Chùa Kỳ Quang 2: Nhận tiền “khủng” rồi quẳng tro cốt một nơi, di ảnh một nẻo

Link Video: https://youtu.be/U3Ybd1eZE-Y

Những ngày gần đây, sự việc hàng trăm hũ tro cốt bị rớt bảng tên, chất lẫn lộn trong xó xỉnh tại chùa Kỳ Quang 2, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh đã gây phẫn nộ không chỉ trong giới Phật tử mà còn khiến dư luận một lần nữa phải thất vọng về sự suy đồi của Phật giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản.

Sự việc bắt đầu từ một bài viết được chia sẻ trên mạng xã hội của tài khoản facebook có tên là Mỹ Tiên Huỳnh vào ngày 01/09.

Nhân dịp lễ Vu Lan tức rằm tháng bảy âm lịch, chị Tiên cũng gia đình đến chùa Kì Quang 2 (địa chỉ số 154/4A Lê Hoàng Phái, Phường 17, quận Gò Vấp, TP HCM) để thắp nhang tưởng nhớ những người thân trong gia đình đã mất và được gửi tro cốt vào ngôi chùa nổi tiếng có lòng nhân đạo từ trong nước ra đến nước ngoài này.

Điều khiến chị bàng hoàng và bức xúc là việc những hũ cốt bị “quăng vô một cái xó xỉnh, hình một nơi hũ cốt một ngả”. Hàng động này của nhà chùa đã khiến những người đến lễ không thể tìm đúng hũ cốt của người thân của mình.

Khi mọi người đi tìm trụ trì để nói chuyện cho ra lẽ thì ông này cố tình lẩn trốn, dẫn đến việc mọi người kêu công an, ủy ban đến làm cho ra chuyện. Sau mấy tiếng đồng hồ chờ đợi của mọi người (khoảng 50-70 người) thì trụ trì cũng xuất hiện nói vòng vo tam quốc và chốt lại hai điều: thứ nhất là “hầm cốt này thầy không có nhận để cốt” và thứ hai là “thầy không nhận tiền để cốt của ai hết”.

Điều khiến mọi người càng tức giận hơn là lý do “tro cốt một đằng, di ảnh một nẻo” mà vị trụ trì đưa ra là trong quá trình vệ sinh các hũ tro cốt, vì tưới nước mạnh quá nên hình rơi ra.

Sau đó, trụ trì đã hứa sẽ tìm ra đúng cốt và đúng di ảnh cho mọi người. Công an và ủy ban cũng hứa đứng ra giải quyết cho mọi người.

Ảnh chụp màn hình bài đăng của chị Mỹ Tiên Huỳnh trên facebook cá nhân về việc hàng trăm hũ tro cốt bị rớt bảng tên, chất lẫn lộn trong xó xỉnh tại chùa Kỳ Quang 2

Bản thân trong bài viết của mình, chị Tiên đã bày tỏ những bất bình từ hành động của nhà chùa cũng như từ vị trụ trì.

Thứ nhất, chị cho rằng nếu chùa không còn nhận để cốt thì  cũng phải thông báo cho gia đình người nhà biết để gia đình đem qua để ở chùa khác còn nếu không có thân nhân thì gom lại tụng kinh rồi rải về sông về đất.

Thứ hai, việc trụ trì nói ông không nhận tiền để cốt của ai hết là không có cơ sở vì chị Tiên cho biết là tháng trước có chị gửi hũ cốt vào chùa phải đóng phí 40 triệu đồng.

Thứ ba, khi trụ trì hứa tìm sẽ tìm đúng cốt đúng hình cho mọi người thì chị Tiên đã tự đặt câu hỏi là tìm bằng cách nào và trong bao lâu và cho rằng việc thử ADN của hũ cốt với người sống là việc tào lao.

Thứ tư, lý do mà trụ trì đưa ra là do bắn nước rửa mạnh quá khiến hình bị rơi khỏi hũ cốt là không thuyết phục bởi nếu bắn rửa rớt vài tấm hình thì phải tìm cách khác còn đàng này bắn rửa cho rớt hình chơi vậy đó thì là thật quá đáng luôn, cốt bụi có bẩn thì lấy thau nước rửa đằng này lấy vòi nước bắn rửa, như rửa xe thì không chấp nhận được. Chị Tiên cũng cho biết là 100 hũ cốt chắc còn được 20 – 30 hũ còn hình nhưng cũng bị quăng vô một xó chung với những cái hũ cốt mất hình.

Và khi sự việc bung bét thì tất cả những bức xúc của chị Tiên đều có cơ sở.

Truyền thông trong nước hôm 03/09  cho biết quá trình kiểm tra tại hầm đựng tro cốt của chùa Kỳ Quang 2, cơ quan chức năng phát hiện có 775 hũ tro cốt đã bị gỡ rời di ảnh, không phân biệt được danh tính.

Theo những người đã gửi tro cốt tại đây phản ánh, những năm gần đây, để được gửi tro cốt vào chùa, phải bỏ ra ít nhất 6 triệu đồng tiền phí. Những người đã gửi từ lâu có giá cao hơn, đỉnh điểm có người phải bỏ hơn hơn 6 cây vàng để có một “dằm” tại chùa cho người thân đã khuất như trường hợp của bà Minh Thanh (ngụ Quận 1, TP.HCM) cho biết, năm 1999, để có 2 “dằm” tại chùa Kỳ Quang 2, gia đình bà phải trả 13 cây vàng. Nhưng không dừng lại tại đó, tới năm 2014, thầy chùa nói phải giải toả khu đất nên phải bốc mộ lên thiêu. Tiền thiêu lúc đó hết 14 triệu đồng do gia đình bà phải chịu toàn bộ. Như vậy, tổng cộng bà đã mất 6,5 cây vàng với thời giá của năm 1999 cùng 14 triệu đồng tiền thiêu năm 2014 thì cuối cùng mới có được chỗ để hũ tro cốt gắn tên gắn di ảnh trong chùa và đến nay khi bà Thành đến chùa Kỳ Quang 2 thì “hình một nơi, hũ cốt một ngả, tất cả đều được chất đống như rác”.

Ảnh: Hai trong những bức ảnh mà tài khoản facebook Mỹ Tiên Huỳnh đăng ngày 01/09 cho thấy các hũ cốt bị vứt vào những xó xỉnh trong chùa

Chùa Kỳ Quang 2 là ngôi chùa gần 100 năm tuổi. Hiện tại trụ trì của chùa là Hòa thượng Thích Thiện Chiếu.

Ban đầu chùa có tên gọi là Thanh Châu Tự, được xây dựng vào năm 1926 và chỉ là một chùa làng nhỏ bé tại Gò Vấp. Đến năm 2000, chùa mới chính thức tu sửa trên diện tích 7.500 m2 với kiến trúc “5 không” độc đáo là không mái, không trần, không cửa, không tường và không cột do chính trụ trì Hòa thượng Thích Thiện Chiếu thiết kế.

Ngôi chùa còn nổi tiếng vì là nơi nuôi dưỡng những đứa trẻ mồ côi và tật nguyền, không nơi nương tựa lớn nhất tại Việt Nam. Hòa thượng Thiện Chiếu cho biết, hoạt động này bắt đầu từ năm 1994 và đến nay nhà chùa đang chăm sóc hơn 240 trẻ, đồng thời dạy học và khám chữa bệnh, phát thuốc nam miễn phí cho hàng nghìn người vào mỗi tuần.

Sau khi sự việc bị phát hiện, ngày 03/09, ông Thích Thiện Chiếu đã có buổi làm việc với cơ quan chức năng. Sau đó, Hòa thượng cũng đã có buổi tiếp xúc với các bà con gửi cốt và linh ảnh người thân thờ tại chùa. Đồng thời, chùa cũng đã làm việc với chính quyền địa phương, Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và cũng đã có hướng dẫn giải quyết vụ việc. Nhằm xác định chính xác hài cốt của các thân nhân, chùa sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để xét nghiệm ADN. Mọi chi phí xét nghiệm ADN chùa sẽ chịu.

Truyền thông trong nước đưa tin theo Trung tâm xét nghiệm ADN Genplus, với giá khoảng 6 triệu đồng/ca xét nghiệm ADN hài cốt, tổng chi phí cho 775 ca tại chùa Kỳ Quang 2 có thể lên tới 5 tỷ đồng. Có lẽ với khả năng kinh doanh dịch vụ nhà táng phát đạt của chùa Kỳ Quang 2 từ nhiều năm qua thì số tiền này có thể trong khả năng chi trả, đấy là chưa kể những hoạt động kinh doanh khác mà dư luận chưa phát hiện ra.

Vấn đề nghiêm trọng hơn là việc xét nghiệm ADN trong tro cốt là rất khó thậm chí có thể gọi là không có khả năng. Bởi vì tro cốt sau khi đốt, xương đã bị cháy hết hoàn toàn. Khi hỏa thiêu, thi hài cháy hết thì vật chất còn lại chỉ là carbon (tro cốt) tức là ở dạng vô cơ, không còn vật chất chứa thông tin AND hay còn gọi là tế bào gen để có thể giám định.

Ảnh chụp bên trong chùa Kỳ Quang 2, một trong những ngôi chùa vàng ở Sài Gòn nổi tiếng với thiết kế đặc biệt ‘5 không’

Một phương án khác được dư luận đặt ra đó là nhờ các nhà ngoại cảm để “thỉnh vong” hoặc dùng biện pháp “gọi hồn” để xác định danh tính các hũ tro cốt.

Một chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng để xác định tro cốt người đã khuất bằng các hoạt động ngoại cảm là việc rất phức tạp vì nếu như nhỡ có vong linh nào đã siêu thoát rồi thì việc “áp vong” hay “gọi hồn” cũng trở thành vô nghĩa, không thể xác định được.

Hơn nữa, mục đích ban đầu của việc đưa tro cốt lên chùa là để vong linh được siêu thoát nơi cõi Phật, để mong linh hồn người chết được nương nhờ cửa Phật, được nhận sự gia trì của Tam Bảo để về với cõi Phật, mà giờ lại tiến hành giám định ADN hay “gọi hồn” hoặc thực hiện hoạt động ngoại cảm thì sẽ đi ngược lại mục đích ban đầu, khiến vong linh tụ tại tro cốt và không siêu thoát được.

Việc làm “mất nhân tính” của chùa Kỳ Quang đến nay vẫn chưa tìm được phương án giải quyết hậu quả lại càng khiên dư luận phẫn nộ.

Nhà báo Hoàng Nguyên Vũ nhận định: “Đưa vào chùa, để ngày ngày những người thân quá cố của chúng ta vẫn nghe câu kinh lời tụng, được cầu siêu để đầu thai vào một kiếp khác. Đó không đơn thuần chỉ là lọ tro, hay tấm ảnh, mà cả một nghĩa tình thân quyến sâu nặng để chọn nơi chọn chỗ cho người thân neo đậu, đặt một niềm tin lớn vào đạo Phật có thể chuyển hoá kiếp nghiệp, tin vào con đường luân hồi và mong mỏi cái bình yên cho người ở lại, năm tháng dịu vơi những đau buồn khi thấy người thân của mình cũng an nhiên theo tiếng tụng câu kinh… Chùa Kỳ Quang II đã chà đạp lên tất cả những điều đó. Họ phản bội đạo Phật, từ bỏ câu kinh siêu độ, huỷ hoại sự bình yên của những người đã gửi những lọ tro bức ảnh kia…

Không thể lấy lý do rằng do nhà chùa liên hệ không thấy thân nhân đến nhận, nên đối xử với di ảnh và tro cốt người quá cố như những tàn nhang bỏ đi, như bụi rác phàm trần. Lòng từ bi tối thiểu với những gì còn lại an ủi người dương thế, đã bị chôn sạch bởi những lương tâm táng tận của những kẻ khoác áo tu hành…”

Ảnh: Chùa Kỳ Quang dán thông báo niêm phong nơi để tro cốt

Ngày 03/09, khoảng hơn 100 người đã gửi tro cốt của người thân đã tập trung tại chùa Kỳ Quang 2 để cùng ký vào đơn khiếu kiện Thượng toạ Thích Thiện Chiếu – Trụ trì chùa Kỳ Quang 2 về hành vi “Xâm phạm mồ mả, thi thể, hài cốt”. Có người gửi một hũ, có người gửi đến hàng chục hũ tro cốt của người thân.

Điều 319 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định rất rõ về tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt. Theo đó, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Nếu pham tội gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.

Facebooker Liên Hương Lena còn yêu cầu khởi tố vụ án, không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm đạo đức, thuần phong mỹ tục, truyền thống dân tộc đồng thời yêu cầu xác minh nghi vấn lừa đảo, chùa nhận “phí” bảo quản tro cốt rồi nói không nhận.

Bà Liên Hương cũng nhận định: “Sự suy đồi của Phật giáo Việt Nam: Biến không gian chùa thờ Phật thành không gian nhà táng. Phật tử không tới chùa vì tu học Phật pháp mà vì dịch vụ nhà táng. Hiện nay rất nhiều chùa có dịch vụ lưu trú tro cốt và mai táng ngay trong đất chùa. Phật tử thuần thành tránh chùa cũng một phần vì sự ô trược này.”

Qua sự việc này, người Việt chỉ còn biết ngậm ngùi cho cái số phận đến tro cốt người chết vào chùa còn không yên ổn thì người sống sống thế nào nổi trong cái xã hội này.

Ảnh: Hòa thượng Thích Thiện Chiếu giải thích và xin lỗi hôm 03/09 trước bà con gửi cốt và linh ảnh người thân thờ tại chùa

Trung Nam – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đảng với Âm mưu “rước voi giày mả tổ”

>>> Dân đòi điều tra Đại biểu mua Quốc tịch – Tuyên giáo “đe” đừng đi quá xa

>>> Bộ sách lớp 1 tăng giá gấp 4 lần – “Đất nước có bao giờ được thế này không?”

Bộ sách lớp 1 tăng giá gấp 4 lần – “Đất nước có bao giờ được thế này không?”

Cách cài vượt tường lửa miễn phí:

Điện thoại di động (mobile phone) = https://bit.ly/2QCRpE7

Trình duyệt (browser) = https://bit.ly/3hKTidT