Chiều 30/7, Bộ Y tế công bố 5 ca mắc mới Covid-19 tại Quảng Nam. Đây là những bệnh nhân đi chăm sóc người thân ốm tại Bệnh viện Đà Nẵng.
Cả 5 trường hợp được lấy mẫu ngày 28/7/2020 lấy mẫu, kết quả ngày 30/7/2020 dương tính với SARS-CoV-2.
Như vậy tính đến 18h ngày 30/7, Việt Nam có tổng cộng 464 ca mắc Covid-19, trong đó 276 ca nhiễm nhập cảnh được cách ly ngay.
Từ ngày 25/7 đến nay, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng ghi nhận là 48 ca tại 6 tỉnh thành gồm: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Với 5 ca mắc mới này, Quảng Nam ghi nhận 8 ca mắc Covid-19.
Việt Nam đang trong tình thế cảnh giác cao độ và chuẩn bị cho sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm virus corona mới sau khi thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh phát hiện các trường hợp lây nhiễm đầu tiên trong cộng đồng hôm 29/7 sau hơn 3 tháng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hôm 29/7 cảnh báo người dân không được “lơ là, chủ quan trong bối cảnh tình hình phức tạp” và yêu cầu “các đồng chí Bí thư, Chủ tịch” của các địa phương “phải ra tay, hệ thống chính trị phải vào cuộc và người dân phải cảnh giác thực hiện một số biện pháp đã được phổ biến.”
Việt Nam, được cộng đồng quốc tế ca ngợi về sự ứng phó nhanh và hiệu quả đối với đại dịch COVID-19 bắt nguồn từ nước láng giềng Trung Quốc, cuối tuần trước đã ghi nhận ca nhiễm đầu tiên trong cộng đồng sau gần 100 ngày, khi một người đàn ông ở Đà Nẵng có biểu hiện bệnh và xét nghiệm dương tính với virus corona. Hôm 27/7, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết rằng kết quả phân tích nguồn gien của virus từ các bệnh nhân mới cho thấy đây là chủng virus mới xuất hiện ở Việt Nam từ bên ngoài.
Hà Nội và TP HCM hôm 29/7 đã ghi nhận trường hợp dương tính COVID-19 đầu tiên trong đợt bùng phát mới, trong đó bệnh nhân nam 23 tuổi ở Hà Nội đã cùng người thân đi du lịch Đà Nẵng hồi giữa tháng 7.
“Dịch lần này khác trước vì đã lây ra cộng đồng nhiều ngày, chưa tìm được ca F0 (nguồn lây nhiễm), do đó tình hình phức tạp, diễn biến nhanh trong thời gian ngắn, nhiều nguy cơ lây nhiễm ở các địa phương, các thành phố lớn,” Thủ tướng Phúc được cổng thông tin điện tử Chính phủ trích lời nói khi chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về phòng chống COVID-19 hôm 29/7 tại Hà Nội.
Toàn thành phố Đà Nẵng bắt đầu thực hiện cách ly trong vòng 15 ngày kể từ 28/7 theo lệnh của Thủ tướng Phúc. Mọi chuyến bay đến và đi từ Đà Nẵng đã bị ngừng từ 0 giờ ngày 28/7 trong khi chính phủ đang sơ tán 80.000 du khách sau khi thành phố biển miền Trung trở thành “điểm nóng” mới của đại dịch ở Việt Nam.
Việt Nam ngừng cách ly toàn xã hội hôm 23/4 và mở cửa trở lại vào đầu tháng 5, chấp nhận tình trạng vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế. Một số đường bay với các quốc gia châu Á, trong đó có Trung Quốc, đã được nối lại gần đây và dự kiến sẽ mở cửa cho khách du lịch trong thời gian tới. Cuộc sống ở Việt Nam dường như trở lại bình thường trong những tháng qua khi người dân đi du lịch trở lại.
Tuy nhiên, việc hàng chục nghìn người vừa đi du lịch Đà Nẵng về đang đặt Việt Nam trở lại tình trạng giãn cách toàn xã hội.
VnExpress cho biết gần 20.000 người từ Đà Nẵng trở về Hà Nội và Chủ tịch UBNDTP Nguyễn Đức Chung hôm 27/7 kêu gọi người dân tự giác chấp hành biện pháp chống dịch, đồng thời “cần giữ bình tĩnh vì thành phố đã qua 105 ngày không phát hiện các ca mới trong cộng đồng” trước khi có ca dương tính đầu tiên hôm 29/7.
Cũng theo VnExpress, hơn 18.000 người từ Đà Nẵng, nơi phát hiện ca nhiễm đầu tiên của đợt bùng phát mới, đã về TP HCM trong dịp cuối tuần qua.
Dù nguồn lây nhiễm các ca nhiễm mới chưa được xác định, nhưng chính phủ Việt Nam đã tiến hành một loạt các cuộc bắt giữ, gồm một người đàn ông Trung Quốc được cho là cầm đầu đường dây đưa người nhập cảnh và Đà Nẵng và Quảng Nam một cách trái phép trong thời gian qua.
Thủ tướng Phúc, tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ hôm 29/7, yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Công an quản lý tốt biên giới, khởi tố điều tra vi phạm trong quản lý biên giới. Việt Nam đóng cửa biên giới với Trung Quốc, nơi bắt nguồn đại dịch COVID-19, từ tháng 2 khi chưa có ca nhiễm nào trong cộng đồng ở Việt Nam.
TP.HCM phong tỏa ba điểm liên quan ca mắc COVID-19
Ngày 29-7, lực lượng chức năng ở TP.HCM đã phong tỏa một khách sạn trên đường Nguyễn Chí Thanh, quận 11 và một con hẻm trên đường Hoàng Ngân, quận 8.
Đây là hai nơi bệnh nhân mắc COVID-19 tại TP.HCM thường xuyên lui tới thuê trọ và sinh hoạt.
Đường số 10, trong khu dân cư Hiệp Bình Chánh, khu phố 6, phường Hiệp Bình Chánh (quẩn Thủ Đức),với 40 hộ dân sinh sống, đã được lực lượng chức năng dựng rào chốt chặn, phong tỏa từ chiều tối ngày 30-7.
Theo một nguồn tin, việc phong tỏa này vì có người dân nghi nhiễm COVID-19. Hiện người này đã được đưa đi bệnh viện và đang chờ kết quả cuối cùng.
Theo ghi nhận, từ 17 giờ, các nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ đã đến từng nhà dân kiểm đếm nhân khẩu.
“Chúng tôi đang họp để thống nhất phương án thực hiện, trước mắt sẽ phong tỏa toàn đường số 10 với khoảng 40 hộ dân“, đại diện UBND phường Hiệp Bình Chánh cho biết.
Đến hơn 19 giờ, mọi công tác phong tỏa được triển khai nghiêm ngặt trên toàn đường số 10, người dân muốn ra vô đều được lực lượng chức năng kiểm soát, ngăn cản.
TP.HCM gửi công văn khẩn: Từ 0h đêm nay 31-7, cấm tụ tập quá 30 người, đóng cửa bar, vũ trường…
TP.HCM cấm tụ tập quá 30 người ở nơi công cộng, đóng cửa quán bar, vũ trường để phòng chống COVID-19 kể từ 0h ngày 31-7-2020 đến khi có thông báo mới.
Đề nghị người dân thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang nơi công cộng, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch.
Đặc biệt tạm dừng tổ chức các sự kiện có tập trung đông người như lễ hội, hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, các hội nghị, hội thảo chưa cấp thiết khác… Khuyến cáo việc hạn chế tập trung đông người tại tiệc cưới, tang lễ… Không tập trung quá 30 người tại nơi công cộng (ngoài trường học, bệnh viện…).
Tạm thời đóng cửa các cơ sở kinh doanh dịch vụ không thiết yếu: quán bar, vũ trường.
Thành phố khuyến khích họp, hội nghị trực tuyến; tăng cường ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin để trao đổi, làm việc trực tuyến. Đối với các trường hợp hội nghị cần thiết phải tổ chức trực tiếp (của cơ quan Đảng, chính quyền…) phải áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế.
Tổ chức đo thân nhiệt và yêu cầu đeo khẩu trang ngay tại cửa ra vào đối với tất cả mọi người đến trụ sở làm việc và liên hệ công tác của các cơ quan đơn vị.
Đối với các cuộc họp: Người dự họp phải đeo khẩu trang, hạn chế việc bắt tay, trao đổi ở cự ly gần; rửa tay trước và sau cuộc họp. Tiến hành vệ sinh phòng họp, khử khuẩn các bề mặt, các đồ vật tiếp xúc với người dự họp sau mỗi cuộc họp.
Ngoài ra, đối với các hoạt động mang tính cấp thiết của ngành y tế như tổ chức hiến máu nhân đạo cần phải được tiếp tục và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định của ngành y tế trong quá trình tổ chức thực hiện.
UBND TP khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác, chủ động và tự giác thực hiện các biện pháp phòng chống dịch như đeo khẩu trang nơi công cộng, trên các phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người khi không cần thiết, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, dung dịch sát khuẩn…
Thời gian áp dụng các biện pháp nêu trên bắt đầu từ 0h ngày 31-7-2020 đến khi có thông báo mới.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói cần tính đến cả “tình huống xấu nhất” trong lúc có thêm ca dương tính Covid-19 tại Đà Nẵng và Quảng Nam.
Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh có thêm 7 ca nhiễm mới trong ngày thứ Ba 28/07, với 3 bệnh nhân ở Quảng Nam và 4 người ở Đà Nẵng.
Như vậy, trong bốn ngày qua (25-28/07) riêng Đà Nẵng ghi nhận 18 ca nhiễm, Quảng Nam 3 ca, và Quảng Ngãi một ca.
Các ca Quảng Ngãi và Quảng Nam đều có yếu tố dịch tễ liên quan Đà Nẵng.
Trong tổng số 22 ca nhiễm mới trong cộng đồng cho tới nay, ít nhất hai ca được mô tả là trong “tình trạng nặng” và phải thở máy.
Một số nhóm y bác sỹ tại Hà Nội và Tp HCM được điều tới Đà Nẵng để hỗ trợ cho các ca “có bệnh nền” và giảm tải cho gánh nặng y tế của thành phố này.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, nói “cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương” và “không để xảy ra trường hợp nào tử vong“.
“Chúng ta không bất ngờ trước tình hình dịch bệnh ở Đà Nẵng nhưng trong chống dịch bao giờ cũng phải lường đến tình huống xấu, tính đến cả tình huống xấu nhất.
“Đến thời điểm hiện nay, các tỉnh, thành phố như: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên – Huế, đặc biệt Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đều có nguy cơ có những người liên quan đến Đà Nẵng nhưng thành phố này hiện đang là ổ dịch.
“Do đó, cả hệ thống chính trị, trước hết là ngành y tế cần “chia lửa” với Đà Nẵng, không phân biệt bệnh viện tuyến Trung ương với địa phương hoặc địa phương với địa phương,” ông Đam nói.
Nhiều người dân tin rằng số người nhiễm virus corona trên thực tế có thể còn cao hơn nhiều khi những người đã tiếp xúc với các bệnh nhân mới chưa được phát hiện và xét nghiệm hết, còn nguồn lây nhiễm ban đầu vẫn chưa được tìm ra.
Các ca nhiễm Covid-19 mới đang gây lo ngại về làn sóng dịch thứ 2 tại Việt Nam, nơi đã không ghi nhận ca nhiễm nào trong cộng đồng suốt 99 ngày trước 25/7. Các sinh hoạt hoạt kinh tế, xã hội đang dần dần quay trở lại bình thường và Việt Nam bắt đầu nối lại chuyến bay đến các quốc gia lân cận, trong đó có nước láng giềng Trung Quốc.
Sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện trở lại, Việt Nam nhanh chóng sơ tán hàng chục ngàn khách du lịch ra khỏi Đà Nẵng, phong toả thành phố, dừng mọi hoạt động vận chuyển trong thành phố cũng như ra vào thành phố.
Các tỉnh thành nhiều người từ Đà Nẵng trở về như Hà Nội, TPHCM, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế… cũng kêu gọi người dân đi xét nghiệm và tự thực hiện cách ly để tránh lây nhiễm ra cộng đồng.
Tình trạng Covid-19 quay trở lại cũng đang gây ra quan ngại về khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Trước mắt, thành phố Đà Nẵng với trung bình khoảng 25.000 du khách mỗi ngày sẽ phải dừng mọi hoạt động dịch vụ trong 2 tuần lễ, khiến nền kinh tế của thành phố với mức sụt giảm hiện tại 3,61% so với cùng kỳ năm ngoái càng thêm bấp bênh.
Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút 9 triệu du khách cho năm 2020, trong đó có 3 triệu du khách nước ngoài, nhưng mục tiêu này đang đứng trước nhiều khả năng bị phá sản vì đại dịch Covid-19.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin trước mắt sẽ tiến hành xét nghiệm khoảng 10.000 người là nhân viên y tế, bệnh nhân các bệnh viện được phát hiện có ca lây nhiễm, người dân ở khu vực nguy cơ và người nước ngoài.
Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh nhu cầu đặc biệt lưu ý đến tình trạng “người nước ngoài nhập cảnh trái phép vào Việt Nam“.
Ông Nhân được dẫn lời nói trong phiên họp ngày 28/7 rằng “đây là mối nguy cơ cao, từ đó yêu cầu mỗi người dân, mỗi gia đình phải chủ động phát hiện và thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương để tránh lây lan dịch bệnh ra cộng đồng“.
“Xác định rõ nguy cơ, nguồn bệnh là từ đâu thì từ đó mới có các giải pháp hiệu quả,” ông Nhân nói thêm.
Trong khi đó chính quyền Thành phố Hà Nội yêu cầu thực hiện rà soát “những trường hợp đi Đà Nẵng và trở về Hà Nội từ ngày 8/7/2020“.
Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Đức Chung được dẫn lời xác định Hà Nội là nơi có nguy cơ lây nhiễm cao và do đó cần ngay lập tức thực hiện rà soát những trường hợp có nguy cơ lây nhiễm từ “ổ dịch Đà Nẵng“.
“Kết quả rà soát ban đầu của các quận, huyện cho thấy khoảng 15.000 đến 20.000 người từ Đà Nẵng trở về thủ đô,” Chủ tịch Chung nói. “Mọi người tự giác chấp hành, vì chính quyền có đi rà soát cũng không thể hết,”.
Thu Thủy – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> “Viêm phổi Vũ Hán” chính thức lan ra trong cộng đồng ở Việt Nam
>>> Báo động nguy cơ mất chủ quyền – người Trung Quốc tràn vào Việt Nam