Vào thời điểm chuẩn bị cho thêm một kỳ đại hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, tổ chức chính trị 5 triệu thành viên, dự kiến vào đầu 2021, TBT Nguyễn Phú Trọng tiếp tục đề cao “chủ nghĩa Marx-Lenin” ở Việt Nam.
Tính chất ‘xã hội chủ nghĩa’ của thể chế ở Việt Nam đang giảm đi, hay tăng lên là một câu hỏi khó trả lời, vì nước này đã nói là đi theo con đường ‘kinh tế thị trường’.
Cùng lúc, 45 năm sau khi cuộc chiến với VNCH và Hoa Kỳ kết thúc, bộ máy chính trị tại Việt Nam hiện vẫn nêu cao ‘định hướng XHCN’.
Kỷ niệm 130 năm sinh nhật chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2020), TBT Trọng nói: “…Xuất phát từ điều kiện lịch sử của Việt Nam, Hồ Chí Minh chỉ rõ, nước ta cần phải trải qua thời kỳ quá độ, từ một nước nông nghiệp lạc hậu lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Đây là một sự nghiệp mới mẻ, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử, sẽ có vô vàn khó khăn, phức tạp phải vượt qua.”
Hồi đầu 2019, Pew Research Center công bố một điều tra dư luận của họ cho thấy 55% người Mỹ nghĩ tiêu cực về “chủ nghĩa xã hội” (socialism), và có 42% bày tỏ quan điểm tích cực.
Cần nói đây là cách hiểu của họ về “chủ nghĩa xã hội” kiểu Phương Tây, có tự do ngôn luận, quyền biểu tình, hội họp và an sinh xã hội tốt.
Những người ủng hộ ‘chủ nghĩa xã hội’ ở Mỹ nói họ tin rằng ‘socialism’ cho người lao động quyền có tiếng nói, và giúp giảm bất công, phân biệt giàu nghèo.
Phái không thích CNXH cho rằng thể chế này “đã được thử nghiệm ở rất nhiều nơi, nhiều lần và đầu thất bại, điển hình là Venezuela”.
Một số không nhỏ nói CHXH “triệt tiêu sáng kiến” và “hạn chế tự do”.
Tổng thống Donald Trump trong cuộc vận động tranh cử 2020 liên tục tấn công phe Dân chủ Mỹ là “những kẻ theo chủ nghĩa xã hội”.
Tuy thế, ứng viên hàng đầu của Dân chủ, ông Bernie Sanders tự nhận là “người XHCN dân chủ” – democratic socialist, chứ không phải là ‘socialist’.
Chừng hai phần ba (65%) nói họ có cách nhìn tích cực về ‘chủ nghĩa tư bản’ và 1/3 nhìn tiêu cực.
BBC News Tiếng Việt đã mời bạn đọc trên Facebook chia sẻ cách nhìn của họ về hai hệ tư tưởng ‘chủ nghĩa tư bản’, và ‘chủ nghĩa xã hội’, trong bối cảnh Việt Nam.
Bài ‘65% dân Mỹ thích chủ nghĩa tư bản, còn người Việt Nam thì sao?’ đăng hôm 15/05/2020 đã nhận được trên 300 bình luận gửi về trang Facebook của BBC News Tiếng Việt.
Các ý kiến thể hiện nhiều cách nhìn khác nhau về chủ đề này mà một số đông không tin rằng mô hình ở Việt Nam thực sự là ‘XHCN’, mà là ‘tư bản đỏ’, đem lại đặc quyền cho một tầng lớp.
Việc con em quan chức du học ở các nước G7 được một số bạn cho là bằng chứng về hiện tượng ‘ý thức hệ tư bản đỏ’ này.
Xin điểm ra những bình luận nổi bật, đầu tiên là về sự so sánh hai chủ thuyết và điều mà một số bạn cho là thực tế ở Việt Nam hiện nay:
Facebook Van Nghiem: “Cho hỏi khác biệt giữa cntb và cnxh là làm bao nhiêu hưởng bấy nhiêu với chia đều của cải. Hay đa nguyên với độc tài vậy. Cnxh kiểu Tây Phương còn tốt chán so với định hướng xhcn ở Việt Nam.”
Facebook Nguyen Jose: “Thế giới vật chất, xã hội, triết lý… phát triển được là nhờ hoạt động đối kháng, triệt tiêu đối kháng đồng nghĩa với thế giới chấm dứt. Chủ nghĩa Marx mâu thuẫn ngay trong lý thuyết vì khi tiến vào thế giới đại đồng thì triệt tiêu đối kháng ,theo lý luận thì thế giới bi diệt vong. Khó hiểu!
Facebook Hiếu Râu: “Hỏi câu này ở VN thì…nói thích thì sợ, nói không thích thì dối lòng…cứ nhìn vào đàn con cháu các cụ đang học tập ở đâu…”
Facebook Quang Minh Nguyen: “Việt Nam từ sau cải cách 1986 đã theo CNTB, còn cái CNXH chỉ là cái bình phong để đảng CS duy trì quyền lực. Nhưng đó là CNTB “nửa vời”, “quái thai”, khi mà những ngành then chốt như điện, nước, dầu khí… vẫn nằm trong tay nhà nước, bởi vậy nhờ các tập đoàn nhà nước mà dân VN gánh nợ công đầm đìa, giá xăng, điện thì trên trời … CNTB phải đi đôi với đa đảng và tam quyền phân lập mới phát huy hết tiềm năng, chứ còn như VN, thì chỉ có lũ TB đỏ mới giàu trong thể chế độc đảng.”
Facebook Tran Xuannhan: “CNTB là anh nd nuôi bò sữa chăm lo cho bò để bò tạo nhiều sữa từ đó thu lợi. CNCS là anh nd nuôi bò hợp tác xã để cày ruộng bò béo hày gầy mặc kệ. Miễn sao không chết là được.”
Facebook Liu-đi-na: “Việt Nam thì trừ ra 4 triệu dân thì còn lại là muốn theo tư bản.”
Facebook Nhã Đoan: “Chủ nghĩa tư bản đã thất bại không làm mọi người giàu bằng nhau.Nhưng, chủ nghĩa cộng sản đã thành công trong việc làm mọi người nghèo bằng nhau…Hãy làm bài toán xem cả thế giới còn lại bao nhiêu nước cộng sản….”
Facebook Quang Nguyen: “Một xã hội mọi người làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu không bao giờ tồn tại. Trong xã hội mọi tầng lớp đều có nó mới thành một xã hội. Như thế nó mới thúc đẩy con người cạnh tranh để phát triển, cạnh tranh để phục vụ cho nhau tốt hơn, moi óc nặng đầu để phát minh sáng kiến, giao thiệp văn minh hơn….. làm gì có chuyện làm bao nhiêu cũng được nhưng nhu cầu muốn gì là có. Tích lũy tư bản tiến lên cnxh…là viễn vông. Nhu cầu con người là vô hạn, không có chuyện hợp tác xã của cải chung. Nếu có thì xã hội đó thì không đói là mừng nói chi phát triển. Làm ít, ngu , dốt, lười mà đòi của cải giống nhau. Xã hội đó xứ sở thần tiên cũng không có, Tôn Ngộ Không ăn hết đào còn bị phạt. Nói chung khi con người không cần ăn uống cũng no, không sinh sản…thì con người mới hết nhu cầu.”
Facebook Hồ Kim Mao: “VN còn mỗi ông TBT Trọng là cộng sản thôi, còn lại là tư bản mặc áo đỏ. Nếu một ông cán bộ CS chính hiệu thì lấy đâu nhà đất, tiền lập công ty, HTX, lấy đâu tiền cho con cháu du học bên trời Tây.”
Facebook Diệp Thảo Nguyên: “Kinh tế thị trường theo định hướng XHCN. Một thể chế quái thai. Xuống hố chậm hơn nhưng bị giày vò lâu hơn. Nhiều mảnh đời sống như địa ngục trần gian.”
Một số bạn đọc của BBC cũng nhắc rằng cần nhìn vào thực tiễn cuộc sống hơn là các mác, nhãn hiệu tư tưởng:
Facebook Lửa Sấm Sét: “Mình đi theo cái chủ nghĩa gì không phải tư bản cũng không phải cộng sản đi, miễn sao nó công bằng, văn minh,chủ nghĩa gì nó là một sự thoả thuận giữa những người sống trong một đất nước để làm sao tạo ra được một sân chơi chung cho tất cả,để đưa cuộc sống của tất cả được nâng cao hơn. Như bất cứ sân chơi nào mà cứ tồn tại sự độc tài là sân chơi không lý tưởng rồi.nó thiếu đi sự phản biện và sai với quy luật phát triển là cần sự đối chứng.”
Facebook Bảo Nam: “Tư bản hay cnxh cũng như nhau. Cứ minh bạch là dân tin hết. Còn ở vn minh bạch thì cộng sản vào tù hết. Quan chức gọi là hở ra là tham nhũng. Corona vừa rồi là ví dụ. Mệnh lệnh từ tổng bí thư cũng thế. Chuyện hộ nghèo ở vn mới buồn cười. Đúng lá nhà nc của quan do quan và vì quan.”
Facebook Canh Tranthanh: “Dân Việt thực ra không có chính kiến rõ ràng, đa số theo đuôi thôi. Tuy nhiên CNXH dân chủ là một ý hay.”
Facebook Anh Luu: “Cả thế giới đang phải chiến đấu với đại dịch covid-19. Tôi thật mừng vì đang sống tại Việt Nam. Tôi không quan tâm CNTB hay CNXH. Với tôi Việt Nam là quê hương, là những điều thân thuộc với tôi nhất.”
Cũng có ý kiến nói lãnh đạo Việt Nam nên nhìn nhận thực tế các nước khác để chọn con đường có lợi cho kinh tế:
Facebook Nhật Anh Đỗ: “Đảng cầm quyền ở Việt Nam nên bỏ chủ nghĩa Mác – Lenin đi! Đảng xã hội như ở các nước châu Âu thì không có vấn đề gì vì họ đâu có theo chủ nghĩa Mác – Lê nin đâu. Tất nhiên là nếu Việt Nam được lãnh đạo bởi một Đảng theo tư tưởng kinh tế thị trường tự do, bảo vệ các quyền sở hữu của người dân, nhất là quyền sở hữu đất đai như Nam Hàn, Nhật Bản… thì kinh tế Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn. Ở Việt Nam hiện nay không một người dân nào có quyền sở hữu đất đai như ở Nam Hàn, Nhật Bản… chỉ có quyền sử dụng đất.
Facebook Karma Samten: “Thể chế kinh tế tư bản, chính trị xhcn đa đảng sẽ đem đến thịnh vượng, nhân quyền, ít tham nhũng và ổn định xã hội hơn khi đất nước có khủng hoảng.”
Việt Nam: Tuyên truyền về Hồ Chí Minh, kết quả thế nào?
Việt Nam tuần này kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, hôm 18/5, nói: “Tư tưởng Hồ Chí Minh và sự nghiệp cách mạng vô cùng phong phú, vĩ đại của Người không những là tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam, nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam của cách mạng Việt Nam mà còn là đóng góp quý báu của Người vào sự nghiệp cách mạng của các dân tộc bị áp bức trên thế giới.”
Tuy vậy, một số nhà bình luận tự xem là độc lập, cũng bày tỏ đánh giá không đồng nhất với Đảng Cộng sản về lãnh tụ Hồ Chí Minh.
Nhà văn, nhà báo Võ Thị Hảo: Tôi theo dõi bài diễn văn và cười một mình.
Hồ Chí Minh chọn và bắt Việt Nam đi theo con đường đó nên nảy sinh nhiều tác hại khôn lường, mà đặc biệt là nạn độc tài toàn trị cộng sản ở Việt Nam.
Có quá nhiều kiến thức bị bóp méo, sai lệch và chủ quan trong bài diễn văn này: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác ngoài con đường cách mạng vô sản“, theo tôi đó là sự chủ quan, tự cho là như thế.
Có người có thể đặt câu hỏi giá như ông Hồ Chí Minh không đi tìm đường cứu nước, cứ làm một ông giáo hay nghề gì đó hay ho, thì Việt Nam bây giờ có thể đã có một khả năng lớn trở nên giàu mạnh, văn minh ngang ngửa Hàn Quốc, Singapore…chứ không phải đứng hàng gần đội sổ thế giới thế này, như được xếp riêng về kinh tế là quốc gia thuộc nhóm trung bình thấp.
Nhà nghiên cứu Lê Văn Sinh: Chúng ta biết năm 2003, Ban Bí thư (khóa IX) ra Chị thi 23 về việc học tập tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đến năm 2006, Tổng Bí thư ĐCSVN Nông Đức Mạnh khi đó ký Chỉ thị 06, tổ chức cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Như vậy phong trào học tập và làm theo gương đạo đức cố Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay là gần 20 năm.
Với tôi, nếu phong trào này là thiết thực và hiệu quả thì tình trạng tham nhũng, cửa quyền, vi phạm kỷ luật Đảng, phạm tội hình sự trong đội ngũ cán bộ đảng viên đã không ngày một trầm trọng như chúng ta đang chứng kiến.
Blogger Nguyễn Hữu Vinh: Với lớp đảng viên, đoàn viên thì vô hình chung lại dễ khuyến khích thêm lối sống đạo đức giả – nói rất kêu nhưng làm ngược lại. Hiện tượng Trương Minh Tuấn, Nguyễn Bắc Son là dẫn chứng sinh động nhất.
Nhà văn Võ Thị Hảo: Phải vờ vịt trung thành, đó là miếng ăn và tiến thân, trong lòng họ thì sự khinh bỉ, khinh ghét, hành động thì trái ngược lại, nhưng ngoài miệng thì phải luôn ca ngợi “công lao của đảng và bác”.
Chưa bao giờ con người Việt Nam có thế ứng xử giả dối đến như vậy lâu nay, không rõ sau này lịch sử và con cháu soi chiễu, xem xét lại giai đoạn và triều đại này thì sẽ nói gì, nghĩ gì, nhưng hiện tại tôi nghĩ chính đảng đã nêu gương ứng xử như thế đó.
Tôi cho rằng, chính trị gia Hồ Chí Minh chưa đủ tầm vóc để tạo nên một tư tưởng, mà ở một khía cạnh lịch sử nào đó, chỉ thể hiện là một chính trị gia chịu nô lệ cho con đường của cộng sản Trung Quốc và Liên Xô trên bàn cờ chính trị thế giới thời đại đó mà thôi.
Nhìn về Đại hội Đảng 13, nhà văn Võ Thị Hảo đưa ra bình luận:
Tôi cho rằng đảng Cộng sản đã có quá nhiều món nợ phải trả đối với nhân dân Việt Nam ở cả các miền trong cả nước, trong đó có thậm chí có cả nhiều điều được cho là nợ chính trị, nợ lịch sử, hay cả “nợ máu” nữa…
Mỗi một đại hội đảng là một lần khiến người ta có thể thêm thất vọng vì đảng vẫn kiên quyết và đàn áp mọi người để họ nắm bằng được độc tôn chính trị, gây bao đau thương cho dân tộc và đất nước này.
Đến nay đảng đã thể hiện sự bất lực trong việc bảo vệ chủ quyền đất nước trước sự xâm lăng từng bước và đe dọa chủ quyền lãnh thổ, lãnh hải ngày một hung hăng của láng giềng cộng sản Trung Quốc; và đảng tiếp tục nhất quyết không trao lại quyền cho dân, thông qua bầu cử tự do và cải tổ thể chế chính trị dân chủ thực chất trên cơ sở đa đảng chính trị đối lập và đa nguyên tư tưởng, cùng một Hiến pháp mới thực sự do nhân dân soạn lập và phúc quyết.
Đại hội 13 tại sao không phải là một dịp để suy nghĩ lại? Trao quyền lại càng chậm thì tội níu giữ chặn bước xe lịch sử tiến bộ và văn minh của dân tộc, đất nước có thể càng lớn, càng trầm trọng và càng gây thêm nhiều đau thương.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)