Cảnh sát Hồng Kông đã bắn hơi cay vào người biểu tình tham gia cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ đầu tiên vào ngày chủ nhật 24/5 kể từ khi Trung Quốc công bố kế hoạch áp đặt luật an ninh mới trên lãnh thổ.
Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà vận động, hàng nghìn người Hồng Kông hôm nay tập trung tại các quận Causeway Bay và Wan Chai sầm uất, hô khẩu hiệu phản đối đạo luật an ninh gây tranh cãi vì luật mới sẽ giết chết các phong trào dân chủ trong tương lai và giết chết bất kỳ cơ hội nhỏ nào để tìm kiếm công lý trong thành phố.
Luật an ninh được coi là vấn đề gây tranh cãi nhất ở Hồng Kông kể từ khi chuyển giao.
Hồng Kông đã thực hành chính sách “một quốc gia, hai chế độ” và “một nền tự trị mức độ cao” kể từ khi Anh trả lại chủ quyền vùng đất này cho Trung Quốc vào năm 1997.
Theo Luật cơ bản, gọi là tiểu hiến pháp của vùng lãnh thổ, chính quyền Hồng Kông phải thông qua luật an ninh quốc gia. Tuy nhiên, vào năm 2003, nỗ lực ban hành luật đã thất bại sau khi có 500.000 người xuống đường phản đối. Trưởng đặc khu Hồng Kông khi đó là Đổng Kiến Hoa phải tuyên bố gác lại dự luật do “không hội đủ sự ủng hộ“.
17 năm kể từ đó, bất chấp cam kết sẽ ban hành luật an ninh cùng sức ép từ phía Bắc Kinh, chính quyền Hồng Kông vẫn né tránh tái khởi động quá trình này. Tuy nhiên, Bắc Kinh dường như đã hết kiên nhẫn khi năm ngoái hàng triệu người đã xuống đường trong suốt bảy tháng để phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, nhiều cuộc biểu tình đã trở nên bạo lực và cuối cùng, người ta đã phải đình chỉ và sau đó rút lại dự luật dẫn độ.
Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (NPC), tức Quốc hội Trung Quốc, vừa đề xuất luật an ninh Hồng Kông trong phiên họp thường niên khai mạc ngày 22/5.
Những chi tiết trong dự thảo luật an ninh Hồng Kông lần này vượt xa dự luật được ông Đổng Kiến Hoa đưa ra hồi năm 2003. Bên cạnh việc hình sự hóa hành vi “làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ” nhắm vào chính quyền trung ương, luật này còn cho phép các cơ quan an ninh quốc gia Trung Quốc lập văn phòng tại đặc khu để “tiến hành các nhiệm vụ liên quan để bảo vệ an ninh quốc gia theo quy định của pháp luật“.
Dự luật an ninh Hồng Kông dự kiến được NPC thông qua vào cuối tháng này và sớm được áp dụng tại đặc khu. Các nhà phê bình cho rằng nó sẽ tác động mạnh mẽ đến toàn bộ xã hội Hồng Kông, từ khía cạnh chính trị đến truyền thông, giáo dục và doanh nghiệp quốc tế.
Chính phủ Trung Quốc hy vọng rằng luật an ninh sẽ có tác dụng “ngăn ngừa, chặn đứng và trừng phạt” các cuộc biểu tình như hồi năm ngoái trong tương lai.
Các nguồn từ Quốc hội từng cho biết Bắc Kinh không muốn tiếp tục chờ Hồng Kông thông qua luật riêng của mình, và cũng không muốn tiếp tục đứng nhìn sự phát triển của phong trào bạo lực chống lại chính phủ.
Một nguồn tin nói với báo South China Morning Post: “Chúng tôi không tiếp tục cho phép các hành vi như xúc phạm quốc kỳ hoặc biểu tượng quốc gia xảy ra ở Hồng Kông.”
Bắc Kinh cũng có thể đang lo ngại cuộc bầu cử tháng Chín của cơ quan lập pháp Hồng Kông. Nếu các đảng ủng hộ dân chủ thành công như họ đã từng giành được trong các cuộc bầu cử cấp quận hồi năm ngoái, các dự luật của chính quyền có khả năng bị chặn đứng.
Một số nhân vật ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông, bao gồm nhà lãnh đạo đảng Dân chủ Wu Chi-wai, cho biết việc ban hành luật là sự cáo chung của “một quốc gia, hai chế độ“.
Nhà lập pháp thuộc đảng Công dân (Civic Party) Dennis Kwok nói rằng “một khi chuyện này được thực hiện, thì ‘một quốc gia, hai chế độ’ sẽ chính thức bị xóa sổ. Đây là sự cáo chung của Hồng Kông.”
Đồng nghiệp của ông là bà Tanya Chan nói thêm rằng đây là “ngày buồn thảm nhất trong lịch sử Hồng Kông“.
Trên trang Twitter của mình, nhà hoạt động sinh viên và chính trị gia Joshua Wong viết rằng với hành động này, Bắc Kinh muốn “dùng vũ lực và sự sợ hãi để trấn áp tiếng nói phê phán của người Hồng Kông”.
Phóng viên BBC đặc trách Trung Quốc, Robin Brant, nói rằng điều làm cho tình hình trở nên tồi tệ là Bắc Kinh có thể dửng dưng qua mặt các vị dân cử ở Hồng Kông và áp đặt thay đổi.
Trung Quốc có thể đặt các quy định này vào Phụ lục III của Luật cơ bản, bao gồm các luật quốc gia mà Hồng Kông phải thực thi – dưới hình thức luật hoặc sắc lệnh.
Các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ lo ngại luật pháp sẽ được sử dụng để dẹp các hoạt động phản đối bất chấp quyền tự do đã được ghi trong Luật cơ bản, như cách mà các luật tương tự ở Trung Quốc được sử dụng để dập tắt sự phản đối nhằm vào Đảng Cộng sản.
Sau khi được Anh trao trả cho Trung Quốc vào năm 1997, Hồng Kông có quyền tự soạn thảo và điều chỉnh luật của riêng mình theo mô hình “một quốc gia, hai chế độ“.
Vì vậy, thành phố có hệ thống tư pháp độc lập và các quyền tự trị khác với Trung Quốc đại lục. Các quyền này được quy định trong Luật Cơ bản, văn kiện được bảo đảm nhờ Tuyên bố chung Trung – Anh năm 1984 về phương án quản lý đặc khu.
Luật an ninh mới đặt ra thách thức đối với tất cả điều trên. Việc hình sự hóa một loạt hành vi bị quy là “làm phản, ly khai, nổi loạn và lật đổ” nhắm vào chính quyền trung ương, luật này có thể giúp chính quyền có thêm phương án kiềm chế phe đối lập tại Hồng Kông vào thời điểm họ thấy phù hợp.
Luật cũng mở đường để lực lượng an ninh Trung Quốc hoạt động công khai và rộng rãi hơn tại Hồng Kông.
Hệ thống tòa án ở Hồng Kông, vốn hoạt động riêng biệt với Trung Quốc đại lục, có thể gặp khó khăn khi thực thi luật an ninh mới. Dù vận hành theo cơ chế riêng, tòa án Hồng Kông không có quyền ra phán quyết đảo ngược luật này, bởi NPC là cơ quan duy nhất có quyền “giải thích” cho bất kỳ vấn đề hiến pháp nào.
Luật an ninh Trung Quốc được cho là gây tổn hại danh tiếng của nền tư pháp Hồng Kông, yếu tố quan trọng đối giúp đặc khu vươn lên thành trung tâm tài chính và kinh doanh quốc tế. Vì vậy mà Hồng Kông một lần nữa thực hiện quyền dân chủ của mình – đó là biểu tình phản đối.
Và trong cuộc giành quyền dân chủ này, Hồng Kông không chỉ có một mình, mới đây nhất, ngày 23/5, gần 200 chính trị gia trên toàn thế giới đã ký tuyên bố chung phê phán dự luật an ninh quốc gia tại Hồng Kông của Bắc Kinh.
Tuyên bố được soạn thảo bởi cựu Thống đốc Hồng Kông Christopher Patten và cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind, được ký bởi 186 nhà hoạch định chính sách và chính trị gia từ 23 quốc gia.
Tuyên bố mô tả các kế hoạch của Bắc Kinh – bao gồm thiết lập các căn cứ tình báo của chính phủ Trung Quốc tại Hồng Kông – là một “vi phạm trắng trợn” của Tuyên bố chung Trung – Anh.
“Nếu cộng đồng quốc tế không thể tin tưởng Bắc Kinh sẽ giữ lời khi nói đến Hồng Kông, mọi người cũng sẽ ngần ngại tin Bắc Kinh về các vấn đề khác“, bảng tuyên bố viết.
Người ký tên bao gồm 17 thành viên của Quốc hội Hoa Kỳ, trong đó có Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, người đang giữ chức Chủ tịch Ủy ban Tình báo; Thượng nghị sĩ Ted Cruz; Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, thành viên đảng Dân chủ cao cấp nhất trong Ủy ban Đối ngoại Thượng viện; Eliot Engel, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Adam Schiff, Chủ tịch Ủy ban Tình báo của Hạ viện.
Khoảng 44 nghị sĩ Anh và 8 thành viên của Hạ viện Anh cũng đã ký.
Đầu tuần này, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo lên án kế hoạch mà ông mô tả là “hồi chuông báo tử” cho các quyền tự do của Hồng Kông. Vương quốc Anh, Úc và Canada cũng đã bày tỏ “mối quan tâm sâu sắc” của họ.
Tổng thống Donald Trump cũng cho biết Mỹ sẽ phản ứng mạnh nếu Trung Quốc một mực triển khai dự luật này, nhưng ông không đi vào chi tiết.
Thống đốc cuối cùng của Anh tại Hồng Kông, ông Chris Patten, gọi động thái của Trung Quốc là “cuộc tấn công toàn diện vào quyền tự trị của thành phố“.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Anh cho biết Anh kỳ vọng Trung Quốc “tôn trọng các quyền và tự do của Hồng Kông và mức độ tự trị cao”.
Trung Quốc đã liên tục phản bội người dân Hồng Kông, phản bội Tuyên bố chung Trung – Anh, trong đó hai bên đồng ý Hồng Kông sẽ duy trì “mức độ tự trị cao, ngoại trừ trong các vấn đề đối ngoại và quốc phòng“, trong 50 năm tức là đến năm 2047.
Các cuộc ẩu đả tại Hội đồng Lập pháp Hồng Kông đã xảy ra trong hai tuần liên tiếp gần đây.
Tuần trước, Andrew Leung Kwan-yuen, Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Hồng Kông, đã bổ nhiệm Chan Kin-por (Trần Kiện Ba) – một người thân Bắc Kinh – giám sát cuộc bỏ phiếu chọn chủ tịch Ủy ban Nội vụ.
Ngày 18/5 ông Chan Kin-por ngồi vào chiếc ghế chủ tịch của Ủy ban Nội vụ, xung quanh có hơn 20 nhân viên an ninh bảo vệ. Khi các nghị sĩ ủng hộ dân chủ bước vào phòng họp, họ đã cố tiếp cận chiếc ghế này nhưng bị nhân viên an ninh ngăn lại và rồi cảnh hỗn loạn đã diễn ra.
Các nghị sĩ ủng hộ dân chủ đã có cuộc đụng độ với nhân viên an ninh và bị kéo hoặc khiêng ra khỏi phòng họp, trong khi đó ẩu đả cũng xảy ra giữa các nghị sĩ thân Bắc Kinh và nghị sĩ ủng hộ dân chủ. Ít nhất 15 nghị sĩ đã bị đưa ra khỏi phòng.
Một nhà lập pháp đã cầm một biểu ngữ viết: “Đảng Cộng sản Trung Quốc chà đạp cơ quan lập pháp Hồng Kông“.
Sau khi hầu hết các nhà lập pháp ủng hộ dân chủ rời đi – hoặc bị khiêng đi – Starry Lee Wai-king (Lâm Tuệ Quỳnh) đã được bầu làm chủ tịch của Ủy ban Nội vụ.
Các nghĩ sĩ ủng hộ dân chủ lo sợ kết quả này sẽ giúp dự luật về cấm xúc phạm quốc ca Trung Quốc dễ được thông qua.
Dự luật cấm xúc phạm quốc ca Trung Quốc – tương tự dự luật dẫn độ dẫn đến các cuộc biểu tình vào giữa năm ngoái – đã gây ra nhiều lo ngại cho một số người Hồng Kông về sự can thiệp ngày càng tăng của Bắc Kinh vào đặc khu hành chính này.
Từ năm 1997 đến nay, Hồng Kông luôn kiên cường bảo vệ những giá trị dân chủ mà xứ này được tận hưởng khi nằm dưới sự bảo hộ của Anh quốc trong hơn 150 năm.
Tinh thần dũng cảm đó đã được thể hiện mạnh mẽ hơn bao giờ hết, trong gần một năm nay khi Trung Quốc ra sức chà đạp lên những giá trị tự do – dân chủ của người dân Hồng Kông, đồng thời bội ước với Tuyên bố chung Trung – Anh.
Hồng Kông đã đổ máu và họ vẫn sẵn sàng hy sinh để chống lại chế độ độc tài của Đảng cộng sản Trung Quốc, bảo vệ nền dân chủ – tự do.
Hoàng Lan – Thoibao.de (Tổng hợp)