người tổ chức chuyến đi cẩn thận hơn, chuyên nghiệp hơn. Dù đứng trên góc độ nào thì cũng phải nhìn thấy, tướng Man là người không hoàn thành nhiệm vụ.
Tôi cũng mới vừa đọc được thông tin về việc nâng cấp bậc cho 22 chiến sĩ của sư đoàn 337 tử nạn vì bị đất lở lấp. Thật đau xót khi có người tử nạn do đất lở, do lũ cuốn trôi, hay do bất cứ nguyên nhân nào khác trong đợt lũ lụt lần nay.
Tuy nhiên, sẽ rất khó để hiểu, tại sao lại nâng cấp bậc cho những chiến sĩ của sư đoàn 337 bị tử nạn lần này?
Nếu phân tích sâu hơn, sẽ có nhiều điều rất khó hiểu trong cách ứng xử của các cơ quan đảng và nhà nước ở cấp cao trong những ngày lũ lụt đang hoàng hành ở miền Trung. Đại hội đảng bộ TP HCM đã không có hoa, nhưng sau đó là một đêm văn nghệ hoành tráng tại đường đi bộ Nguyễn Huệ để “chào mừng thành công của đại hội”. Vậy thì tại sao phải ra thông báo không nhận hoa? Đã không nhận hoa thì không nhận luôn cả cái chương trình tốn kém hơn nhiều lần kia đi chứ?
Tất cả những cách hành xử trên chỉ có thể làm cho người ta thấy rằng, càng ngày, các cơ cấu quyền lực càng xa rời dân. Tự họ đã đặt họ tách biệt ra khỏi dân, đứng lên trên dân, đứng ra ngoài dân. Có phải họ đang muốn chứng tỏ, họ là thế lực cai trị, họ có quyền, họ không cần đến dân?
Những ngày này, tôi cứ suy nghĩ miên man, rằng mình có nên lăn xả vào nguy hiểm, chấp nhận gièm pha, để giúp cho những người, mà sau khi tai qua nạn khỏi, họ chỉ biết nói “ơn đảng, ơn chính phủ” hay không?” Bác sỹ Võ Xuân Sơn nêu nhận định.
Một nhà hoạt động khác, ông Nguyễn Lân Thắng, với hơn 150.000 người theo dõi qua Facebook, cũng nêu câu hỏi: “Tại sao quốc hội do dân bầu ra mà chỉ mặc niệm cho một vị tướng, không mặc niệm hàng bao nhiêu người dân đã chết thảm vì lũ lụt?”
Nói với VOA từ vùng lũ, ông Nguyễn Lân Thắng cho rằng đây không phải là lần đầu quốc hội không thể hiện đúng vai trò là đại diện của nhân dân trước những vấn đề nan giải, bao gồm cả bão lũ, môi trường.
Nhận xét rộng hơn về chính giới và bộ máy tuyên truyền Việt Nam, ông Thắng đưa ra quan điểm với VOA:
“Giới lãnh đạo Việt Nam có nhiều người khôn ngoan, tỉnh táo, nhưng bộ máy tuyên truyền không nhanh nhạy hay tự chủ. Chẳng hạn như lũ lụt kéo dài hơn 10 ngày nay, song các đại hội đảng chưa mặc niệm các nạn nhân lũ lụt, cho thấy họ đang đi theo quán tính, không có những phát ngôn, ứng xử phù hợp với tình hình, gây nhiều thắc mắc, bất bình trong nhân dân về giới quan chức”. Hiện đang tham gia các hoạt động cứu trợ do các cá nhân tự thực hiện, nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cũng chỉ ra một điều nữa mà người dân bức xúc, đó là vai trò của chính quyền trong việc ứng phó với lũ lụt. Ông nói:
“Đã 10 ngày chứ không phải là ít, nhưng nhìn vào các cơ quan chức năng của nhà nước chuyên về bão lũ, chuyên về thảm họa thiên tai, đặc biệt là dự trữ quốc gia, người dân không thấy có các động thái hay hành động quyết liệt để tung ra các nguồn tài lực từ ngân sách nhà nước để dự trữ và đối phó với thảm họa trong lúc như thế này.
Chỉ thấy là người dân tự mang thuyền, mang xuồng, mang mì tôm đi trợ giúp nhau, vì vậy, người dân đang rất oán trách”. Ông Nguyễn Lân Thắng nhận định.
Liên quan đến các hoạt động cứu trợ từ phía người dân với nhau, ca sĩ Thủy Tiên loan báo trên mạng xã hội rằng cuộc quyên góp tiền cứu trợ do cô kêu gọi dành cho các vùng lũ lụt đến nay đã thu được hơn 100 tỉ đồng.
Trong những ngày này, nữ ca sĩ nổi tiếng Việt Nam đã và đang đến các vùng ngập ở Huế, Quảng Bình… để trực tiếp phát tiền, hàng cứu trợ.
Ở một số diễn đàn trên mạng, trong đó có Góc nhìn Báo chí – Công dân, nhiều người chỉ ra thực tế là Thủy Tiên và những người có ảnh hưởng khác nhanh chóng huy động được hơn 100 tỉ đồng để cứu trợ, trong khi các hội đoàn do nhà nước đứng sau chỉ đang thu được những khoản tiền nhỏ hơn.
Các ý kiến trên mạng bình luận rằng điều đó cho thấy người dân tin là những người như ca sĩ Thủy Tiên sẽ phân phối tiền, hàng cứu trợ hiệu quả hơn các tổ chức của nhà nước.
Về phía nhà nước, theo tin trên VTV và Tuổi Trẻ, Thủ tướng Việt Nam chỉ thị rằng “trước mắt tạm cấp từ dự phòng ngân sách Trung ương năm 2020 hỗ trợ các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 100 tỷ đồng để thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn và an sinh xã hội”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng yêu cầu lấy ngay gạo dự trữ quốc gia để cứu trợ khẩn cấp người dân vùng lũ ở 5 tỉnh nêu trên.
Tuy nhiên, nhiều người sử dụng mạng xã hội tỏ ý hoài nghi về các gói cứu trợ được tuyên bố ở trên. Họ nhắc đến gói cứu trợ 62.000 tỉ đồng mà chính phủ Việt Nam tung ra hồi tháng 4 để giảm bớt khó khăn của người dân do đại dịch Covid-19, nhưng trên thực tế, nhiều người dân phản ánh với VOA và các cơ quan báo chí khác là họ “không với tới”.
Hải Yến – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Bị Trung Quốc ép – Nhật Bản tìm thấy gì ở Việt Nam?
>>> Bắc Kinh “trói” Hà Nội – Đảng bất lực nhìn Trung Quốc ở Biển Đông
>>> Việt Nam: Đấu đá dành quyền lãnh đạo mới – Cuộc chiến vẫn chưa ngã ngũ
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT