Kiều hối luôn là có một vai trò quan trọng đối với nền kinh tế Việt Nam. Đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến nguồn tiền này khiến giới chức cộng sản không khỏi hoang mang những tháng gần đây.
Lượng kiều hối gửi về Việt Nam năm ngoái lên tới gần 17 tỷ đôla, chiếm 6,5% GDP, trong đó, TP. Hồ Chí Minh chiếm khoảng 5,3 tỉ USD, nhưng năm nay, số tiền người Việt ở hải ngoại chuyển về nước đã giảm đáng kể và nhiều khả năng sẽ giảm mạnh vì virus corona.
Thống kê mới nhất của Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho thấy, tính đến đầu tháng 6/2020, lượng kiều hối về TP. Hồ Chí Minh đạt 2,3 tỷ USD, giảm 1,9% so với cùng kỳ. Trong 4 tháng đầu năm 2020, lượng kiều hối chuyển về TP. Hồ Chí Minh chỉ ở mức 1,8 tỷ USD, giảm 2% so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng trong tháng 3, lượng kiều hối chuyển về giảm 8% do dịch bệnh.
Đây là lần đầu tiên kiều hối giảm theo tháng trong nhiều năm qua. Dù quý I/2020 mức sụt giảm của lượng kiều hối chưa mạnh vì dịch COVID-19 bắt đầu ảnh hưởng mạnh từ thời điểm đầu quý II nhưng dự báo lượng kiều hối có thể tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Một số công ty kiều hối xác nhận lượng ngoại tệ từ nước ngoài chuyển về qua kênh này bắt đầu giảm từ tháng 4. Đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết lượng kiều hối chuyển qua hệ thống Sacombank trong tháng 4 giảm 20% so với tháng trước. Đại diện Sacombank cho hay: “Kiều hối bắt đầu giảm nhưng ở từng thị trường có mức giảm khác nhau phụ thuộc vào việc kiểm soát dịch COVID-19 và tiến độ nới lỏng giãn cách xã hội để kinh tế hồi phục của từng quốc gia…”
Trả lời phỏng vấn VOA, , bà Quý Nguyễn, chủ một cơ sở làm dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam tại thủ đô Washington DC cho biết biết việc kinh doanh của bà bị “ảnh hưởng” kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Mỹ, nơi có số người gốc Việt sinh sống nhiều nhất bên ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Bà Quý nói: “Bình thường, nếu mà khách đi làm thì người ta sẽ có tiền gửi về cho người thân ở Việt Nam. Nhưng mà tại vì bây giờ, dịch bệnh đóng cửa, người ta đâu có đi làm đâu và người ta phải lo chi phí bên này nữa, cho nên số tiền gửi về giúp gia đình ở bên Việt Nam nó bị giảm… Một số người có được tiền thất nghiệp, còn một số người không có được tiền thất nghiệp. Một số người ta có tiền thất nghiệp, người ta cũng phải trang trải cuộc sống ở bên đây. Số ít dư người ta mới gửi về cho Việt Nam. Thí dụ như, một tháng, một người có thể giúp cho gia đình 500 [đôla], thì bây giờ có thể là 200, 150 [đôla]”
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh – Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính nhận định trong năm 2020, lượng kiều hối giảm rõ rệt.
Lý do là dịch COVID-19 bùng phát ở nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là ở các quốc gia có nhiều người Việt sinh sống và làm việc như Nga, Mỹ, Pháp… Khi bị giãn cách xã hội, kiều bào cũng lo lắng đến sức khỏe và thu nhập giảm nên đã giảm chuyển kiều hối về cho người thân.
Không chỉ vậy, dịch bệnh COVID-19 bùng phát và lan rộng tại nhiều quốc gia trên thế giới cũng ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu lao động của Việt Nam. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội mới đây cũng ra công điện về việc tăng cường thực hiện các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch trong đợt cao điểm, trong đó yêu cầu Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đạo các doanh nghiệp tạm dừng tổ chức xuất cảnh cho người lao động đến hết ngày 30/4. Vì vậy, “người không đi, tiền không về” cũng là một trong những nguyên nhân khiến lượng kiều hối sụt giảm.
Trong những năm gần đây, lượng kiều hối về nước ta tăng mạnh. Năm 2019, Việt Nam đứng thứ 9 trong số các quốc gia nhận được nhiều kiều hối nhất trên thế giới và là nước nhận kiều hối lớn thứ ba ở Đông Á và Thái Bình Dương.
Kiều hối được truyền thông trong nước coi là “nguồn tiền huyết mạch” của nhiều hộ gia đình ở Việt Nam.
Ngân hàng Thế giới (World Bank) mới đưa ra dự báo rằng năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu “sẽ giảm mạnh khoảng 20%”, do khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ đại dịch COVID-19, khiến nhiều hoạt động bị đình trệ.
Tổ chức tài chính quốc tế này nói thêm rằng đây là “mức giảm mạnh nhất trong nhiều năm trở lại đây, phần lớn là do giảm thu nhập và việc làm ở nhóm lao động di cư“, vốn “dễ bị mất việc làm và thu nhập do khủng hoảng kinh tế ở các nước sở tại”.
Theo dự báo, dòng kiều hối “chảy” về các quốc gia thu nhập thấp và trung bình được dự đoán sẽ giảm 19,7% xuống còn 445 tỷ đôla, “gây tổn thất đến nguồn tài chính mang ý nghĩa sống còn đối với nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn”.
Ngân hàng Thế giới cho biết rằng tính riêng Đông Á và Thái Bình Dương, dòng kiều hối “chảy” vào năm 2020 sẽ giảm khoảng 13%. Tổ chức này cho rằng đây là “hậu quả của sự sụt giảm dòng tiền từ Hoa Kỳ, nguồn kiều hối lớn nhất của khu vực này”.
Theo các nghiên cứu, kiều hối đóng vai trò trong việc hỗ trợ giảm nghèo ở các nước thu nhập thấp và trung bình, cải thiện dinh dưỡng, nâng cao chi tiêu cho giáo dục và hạn chế lao động trẻ em đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
World Bank cho rằng kiều hối giảm “sẽ khiến các hộ gia đình khó chi trả cho những khoản mục này vì tài chính sẽ được ưu tiên cho lương thực và các nhu cầu thiết yếu khác”.
Tại Việt Nam, trước đây, kiều hối gửi về nước cho người thân chi tiêu, từ đó kích cầu tiêu dùng, sản xuất cũng tăng lên. Thời gian gần đây, lượng kiều hối gửi về còn để đầu tư vào sản xuất – kinh doanh hay chuyển sang đồng Việt Nam gửi tiết kiệm. Nguồn vốn này tăng liên tục những năm qua cũng đã góp phần giúp Việt Nam tăng nguồn cung ngoại tệ và ổn định tỉ giá. Bởi vậy lượng kiều hối giảm sẽ ảnh hưởng nhất định đến đầu tư tư nhân, sản xuất giảm sút, chi tiêu trong xã hội cũng ảnh hưởng; nhìn chung là tác động đến không nhỏ đến nền kinh tế.
Tổ chức tài chính quốc tế lớn nhất ước tính rằng năm 2021, lượng kiều hối “chảy” vào các quốc gia thu nhập thấp và trung bình như Việt Nam “sẽ hồi phục và tăng 5,6% lên 470 tỷ đôla”.
Dự báo tại khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, lượng kiều hối sẽ hồi phục và tăng 7,5%. Thế nhưng theo WB, triển vọng này vẫn còn chưa chắc chắn, phụ thuộc vào tác động của dịch COVID-19 đối với triển vọng tăng trưởng toàn cầu và các biện pháp kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh. Bởi, trước đây dòng chảy kiều hối thường có xu hướng ngược chu kỳ, có nghĩa là trong những thời điểm khủng hoảng và khó khăn, người lao động có xu hướng gửi tiền về nhà nhiều hơn.
Đặc biệt, đại dịch lần này gây ảnh hưởng đến tất cả các quốc gia, làm gia tăng bất định. Bởi vậy việc phục hồi lượng kiều hối còn phụ thuộc lớn vào việc phòng chống, kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 của các quốc gia trên thế giới. Sau khi dịch kết thúc thì kinh tế các nước vẫn bị ảnh hưởng nặng nề. Do đó, thời gian tới, nếu Mỹ và một số quốc gia kiềm chế được dịch thì việc làm ăn, thu nhập của người dân cũng cần ít nhất 1- 2 năm, tùy theo mức độ khủng hoảng sâu hay nông của các nền kinh tế mới có thể phục hồi.
Trong một diễn biến khác, báo cáo hàng năm mới nhất của Mỹ về minh bạch tài chính toàn cầu nhận định rằng Việt Nam không có tiến bộ trong việc công khai các nguồn thu của chính phủ hay các thông tin về khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đưa ra hôm 15/6 cho thấy Việt Nam không nằm trong số 76 trên 141 quốc gia được đánh giá đáp ứng các tiêu chuẩn tối thiểu về minh bạch tài chính.
Theo tiêu chí toàn cầu của Bộ Ngoại giao Mỹ, những nước đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu về minh bạch tài chính là khi chính phủ của họ đưa ra công chúng các tài liệu ngân sách trong một thời gian hợp lý. Những tài liệu này phải hoàn chỉnh và đáng tin cậy.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết dù Chính phủ Việt Nam trong thời gian qua cho phép công chúng truy cập đề xuất ngân sách điều hành và ngân sách được thực hiện nhưng Chính phủ Việt Nam đã không công bố báo cáo cuối năm trong một khoảng thời gian hợp lý. Thông tin về số nợ của các doanh nhiệp nhà nước không được công khai.
Theo đó, dù Chính phủ Việt Nam công khai các tài liệu về các khoản chi tiêu và nguồn thu theo kế hoạch nhưng họ vẫn không minh bạch hoá các tài khoản ngoài ngân sách.
Thêm nữa, dù Chính phủ Việt Nam dường như tuân theo các điều luật và quy định về trao hợp đồng hoặc giấy phép khai thác tài nguyên thiên nhiên theo quy định nhưng các thông tin cơ bản về việc cho phép khai thác tài nguyên thiên nhiên ở Việt Nam không phải lúc nào cũng có sẵn công khai.
Minh bạch tài chính, theo Bộ Ngoại giao Mỹ, là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc quản lý tài chính công một cách hiệu quả, giúp xây dựng niềm tin thị trường tư nhân và củng cố sự bền vững về kinh tế.
Bộ Ngoại giao Mỹ nói trong báo cáo mới nhất rằng minh bạch tài chính cho công dân biết thu nhập và thu nhập từ thuế của chính phủ được sử dụng như thế nào và do đó nó cung cấp một cửa sổ cho người dân nhìn vào ngân sách của chính phủ cũng như giúp các chính phủ chịu trách nhiệm về việc quản lý của họ.
Theo Ngân hàng Thế giới, minh bạch tài chính đặc biệt có một tác động quan trọng ở Việt Nam khi ngành kinh tế công đóng một vai trò tương đối lớn trong nền kinh tế của đất nước. Ngân hàng này đánh giá rằng Việt Nam có những tiến bộ đáng kể so với thập niên 1990 trong việc minh bạch tài chính.
Bộ Ngoại giao Mỹ tiến hành đánh giá hàng năm về sự minh bạch tài chính của các chính phủ trên thế giới hiện đang nhận sự trợ giúp tài chính của Hoa Kỳ nhằm giúp đảm bảo rằng các quỹ từ tiền thuế của người dân Mỹ được sử dụng hợp lý và cũng để cung cấp những cơ hội đối thoại với các chính phủ về sự quan trọng của minh bạch tài chính.
Hồi tháng 5, Mỹ công bố viện trợ cho Việt Nam 9,5 triệu USD để chống dịch COVID-19 và một tháng trước đó, Mỹ tài trợ 42 triệu USD để giúp phát triển kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Theo đánh giá của Forbes đưa ra hồi tháng 4, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong hơn một thập niên qua, với kim ngạch thương mại song phương tăng trưởng liên tục ở mức hơn 20% trong ba năm gần đây. Riêng quý I năm nay, Mỹ là đối tác thương mại lớn của Việt Nam với tổng kim ngạch 19,5 tỉ USD, tăng gần 20% trong đó Việt Nam xuất sang Hoa Kỳ gần 16 tỉ USD, theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)
>>> Dịch kéo dài – kinh tế Việt Nam nguy ngập