“Dằn mặt” Mỹ – TQ điều chiến đấu cơ tới Hoàng Sa

https://youtu.be/fhpDN93WyJw
Link Video: https://youtu.be/fhpDN93WyJw

Xuất hiện bằng chứng cho thấy Trung Quốc đã triển khai các máy bay chiến đấu tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp trên Biển Đông, theo Forces.

Hình ảnh vệ tinh từ ngày 17/7 cho thấy ít nhất tám máy bay chiến đấu đã xuất hiện ở đây. Động thái này diễn ra hai ngày sau khi Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo tuyên bố rằng các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là ‘hoàn toàn bất hợp pháp’.

Động thái này cũng nhằm đáp trả cuộc tập trận hải quân do Hoa Kỳ khởi xướng trên Biển Đông và căng thẳng gia tăng trên toàn khu vực nói chung, theo Forbes.

Các máy bay được cho là loại J-11B do Trung Quốc sản xuất, biến thể của máy bay chiến đấu Flanker nổi tiếng của Nga – ban đầu được biết đến với tên gọi Sukhoi Su-27 Flanker.

Dòng máy bay này tương đương với F-15 Eagle được sử dụng bởi Không quân Hoa Kỳ.

Những chiếc máy bay chiến đấu của Trung Quốc đang ở trên đường băng tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Mặc dù thực tế bị Trung Quốc chiếm đóng, nhưng đảo này cũng được Đài Loan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền, và là một trong nhiều hòn đảo đang bị tranh chấp trong khu vực này.

Trung Quốc đã tăng cường xây dựng trên Biển Đông trong những năm gần đây và đã triển khai máy bay chiến đấu và máy bay ném bom tới khu vực này trước đó.

Trong một diễn biến khác, máy bay do thám E-8C của Mỹ đã xuất hiện gần bờ biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 17/7, theo thông tin trên Twitter từ Sáng kiến ​​điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), một nhóm nghiên cứu ở Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc).

Trước đó, hình ảnh vệ tinh thương mại từ ngày 17/4 đến ngày 25/6 cho thấy Trung Quốc đưa máy móc hạng nặng tới bờ biển phía tây bắc đảo Phú Lâm để nạo vét, bồi đắp, theo Benarnews.

Chiến dịch bồi đắp đảo nhân tạo của Trung Quốc đã được thực hiện rộng khắp từ năm 2014 đến năm 2016 ở Biển Đông, phá hủy môi trường tự nhiên và quân sự hóa các bãi đá và rạn san hô nơi nước này chiếm đóng.

Bốn căn cứ lớn nhất mà Trung Quốc duy trì ở Biển Đông – Đá Subi, Đá Chữ Thập, Đá Vành Khăn, và Đảo Phú Lâm – hầu như không thể nhận ra kể từ khi việc bồi đắp kết thúc vào năm 2017, tạo ra các bến cảng nước sâu, đường băng, và nơi sinh hoạt. Nhưng việc nạo vét quy mô nhỏ vẫn tiếp tục, như hình ảnh vệ tinh mới nhất này cho thấy.

Việc nạo vét mới trên đảo Phú Lâm được Trung Quốc thực hiện vào thời điểm nhạy cảm, theo Benarnews.

Hồi tháng Năm, Indonesia đã cùng với Việt Nam, Philippines và Malaysia tố cáo Trung Quốc về việc khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông trong một loạt các công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc.

Indonesia viện dẫn phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực, bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc đối với vùng biển tranh chấp, khẳng định không một ‘hòn đảo’ nào của Trung Quốc có thể tạo ra các vùng đặc quyền kinh tế và chúng chỉ là các bãi đá.

Gần đây, Trung Quốc đã cố gắng đe dọa Việt Nam về việc hợp tác khai thác dầu trên Biển Đông với một đối tác quốc tế bằng cách đưa một tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam vào ngày 17/6.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Hoa Kỳ hôm thứ Sáu 17/7/2020 nối lại các cuộc tập trận chung hiếm thấy ở Biển Đông, lần thứ hai trong tháng Bảy các siêu chiến hạm Mỹ phối hợp diễn tập trong vùng biển tranh chấp.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là fgdg-1024x604.jpg
Nhóm hai tàu sân bay USS Ronald Reagan và USS Nimitz ở Biển Đông.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagen và USS Nimitz với tổng cộng hơn 12.000 nhân viên quân sự cùng các tuần dương hạm và tàu khu trục hộ tống đã khởi sự hoạt động ở Biển Đông từ hôm nay, 17/7, Hạm đội Thái Bình Dương của Hoa Kỳ cho biết trong một thông báo.

Hai nhóm tác chiến tàu sân bay, cùng hơn 120 máy bay được triển khai, đang tiến hành các cuộc tập trận không quân chiến thuật “nhằm duy trì khả năng sẵn sàng ứng chiến và nhuần nhuyễn trong chiến đấu“, thông báo của Hải quân Hoa Kỳ cho biết.

Văn phòng Quan hệ Công chúng của Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ hôm 16/7 nói hoạt động của hai nhóm tàu sân bay USS Nimitz và USS Reagan là để “sát cánh với với các đồng minh và đối tác trong khu vực có cùng chí hướng”, và các hoạt động này trực tiếp hỗ trợ quyết tâm của Hoa Kỳ thực thi tự do hàng hải, cho máy bay và tàu thuyền hoạt động ở bất kỳ nơi nào mà luật pháp quốc tế cho phép”, Chỉ huy Hạm đội 7, Phó Đô đốc Bill Merz nói.

An ninh và ổn định là thiết yếu cho hòa bình và thịnh vượng của mọi quốc gia, đó là lý do tại sao Hải quân Hoa Kỳ có mặt và luôn trong tư thế sẵn sàng ở Thái Bình Dương”.

Chuẩn đô đốc James Kirk, Tư lệnh Nhóm tác chiến Tàu sân bay Nimitz, cũng nhấn mạnh Hoa Kỳ sẽ hoạt động ở bất cứ nơi mà luật pháp quốc tế cho phép “nhằm thực hiện cam kết đối với một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở, và một trật tự thế giới dựa trên các quy tắc.”

Chuẩn đô đốc Jim Kirk nói sự hiện diện của hai tàu sân bay Mỹ trên Biển Đông không phải để phản ứng trước bất cứ sự kiện đặc biệt nào mà chỉ là hoạt động thường lệ nhằm nâng cao khả năng hiệp đồng tác chiến.

Ông nói: “An ninh và ổn định là thiết yếu cho hòa bình và thịnh vượng của mọi quốc gia, đó là lý do tại sao Hải quân Hoa Kỳ có mặt và luôn trong tư thế sẵn sàng ở Thái Bình Dương”.

Ảnh: máy bay do thám E-8C của Mỹ đã xuất hiện gần bờ biển tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc hôm 17/7, theo thông tin trên Twitter từ Sáng kiến ​​điều tra tình hình chiến lược Biển Đông (SCSPI), một nhóm nghiên cứu ở Đại học Bắc Kinh

Washington tuần này lần đầu tiên mô tả các yêu sách hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông là ‘bất hợp pháp’.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói:”Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh coi Biển Đông là đế chế hàng hải của mình. Hoa Kỳ sát cánh với các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á trong nỗ lực bảo vệ quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên ở ngoài khơi, phù hợp với các quyền và nghĩa vụ của họ theo luật pháp quốc tế”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nói những cáo buộc của Mỹ là “hoàn toàn phi lý“.

Một tuyên bố của tòa đại sứ Trung Quốc nói “Mỹ bóp méo sự thật và luật pháp quốc tế … phóng đại tình hình trong khu vực và âm mưu gây bất hòa giữa Trung Quốc với các nước ven bờ khác”.

Những tuyên bố về chính sách của Washington vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết của Mỹ về duy trì thượng tôn pháp luật ở Biển Đông, và Washington sát cánh với Hà Nội để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam nhất quán với luật pháp quốc tế, cũng như để bác bỏ tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh” tại Biển Đông.

Đó là quan điểm của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Kritenbrink thể hiện trong một bài viết đăng trên báo Thanh Niên hôm 20/7.

Đại diện ngoại giao của Mỹ tại Hà Nội nhắc lại sự kiện vào tháng 7/2016, một tòa trọng tài quốc tế ra phán quyết rằng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982, không có cơ sở pháp lý cho bất cứ quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán nào của Trung Quốc trong khu vực được gọi là “đường lưỡi bò” mà Bắc Kinh vẽ ra trên bản đồ về Biển Đông, ngoài những điều được quy định tại UNCLOS.

Nhưng trong 4 năm qua, Trung Quốc phớt lờ phán quyết, đẩy mạnh chiến dịch hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam cũng như các nước ven biển khác ở Đông Nam Á, đại sứ Mỹ viết.

Hoa Kỳ ngày càng quan ngại khi Bắc Kinh lợi dụng việc thế giới tập trung đối phó đại dịch Covid-19 để đẩy các yêu sách của họ ở vùng biển đi xa hơn, thay thế luật pháp quốc tế bằng tư duy “chân lý thuộc về kẻ mạnh”, người đứng đầu phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam bày tỏ.

Trước những hành động của Trung Quốc nhằm bác bỏ luật pháp quốc tế và dần xóa bỏ quyền chủ quyền và lợi ích của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 13/7 tuyên bố thay đổi chính sách của Washington đối với các yêu sách hàng hải, đại sứ Kritenbrink viết.

Mỹ phản đối bất cứ yêu sách nào của Trung Quốc đối với vùng biển ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo nước này đưa ra yêu sách ở quần đảo Trường Sa hoặc từ bãi cạn Scarborough”, nhà ngoại giao Mỹ nêu rõ.

Điều này bao gồm cả sự bác bỏ rõ ràng yêu sách của Trung Quốc đối với bãi Tư Chính, nơi Bắc Kinh đã tiến hành “một chiến dịch cưỡng bức và quấy rối hoạt động dầu khí lâu nay của Việt Nam”, vẫn lời của Đại sứ Kritenbrink. Ông viết tiếp rằng Ngoại trưởng Pompeo và Mỹ coi sự bắt nạt này “không chỉ mang tính khiêu khích và gây bất ổn, mà còn là bất hợp pháp”.

Nhận xét về các quan điểm của Mỹ do các nhà ngoại giao hàng đầu nước này đưa ra gần đây, tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ Việt Nam, nói với VOA:

Tuyên bố của ngài Ngoại trưởng Mike Pompeo và ngài Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội là lập trường có thể nói là rất rõ ràng, rất cương quyết, rất mạnh mẽ so với trước đây. Những nội dung đấy hoàn toàn phù hợp với những quan điểm của Việt Nam và các nước trong khu vực ASEAN. Một lần nữa, chứ không phải là lần đầu tiên, phía Hoa Kỳ lại ủng hộ, đứng về các nước trong khu vực ASEAN trong đó có Việt Nam để mà đấu tranh chống lại các hành động sai trái để mà nhằm thượng tôn pháp luật”.

So sánh cách hành xử của hai cường quốc hàng đầu thế giới đối với UNCLOS, Đại sứ Kritenbrink nhấn mạnh trên tờ Thanh Niên hôm 20/7 rằng mặc dù Mỹ không phải thành viên của công ước này, nhưng mọi chính quyền Mỹ trước giờ đều “công nhận và tuân thủ” những điều khoản của công ước.

Trong khi đó, ngược lại, Trung Quốc đã ký và phê chuẩn UNCLOS, nhưng “ngang nhiên phớt lờ” các nghĩa vụ hiệp ước của mình được quy định tại công ước, nhà ngoại giao Mỹ viết.

Hình ảnh này chưa có thuộc tính alt; tên tệp của nó là NQH_9596-1-1024x737.jpg
Ảnh: Đại sứ Hoa Kỳ Daniel Kritenbrink trong một lần gặp Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, 2019

Những tuyên bố về chính sách của Mỹ vừa qua thể hiện rõ hơn cam kết duy trì thượng tôn pháp luật của chúng tôi ở Biển Đông qua việc ủng hộ luật pháp quốc tế được phản ánh trong UNCLOS.

Đây là cam kết Mỹ chia sẻ với Việt Nam, một trong những thành viên chủ động nhất của UNCLOS”, lãnh đạo phái bộ ngoại giao Mỹ ở Việt Nam khẳng định.

Đề cập đến quan hệ ngoại giao song phương kéo dài 25 năm mà hai nước vừa kỷ niệm, và quan hệ Đối tác toàn diện có từ tháng 7/2013, Đại sứ Kritenbrink chỉ ra rằng những tuyên bố của Mỹ cũng là “minh chứng cho sức mạnh” của mối quan hệ này, đồng thời bình luận thêm:

Lập trường của Mỹ về Biển Đông cho thấy Mỹ sát cánh với Việt Nam để bảo vệ quyền chủ quyền và lợi ích của các bạn nhất quán với luật pháp quốc tế – bao gồm cả quyền đối với các nguồn dầu khí ngoài khơi, và quyền đánh bắt cá, là những điều sống còn cho sự thịnh vượng kinh tế của các quốc gia Đông Nam Á”.

Đại sứ Mỹ Kritenbrink cũng khẳng định: “Mỹ sát cánh với Việt Nam để bác bỏ sự áp đặt tư duy ‘chân lý thuộc về kẻ mạnh’ tại Biển Đông”.

Tiến sĩ Trần Công Trục, người có hơn 30 năm gắn bó với công tác biên giới, lãnh thổ của Việt Nam, nhận định rằng tuy các tuyên bố của Mỹ có lợi cho Việt Nam và một số nước ASEAN song vẫn nhắm đến phục vụ lợi ích của Mỹ là trên hết.

Trong lúc nhiều người ở Việt Nam bày tỏ trên mạng xã hội sự phấn khích về các tuyên bố của Mỹ, cũng như mong muốn Việt Nam tiến xa hơn trong quan hệ với Mỹ, chuyên gia Trần Công Trục cho rằng vẫn còn quá sớm để nghĩ đến việc Mỹ liên minh với Việt Nam. Ông nói với VOA:

Tôi không cho rằng Mỹ phát biểu như vậy và có những lời mạnh mẽ như vậy là để nhằm mục đích lôi kéo Việt Nam, không có nghĩa là làm như vậy để lôi kéo Việt Nam chống Trung Quốc. Bởi vì họ thừa biết là Việt Nam không bao giờ có chủ trương đứng về nước này để chống nước khác. Không liên minh liên kết, nhất là trong thời gian hiện tại. Còn sau này tình hình như thế nào là chuyện khác”.

Chuyên gia về biên giới, lãnh thổ của Việt Nam nói đất nước này lâu nay cố gắng đạt được sự cân bằng trong quan hệ với các nước lớn để tránh xung đột, chiến tranh, và ông cho rằng cách tiếp cận này “đạt được hiệu quả nhất định” trong cuộc đấu tranh cho lợi ích của Việt Nam ở Biển Đông.

Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)

>>> Đưa Trung Quốc 100.000 USD – Việt Nam hy vọng điều gì?

>>> Mỹ chuẩn bị ra đòn trừng phạt các công ty nhà nước Trung Quốc

>>> Kẹp Tỷ dân, Trung Quốc toàn trị – Đè thế giới, Bắc Kinh bá quyền

https://www.youtube.com/watch?v=Nq7I-LZ7adU
Mỹ chuẩn bị „ra đòn“ nhằm vào các công ty nhà nước TQ