Đức đã đình chỉ Hiệp định Dẫn độ với Hồng Kông. Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin cáo buộc Đức phá luật. Chủ tịch Ủy ban Nhân quyền của Quốc hội Đức cho rằng đường lối của Chính phủ Đức chưa đủ cứng rắn và kêu gọi Đức và EU có biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các quan chức của đảng cộng sản Trung Quốc.
Tối thứ Sáu hôm qua 31/7 Ngoại trưởng Maas đã thông báo đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông. Đức đã nhiều lần nêu rõ kỳ vọng “rằng Trung Quốc sẽ tuân thủ các cam kết theo công pháp quốc tế“, ông nói. Ngoại trưởng Đức nhấn mạnh rằng, nó bao gồm quyền bầu cử tự do và công bằng mà người dân Hồng Kông được hưởng.
Ngay sau đó cùng ngày 31/7, Đại sứ quán Trung Quốc tại Berlin lập tức ra một tuyên bố đăng trên trang web của mình. Tuyên bố mở đầu như sau:
“Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức bày tỏ sự phẫn nộ và phản đối mạnh mẽ trước những tuyên bố sai lầm của Ngoại trưởng Đức Heiko Maas về các vấn đề Hồng Kông vào ngày 31 tháng 7“.
Phần lớn Tuyên bố dành cho việc giải thích lý do tại sao hoãn cuộc bầu cử vào Hội đồng Lập pháp Hồng Kông và loại bỏ 12 ứng cử viên đối lập dân chủ của cuộc bầu cử. Cuối Tuyên bố là những lời cáo buộc, lên án Đức, nhưng đặc biệt khác thường là không có lời đe dọa sẽ trả đũa nước Đức, mà chỉ ẩn ý nhẹ nhàng qua dòng chữ “bảo lưu quyền tiếp tục có phản ứng“:
“Các vấn đề Hồng Kông là các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Những tuyên bố sai lầm của phía Đức về Hồng Kông và đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông thể hiện một sự vi phạm nghiêm trọng công pháp quốc tế và các tiêu chuẩn cơ bản của quan hệ quốc tế, cũng như can thiệp thô bạo vào các vấn đề nội bộ của Trung Quốc. Chúng tôi cực lực phản đối và bảo lưu quyền tiếp tục có phản ứng”.
Như vậy, phản ứng của Đại sứ quán Trung Quốc tại Đức là “rất hiền“, không hung hăng, hiếu chiến theo đường lối “ngoại giao chiến lang” thường thấy gần đây.
Ngoài ra, Đặc khu trưởng Hồng Kông, bà Carrie Lam, cũng chỉ trích Đức: Đây là một sự can thiệp vào nội bộ nước khác.
Đức là nước đầu tiên trong Liên minh châu Âu (EU) đình chỉ hiệp định dẫn độ với Hồng Kông. Tuy nhiên, theo ý kiến của Chủ tịch ủy ban nhân quyền của Quốc hội Đức, bà Gyde Jensen (thuộc đảng FDP), đó là một “bước đáng lẽ phải làm từ lâu“. Nhưng bây giờ Ngoại trưởng Heiko Maas (thuộc đảng SPD) không nên dừng ở đó, nữ chính trị gia đảng FDP phát biểu. “Phải có các biện pháp tiếp theo để tăng thêm áp lực đối với Bắc Kinh.”
Hồi đầu tuần ngày 28/7, các nước EU cũng đồng ý với nhau về một gói các biện pháp đối với Hồng Kông. Tuy nhiên, các gói biện pháp này của EU không có tính chất bắt buộc mà tùy thuộc vào mỗi quốc gia thành viên EU sẽ quyết định làm gì với nó.
Riêng nước Đức đã bắt đầu tiến hành thực hiện gói biện pháp của EU. Đức đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu đối với một số sản phẩm vũ trang (vũ khí, trang bị v.v.) có thể được sử dụng để giám sát theo dõi người dân hoặc có thể được sử dụng bởi quân đội hoặc cảnh sát để chống lại quần chúng trong các cuộc biểu tình.
Ngoài ra, những bước đầu tiên cũng đã được thực hiện để mở rộng việc cấp học bổng du học Đức cho các nhà nghiên cứu hoặc sinh viên Hồng Kông. Việc cấp visa cho người Hồng Kông cũng được nới lỏng, dễ dàng hơn.
Bà Jansen, Chủ tịch ủy ban nhân quyền của Quốc hội Đức, kêu gọi chính phủ Đức và EU nổ lực cho phong trào dân chủ Hồng Kông. “Áp lực đối với Trung Quốc phải được tăng lên đáng kể nếu muốn tình hình thay đổi gì đó“, bà nói.
Bà Jansen kêu gọi chính phủ Đức hãy sử dụng tư thế Chủ tịch Hội đồng EU của Đức trong nửa cuối năm 2020 để đề xuất trên bình diện EU xem xét các biện pháp trừng phạt cá nhân đối với các quan chức của đảng cộng sản Trung Quốc.
Mặt khác, Ngoại trưởng Maas phải hủy bỏ hoàn toàn hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc dự trù tổ chức ở Đức mà hiện đang bị hoãn lại vì dịch bệnh Covid-19. “Đừng tiếp tục cung cấp cho Bắc Kinh một diễn đàn ở đây“, bà Jansen nhấn mạnh.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)