Vụ cách chức ông Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng đang đặt ra cho dư luận nhiều dấu hỏi về những lý do thật sự ẩn dấu đằng sau quyết định kỷ luật Đảng rồi tạm đình chỉ chức vụ Hiệu trưởng đối với Tiến sỹ Lê Vinh Danh.
Dư luận cho rằng Luật Đảng đang khống chế các định chế Pháp luật khác, họ dùng lý do rất mơ hồ để tước quyền Hiệu trưởng của một trường Đại học đang có những hoạt động phát triển rất tích cực trong hệ thống giáo dục Đại học Việt nam.
Ngày 25-8, cùng với QĐ tạm đình chỉ chức vụ bí thư Đảng ủy, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố quyết định đình chỉ chức vụ hiệu trưởng 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Có lẽ ít người biết rằng hầu hết 99% Hiệu trưởng các trường đại học đều là Đảng viên kiêm bí thư Đảng ủy mặc dù không có qui định Pháp luật nào thể hiện điều này. Chính vì thế mà một khi bị cách chức bí thư Đảng cũng xem như là mất chức hiệu trưởng.
TS Lê Vinh Danh được xem là người có công rất lớn đem đến cho ĐH Tôn Đức Thắng những thành tựu đáng tự hào, có thời điểm trường lọt vào Top 2 ĐH tốt nhất Việt Nam và Top 250 ĐH phát triển bền vững nhất thế giới. Năm 2017 thủ tướng Canada Justin Trudeau từng đến thăm và tọa đàm với giảng viên, sinh viên của trường.
Đại học Tôn Đức Thắng hiện có gần 24 ngàn sinh viên theo học với 1400 giảng viên và viên chức phục vụ, khởi đầu là một trường Đại học dân lập từ năm 1997, chuyển sang Đại học bán công từ năm 2003 và trở thành Đại học công lập từ năm 2008.
Đại học Tôn Đức Thắng hiện được xếp vị trí số 1 Việt Nam và thuộc Top 800 đại học tốt nhất thế giới, theo Bảng xếp hạng đại học thế giới (ARWU).
Mạng xã hội tuần qua bức xúc phản đối cách hành xử ngang ngược của Tổng liên đoàn Lao động Việt nam đối với Đại học Tôn Đức Thắng.
“Thành uỷ TP.HCM và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam muốn phá nát trường Đại học Tôn Đức Thắng hay sao?” Nhà báo Bạch Hoàn đưa ra nhận định trên Facebook cá nhân với hơn 200 ngàn người theo dõi.
Ý đồ xấu xa cúa Tổng Liên đoàn lao động Việt nam nhằm đòn tấn công vào TS Lê Vinh Danh cũng được nhà báo Bạch Hoàn tiết lộ.
“Đây là trường đại học hiếm hoi, nếu không muốn nói là duy nhất trong hệ thống giáo dục công có thể bắt nhịp theo xu hướng giáo dục quốc tế.
Tổng Liên đoàn Lao động từng đòi hỏi chia chác tiền bạc, không ăn được nên muốn đạp đổ? Họ biết cái gì về giáo dục và đã làm được cái gì cho trường mà thò bàn tay lông lá của mình vào, khua khoắng, đảo lộn một trường đại học tốt như Tôn Đức Thắng?
Hãy buông tha cho một ngôi trường dù thuộc hệ thống công lập nhưng chưa bao giờ xài một xu tiền ngân sách. Đừng giành giật, kiếm ăn để rồi làm tan nát một hy vọng cho tương lai.
“Khi trường học phát triển, mọi thứ khác sẽ phát triển theo“. Mục sư người Mỹ Martin Luther King đã nói điều đó và website của trường Đại học Tôn Đức Thắng trích dẫn lại. Khi đọc điều này, tôi nhìn thấy ước mơ và khát vọng thay đổi từ giáo dục của những người làm giáo dục ở trường Tôn Đức Thắng.
Đây là ngôi trường được xếp hạng tốt nhất Việt Nam, đứng trong top 800 trường đại học tốt nhất thế giới. Chiến lược phát triển của trường Tôn Đức Thắng có thể coi là hướng đi, là hy vọng về tương lai giáo dục đại học Việt Nam.
Thế nhưng, nó đang có nguy cơ bị bóp chết bởi quyền lực chủ quản và truyền thông bẩn.
Nói vắn tắt lại là, trường Tôn Đức Thắng ban đầu là trường dân lập, sau chuyển sang bán công, rồi lại bị đưa về công lập, giao cho Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đứng tên cơ quan chủ quản. Dù là cơ quan chủ quản nhưng Tổng liên đoàn không có đóng góp nào cho sự phát triển của trường Tôn Đức Thắng. Bởi trường hoạt động tự chủ hoàn toàn, không xài dù chỉ là một xu ngân sách, tự quản trị, vận hành, tự đầu tư phát triển, tự chăm lo đời sống cán bộ công nhân viên…
Chủ quản hờ nhưng lợi ích lại muốn thật. Tổng liên đoàn nhiều lần đòi hỏi trường Tôn Đức Thắng phải nộp về Tổng liên đoàn 30% thặng dư tài chính. Hiểu nôm na là trường tự thu tự chi, tự tuyển sinh, giảng dạy, mua sắm đầu tư, nộp thuế… còn dư 10 đồng thì phải dâng lên Tổng liên đoàn 3 đồng.
Thầy hiệu trưởng trường – ông Lê Vinh Danh là kẻ sĩ. Ông không quỳ gối và thực hiện những việc mất tự trọng, vô liêm sỉ như thoả hiệp để yên thân, giữ ghế, hòng duy trì quyền và tiền, mà trái lại, ông chống đòi hỏi “thu tô” của Tổng liên đoàn.
Lập tức, hàng loạt cuộc thanh tra, kiểm tra ập đến, thọc vào hoạt động của trường, làm rối tung một môi trường giáo dục đang trên đà bơi khỏi ao làng và bước ra thế giới.
Hậu quả là, dù là trường không tiêu xài ngân sách, lại được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm hoạt động theo hình thức tự chủ tài chính, đầu tư, quản trị… nhưng trường và thầy hiệu trưởng vẫn bị xử lý về mặt Đảng, với những lý do mơ hồ, ép vào những quy định của trường đại học tiêu xài cả núi ngân sách.
Kỉ luật, cách chức về mặt Đảng, đình chỉ chức vụ về mặt chính quyền, tức đình chỉ chức hiệu trưởng đối với ông Lê Vinh Danh – người dẫn đường và là linh hồn của sự thành công ở Tôn Đức Thắng – được thực hiện gấp rút đến mức bất chấp cả quy định pháp luật.
Không có thẩm quyền đình chỉ hiệu trưởng nhưng Tổng liên đoàn vẫn ra tay đình chỉ 90 ngày, khiến trường rơi vào cảnh khốn đốn, hình ảnh đẹp đẽ của trường bị bôi bẩn.
Và đó là lý do dư luận đã bỏ rơi Tôn Đức Thắng như thể đây là chuyện cá biệt, là sự tranh giành quyền lực, lợi ích của phe này nhóm kia.
“Ý thức mở mang đầu óc là khởi nguồn của khoa học. Tuy nhiên, khoa học cần tinh thần lẫn thói quen tự do trong suy nghĩ và phản biện để hình thành, vì không có 2 điểu này, sẽ không có sự thật. Sự thật không những là mục tiêu mà còn là cảm hứng của khoa học. Không có thói quen tự do trong suy nghĩ và phản biện, không tồn tại sự hoài nghi và khai sáng; mà không có sự khai sáng, không thể có môi trường Đại Học. Biểu tượng tự do, do đó, thể hiện ước mơ và bản chất vốn có mà môi trường Đại học phải xây dựng.” Đó là phát biểu của TS Lê Vinh Danh về giá trị của sự thật tự do trong khoa học.
“Tư duy như ông Danh, nền giáo dục này được mấy người?
Đúng là xã hội này, giỏi là một cái tội, không tham nhũng, lãng phí, tư lợi cũng là một cái tội. Nhưng, tội lớn hơn chính là dám cả gan làm người, dám có lý tưởng, có ước mơ và khát vọng.” Nhà báo Bạch Hoàn nêu nhận định.
Lý giải về Quyết định ký luật về mặt đảng đối với ông Lê Vinh Danh, nhà báo Bạch Hoàn cho biết:
“Ai là người kỉ luật ông Lê Vinh Danh, người có công lớn nhất trong việc xây dựng được một trường giáo dục đứng thứ 701 trong top 800 trường đại học tốt nhất thế giới – trường Đại học Tôn Đức Thắng?
Đó là lãnh đạo các trường Đại học Kinh tế TP.HCM, Đại học Sư phạm kĩ thuật TP.HCM, Đại học Sư phạm TP.HCM, Đại học Sài Gòn…
Lãnh đạo các trường này ngồi trong Uỷ ban kiểm tra đảng uỷ khối đại học, cao đẳng TP.HCM.
Uỷ ban này là cơ quan ra quyết định kỉ luật cách hết chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Vinh Danh, dẫn đến nguy cơ ông Danh có thể bị đá văng ra khỏi trường Tôn Đức Thắng, nơi ông đang làm rất tốt công việc của một trí thức theo đuổi mục tiêu phát triển giáo dục, chứ không phải cán bộ giảng dạy trong cái nền giáo dục mục ruỗng này.
Nghịch lý là, các trường đại học vẫn đang bú mút bầu sữa ngân sách, đang ăn bám quốc dân nhưng vẫn èo uột, bệ rạc, lại tham gia vào tổ chức đảng kỉ luật người đứng đầu một trường đại học đã tự chủ hoàn toàn, không cần xài đến 1 xu tiền thuế mà vẫn phát triển tốt, được công nhận ở tầm quốc tế.
Đây đúng nghĩa là những kẻ ăn bám kỉ luật người góp cơm, những kẻ khom lưng kỉ luật người đứng thẳng, những kẻ yếu kém kỉ luật người giỏi giang, những kẻ thất bại kỉ luật người thành công…
Đâu là xấu xa và hủ bại? Đâu là công lý và chính nghĩa? Câu hỏi này dành cho những ai còn đang khao khát về một nền giáo dục mang lại thành tựu để kiến tạo quốc gia, phụng sự nhân loại.
Và tất nhiên không dành cho bầy nô lệ và những thợ dạy ở cái xứ này.”
Nhà báo Bạch Hoàn đưa ra kết luận.
Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông Lê Vinh Danh ngày 27/8 vừa gửi đơn khiếu nại quyết định đình chỉ công tác mà Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) đưa ra với bản thân ông.
Ông Lê Vinh Danh khẳng định quyết định tạm đình chỉ công tác đối với ông là một quyết định thiếu cơ sở pháp lý, không đúng với thẩm quyền, làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của ông cũng như tác động tiêu cực đến tinh thần các giảng viên, công nhân viên, sinh viên học sinh và hoạt động chung của trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Trước đó hôm 25/8, tổng LĐLĐVN vừa công bố quyết định tạm đình chỉ công tác 90 ngày đối với ông Lê Vinh Danh, Hiệu trưởng trường Đại học Tôn Đức Thắng để xem xét xử lý trách nhiệm vì những vi phạm theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM.
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM, Đảng ủy trường Đại học Tôn Đức Thắng đã không thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ về việc đã không bàn bạc, trao đổi và không có nghị quyết lãnh đạo đối với một số chủ trương lớn liên quan đến hoạt động của trường để xảy ra vi phạm về công tác cán bộ, quản lý tài chính, tài sản và một số những sai phạm khác.
Ngoài ra, Đảng ủy Trường còn buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra giám sát để Lãnh đạo trường vi phạm nguyên tắc về tập trung dân chủ trong việc không chấp hành các chỉ đạo của tổng LĐLĐVN. Ủy ban Kiểm tra thành ủy TPHCM khẳng định Đảng ủy Trường đã phủ nhận sự đóng góp, hỗ trợ của Tổng LĐLĐVN trong quá trình thành lập và phát triển của Trường. Do đó, thành ủy TPHCM kết luận những vi phạm có trách nhiệm của ông Lê Vinh Danh với vai trò người chịu trách nhiệm cao nhất về hoạt động của Trường.
Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Lạnh xương sống với tình trạng nhân quyền tại Việt Nam
Cách cài vượt tường lửa miễn phí:
Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7
Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT