Chính quyền Hà Nội đề nghị truy tố 29 người ở Đồng Tâm với tội “giết người” và “chống người thi hành công vụ”.
Tác giả Bình Minh có bài bình luận với tựa đề:
“Giết người già tại phòng ngủ nhà riêng “ đúng pháp luật “ !
“Đơn tố cáo của bà Thành và nhiều nhà báo, luật sư, nhân sỹ trí thức … yêu cầu các cơ quan nhà nước điều tra thủ phạm giết cụ Kình được trả lời là “ không có căn cứ “ .
Thì đây rồi, báo Dân trí đã trả lời: kẻ giết Cụ Kình là công an Hà nội, giết xong chúng còn trả lời rằng “ đúng pháp luật “ !
Vậy là không còn phải tố cáo, không cần điều tra nữa, các cơ quan trung ương nhà nước Việt Nam cứ căn cứ vào đó để triệu kẻ giết người ra cho chunag chứng minh chứng giết người “ đúng pháp luật “ là theo luật nào ?
Quốc hội Việt nam cần cử ra ban tư pháp điều tra việc công an Hà nội sử dụng luật pháp xứ nào khi đêm mang cả ngàn quân trang bị vũ khi quân dụng, tấn công vào nhà dân giữ xóm làng, giết người già mà là đảng viên Cộng sản 58 tuổi đảng ?
Toà án nào đã kết tội đảng viên này chưa, cơ quan kiểm sát nào phê chẩn lệnh cho công an tấn công vào nhà dân rồi giết người bừa bãi như vậy ?
Nếu Quốc hội Việt nam, cơ quan quyền lực cao nhất nhà nước Việt Nam, cơ quan xây dựng ra những bộ luật mà không điều tra rõ, làm rõ vai trò trách nhiệm của cơ quan tư pháp, hành pháp trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng tại Đồng Tâm ngày 9/1/2020 thì có thể một ngày nào đó, nhân danh pháp luật, một băng cướp mặc áo công an có thể vác súng vào bất kỳ nhà đại biểu Quốc hội nào hay thậm chí cả nhà chủ tịch Quốc hội rồi bắn bừa, cướp tài sản … xong đăng báo là đã giết người “đúng pháp luật”!” ông Bình Minh kết luận.
Nhà hoạt động Thảo Teresa từ Hà nội viết trên Facebook của cô rằng:
“Không cần toà án, đang đêm xộc vào tận nhà bắn chết dân. Một phát vào tim, hai phát vào vào đầu, một phát vỡ toang đầu gối, tiếp sau là mổ phanh thây. Cộng sản đã xử như thế với 1 cụ già 84 tuổi “LÀ ĐÚNG PHÁP LUẬT“.
“Luật pháp nào của loài người cho phép mang súng vào tận nhà dân bắn chết dân mà không cần một bản án của Toà án?” Ls Hà Huy Sơn đặt câu hỏi.
Một số bình luận ở Hà Nội bày tỏ không đồng tình sau khi công an Cơ quan điều tra thuộc Công an Thành phố Hà Nội vừa ban hành kết luận điều tra vụ việc ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội (09/1/2020) sau hơn 5 tháng xảy ra sự việc và đề nghị truy tố 29 người.
Theo Thông tấn xã Việt Nam, công an Hà Nội kết luận “các bị can nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt, là nguyên nhân trực tiếp làm 3 chiến sỹ công an hy sinh“.
“Đây là hành vi man rợ, có tính côn đồ, nhằm mục đích giết chết nhiều người, cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật,” bản tin Thông tấn xã nói.
Ngay lập tức, một số nhà hoạt động từ Việt Nam và thành viên giới luật gia đã lên tiếng phản đối.
Từ Hà Nội, nhà văn Nguyễn Nguyên Bình (cựu Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam) nói bà đã dự đoán đúng về động thái của công an và chính quyền Hà Nội:
“Tôi mới đọc qua tin trên báo Thanh Niên, và thấy dự đoán của mình đã đúng. Số là mấy hôm trước đây, Facebooker Trịnh Bá Phương có đưa sự việc những người thuộc bên nhà nước đã đem rất nhiều đồ cúng bái về một ngôi chùa ở vùng Đồng Tâm. Họ cầu cúng mấy ngày liền. Nhiều người dân phán đoán là họ trót gây tội ác với người dân cùng cụ Kình chống tham nhũng, chống cướp đất trái pháp luật, vì vậy sợ bị quả báo nên cầu xin thần linh để khỏi bị quở phạt…
“Tôi thì đoán rằng, không hẳn là thế. Tôi nói có thể họ chuẩn bị một chiêu gì mới với bà con Đồng Tâm đây. Và chiêu này có khi còn khủng khiếp hơn những gì họ đã làm với nhân dân Đồng Tâm.
“Y như rằng, hôm nay họ đã lại tung dư luận khép tội khủng bố cho nhân dân, và tội trạng lần này họ còn gán ghép nặng nề hơn trước đây nhiều. Họ chuẩn bị dư luận để sẽ áp cho bà con những bản án rất nặng nề đây?
“Thật là kinh khủng. Không một dấu hiệu nào cho thấy họ còn chút lương tri nào khi xử lý một vụ việc như thế với Đồng Tâm!”
Từ Dương Nội, Hà Đông, Hà Nội, nhà hoạt động Trịnh Bá Phương nêu ý kiến:
“Theo tôi, thứ nhất đây không phải là bản kết luận điều tra đến từ cơ quan độc lập có sự giám sát của Quốc hội hay các tổ chức quốc tế.
“Thứ hai là việc điều tra do cơ quan cảnh sát điều tra công an Thành phố Hà Nội hoàn toàn không khách quan. Bởi vì cơ quan công an cùng cấp tham gia vào việc tấn công và giết cụ Lê Đình Kình rạng sáng hôm 9/1/2020 mà sau đó lại nắm quyền điều tra truy tố thì khó có sự minh bạch ở vụ án này.
“Các tình tiết vụ án rất có thể bị sai lệch, bên cạnh đó còn có dấu hiệu bức cung nhục hình đối với những người bị bắt, nhiều người xuất hiện trên VTV1 với nhiều dấu tích của sự tra tấn.
“Nhiều luật sư còn chưa được gặp thân chủ của mình, có một số luật sư chỉ được gặp một lần. do vậy quá trình điều tra thiếu vắng sự có mặt của các luật sư, do đó tôi nghĩ rằng các bản khai cung không đảm bảo minh bạch đúng quy định của luật tố tụng.
“Về cái chết của 3 viên cảnh sát tham gia tấn công vụ Đồng Tâm nhiều người đã phân tích chặt chẽ rằng không phải do người dân Đồng Tâm gây ra.
“Tôi nghĩ rằng với bản kết luận điều tra này số phận của 25 người trong số 29 người dân Đồng Tâm bị bắt có thể đối mặt với mức án rất nặng nề. Và tôi cho rằng để có sự công bằng đối với người dân Đồng Tâm cần nhiều hơn sự lên tiếng của công luận và đặc biệt là các tổ chức nhân quyền cũng như chính phủ các quốc gia có nền dân chủ cấp tiến.”
‘Tránh oan sai, bức xúc’
Từ Hà Nội, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, nguyên Thiếu tá An ninh thuộc ngành Công an nêu quan điểm:
“Theo tôi, trước hết cần phải nghiên cứu kỹ bản Kết luận điều tra, nghe ý kiến của các luật sư (được tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án, dự các buổi hỏi cung) thì mới có thể có những đánh giá chi tiết về diễn biến mới này.
“Vì vậy, tôi chỉ có thể nêu một số vấn đề rất quan trọng, cần phải được thể hiện trong vụ án mà rất có thể đã bị bỏ qua, không tránh khỏi việc làm sai lệch hồ sơ vụ án, oan người ngay, lọt tội phạm.
“Thứ nhất, cái chết của ông Lê Đình Kình, do đâu? Có hành động phạm tội gây nên cái chết của ông Kình không? Đơn của vợ ông Kình (đã gửi 6 lần) tố cáo về hành vi giết ông được xử lý ra sao?
“Thứ hai, cái chết của 3 sĩ quan công an, có bằng chứng về việc bị giết, ai giết,… hay chỉ hoàn toàn dựa trên lời khai (thậm chí khai khi không có mặt luật sư theo như luật định – cho tội danh có khung hình phạt đến tử hình)?
“Thứ ba, đơn tố cáo của gia đình ông Kình (gửi hai lần) về việc bị trộm cắp tài sản khi xảy ra vụ án đã được xử lý ra sao? Việc này rất liên quan vụ án, không thể lờ đi, hay tách ra thành một vụ khác.
“Giữa lúc liên tục có thêm nhiều vụ án có dấu hiệu oan sai, buộc phải xem xét lại gây chấn động dư luận, thì việc xử lý vụ án này càng phải hết sức cẩn trọng, đúng pháp luật, tránh có thêm nhiều dư luận bức xúc.” Ông Nguyễn Hữu Vinh nêu ý kiến.
Từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển, thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam (Vusta), Viện trưởng Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói với BBC:
“Bình luận thứ nhất của tôi là khi xảy ra vụ án cho đến bây giờ, có thể nói là thời gian rất dài rồi và bây giờ mới có kết luận điều tra.
“Tuy nhiên, kết luận điều tra này đang tạo nên sự băn khoăn trong dư luận bởi lẽ sau khi vụ việc xảy ra thì đã có những thông tin độc lập cho rằng ở hiện trường không có dấu hiệu việc ‘thiêu sống’ ba sỹ quan và có nhiều thông tin đã phân tích mâu thuẫn trong sự kiện gọi là ba chiến sỹ công an mà bị thiêu như thế nào tại hiện trường.
“Chính vì câu hỏi đó, do đó cho nên bây giờ căn cứ vào tội danh đó để mà khởi tố vụ án, truy tố bị can, thì đây là việc làm theo tôi về mặt hình thức họ dựa vào kết luận điều tra của họ, thế nhưng mà kết luận điều tra đó có đáng tin cậy hay không và có minh bạch để các luật sư có thể đánh giá về chứng cứ hay không?
“Thì đây còn là câu hỏi rất lớn, khi mà phiên tòa chưa mở ra, cũng khó mà có thể nói được rằng việc mà ba sỹ quan bị thiêu sống trong hoàn cảnh khi mà đang đêm, tất cả làng đang ngủ và hành vi mà người dân không có công cụ trong tay, trong khi đó hàng nghìn cảnh sát đã bao vây trong một đêm khuya như vậy mà lại cho rằng có một sự kiện thiêu sống ba chiến sỹ được trang bị đầy đủ cùng với đồng đội của mình.
“Thì riêng chuyện về lôgic hình thức, khó mà có thể cho rằng sự kiện này xảy ra như là kết luận điều tra đã nói là một thông tin có thể tin cậy và có đầy đủ chứng cứ được. Tương tự như thế, có nhiều câu hỏi đặt ra về cơ sở xác thực của việc ông Lê Đình Kình đã tấn công và chủ động tấn công cảnh sát trước khi ông thiệt mạng.
“Thì đây là đánh giá chủ quan của tôi cho rằng là những việc này có hay không có thì đang là vấn đề mà dư luận đang cần phải làm rõ bằng những chứng cứ cụ thể, công khai và minh bạch.
“Và tôi hy vọng, nếu phiên tòa mở ra, thì phiên tòa này cần phải được sự tham gia đầy đủ của các luật sư với tất cả những quyền tố tụng của mình, để làm rõ tất cả những chứng cứ liên quan.” Ông Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.
Từ thành phố Hanau, Cộng hòa Liên bang Đức, Luật sư Nguyễn Văn Đài cho BBC biết ông bất ngờ ra sao khi biết thông tin được truyền thông, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin hôm thứ Sáu về kết luận điều tra của công an Hà Nội, nhưng cũng bày tỏ hy vọng:
“Tôi bất ngờ vì cơ quan điều tra công an thành phố Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra và đề nghị truy tố 25 người với tội danh giết người và 4 người với tội danh chống người thi hành công vụ.
“Lý do tôi bất ngờ là ở chỗ cá nhân tôi cũng như các luật sư, và người dân Đồng Tâm chờ đợi cơ quan điều tra đưa các bị can về Đồng Tâm để thực nghiệm hiện trường trong quá trình điều tra. Bởi vì với tội danh giết người thì việc tiến hành thực nghiệm tại hiện trường của các bị can là bắt buộc.
“Không có thực nghiệm tại hiện trường tại nơi xảy ra vụ án để xác định chính xác hành vi phạm tội của các bị can thì không thể có kết luận điều tra. Việc tiến hành thực nghiệm lại hành vi phạm tội ở nơi khác chỉ có thể được tiến hành với lý do hiện trường tại nơi xảy ra vụ án đã bị pháp hủy hoàn toàn.
“Việc kết luận điều tra và đề nghị truy tố 25 người cùng với tội danh giết người là mang tính quy chụp bởi việc những người này có những phát biểu, lời nói đe dọa giết người thì đã được công khai trên internet, nhưng trong Bộ luật Hình sự Việt Nam đã có tội danh đe dọa giết người theo điều 133.
“Qua những bức ảnh chụp lại hiện trường nơi được cho là có vụ đốt xăng giết người xảy ra. Cá nhân tôi và phần lớn người dân Việt Nam đều không tin những người dân xã Đồng Tâm đã có hành vi giết người bằng cách đốt xăng những cảnh sát cơ động bị ngã xuống hố kỹ thuật giữa hai ngôi nhà.
“Bởi vậy, tôi hy vọng các luật sư được mời để bảo vệ cho những người dân Đồng Tâm vô tội sẽ làm sáng tỏ sự thật của vụ án này.”
Hôm thứ Sáu, BBC News Tiếng Việt đã liên lạc với một số luật sư trong nhóm bảo vệ và hỗ trợ pháp lý cho các đương sự và gia đình đương sự ở Đồng Tâm đang bị Công an Hà Nội và chính quyền bắt giam và đề nghị truy tố trong vụ việc.
“Tôi rất là bức xúc, nhưng tạm thời tôi sẽ phát biểu công khai ý kiến của mình khi có các bước đi, động thái tư pháp cụ thể hơn,” một luật sư nói.
“Còn tôi cũng đang nghiên cứu kết luật điều tra, và chúng tôi đang có kế hoạch gặp gia đình các đương sự, người dân ở Đồng Tâm và tiếp xúc các bị can, tới đó, khi các thông tin rõ hơn, chúng tôi sẽ có thể phát biểu, bình luận chi tiết và đầy đủ hơn,” một luật sư khác mà cũng không muốn tiết lộ danh tính, nói với BBC.
Truyền thông nhà nước nói gì?
Nói về cái chết của ông Lê Đình Kình báo Thanh niên mô tả:
Kết luận pháp y số 02/20/GĐPY của Viện Pháp y quốc gia xác định nguyên nhân tử vong của ông Lê Đình Kình là “mất máu tối cấp do tổn thương phổi, thủng quai động mạch chủ, hậu quả của 2 vết thương do đạn thẳng”.
“ Về diễn biến sự việc dẫn đến cái chết của ông Lê Đình Kình, kết luận điều tra cho biết, sau khi xảy ra đụng độ rạng sáng 9.1, một số cán bộ của tổ công tác dắt theo 1 chó nghiệp vụ đi vòng theo ngách bên trái, áp sát cửa ngách sau nhà ông Lê Đình Kình.
“Khi phá khóa cửa ngách (cửa vào khu bếp), tổ công tác phát hiện ông Lê Đình Kình đang cầm 1 quả lựu đạn trên tay phải, đứng sát cửa ra vào phòng ngủ phía trong, lưng quay về phía tổ công tác, nên sử dụng súng nhằm hướng về phía đối tượng, cách vị trí của Kình khoảng 2 – 2,5 m và nổ súng 2 lần, khiến đối tượng Kình bị thương ở vùng lưng và ngã vào trong phòng, đầu hướng vào trong, chân hướng ra cửa phòng”, kết luận điều tra nêu.
Thông tấn xã Việt Nam ngày 12/6 nói:
“Riêng đối tượng Lê Đình Kình có vai trò chủ mưu, cầm đầu, xuyên tạc nguồn gốc đất khu vực Đồng Sênh, kích động, lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện, cấu thành tội “giết người.” Tuy nhiên do Lê Đình Kình đã tử vong nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý.”
Bản tin này viết: “Kết luận điều tra cũng xác định, trong thời gian Quân chủng Phòng không-Không quân (Bộ Quốc phòng) xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn thì lực lượng công an thực thi nhiệm vụ đảm bảo an ninh-trật tự đã nhiều lần khi đến khu vực cổng thôn Hoành, xã Đồng Tâm và đều bị các bị can dùng lựu đạn, bom xăng, gạch đá tấn công.”
Tờ báo thuộc Liên Đoàn lao động TPHCM cho biết thêm:
“Cơ quan công an xác định ông Lê Đình Kình có vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên tổ chức xuyên tạc nguồn gốc đất Đồng Sênh, kích động lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện.
“Mặc dù, đã được Thanh tra Hà Nội thông báo kết luận thanh tra về nguồn gốc đất này là đất quốc phòng, ông Kình vẫn hứa hẹn nếu đòi được đất sẽ chia cho những người dân tham gia khiếu kiện. Đầu tháng 12-2019, ông Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500.000 đồng để mua 10 con dao phóng lợn. Ngoài ra, ông Doanh đã làm thêm hơn 10 tuýp sắt để gắn dao phóng lợn.”
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)
>>> Vụ Hồ Duy Hải: tình tiết nào để kháng nghị tái thẩm vụ án?
>>> Nguyễn Phú Trọng xây dựng đảng – Giang hồ nổi lên khắp nơi