“Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc gây lây lan virus và phá sản

https://www.youtube.com/watch?v=NC4U4scx61s

Dự án bá chủ của Bắc Kinh “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (BRI, còn được gọi là “Một Vành đai, Một Con đường” đôi khi được nhắc tới là Con đường Tơ lụa mới,) bao phủ khắp ba lục địa Á, Âu, Phi và hai phần ba dân số địa cầu đã bị virus corona chủng mới tấn công và làm tổn thương nghiêm trọng.

Tác động thứ nhất liên quan đến tiến độ các công trình trong dự án do các dự án của BRI phải được giao cho các nhà thầu, công nhân và nhà cung cấp Trung Quốc, thay vì đấu thầu cạnh tranh.

Ngay từ tháng 02/2020, sau Tết Nguyên đán, hàng loạt dự án trong khuôn khổ « Vành đai – Con đường » đã bị tạm ngừng hoặc giãn tiến độ do Trung Quốc phong tỏa đối phó với dịch COVID-19 ở trong nước.

Các biện pháp cách ly đang khiến người Trung Quốc không thể ra nước ngoài để xây dựng công trình. Thậm chí, các quốc gia cũng lo sợ người lao động Trung Quốc sẽ làm lây lan virus corona đến các địa điểm mới. Đại dịch COVID-19 đã phần nào gây ra tâm lý bài Trung Quốc tại các quốc gia có công trình xây dựng. Trước khi dịch xảy ra các nhân công Trung Quốc vốn đã bị xem là những người lấy cắp công việc của cư dân địa phương.

Nhân công Trung Quốc, nếu đến được nước sở tại (Sri Lanka, Pakistan, Malaysia, Indonesia, Campuchia, Thái Lan…), cũng đã bị cách ly 14 ngày và đã làm chậm tiến độ của các dự án. Tình hình không được cải thiện trong thời gian sắp tới vì cho dù Trung Quốc đã « chiến thắng dịch bệnh » nhưng đến lượt cả thế giới đang chống chọi với virus corona.

Ảnh: Một bản đồ “con đường tơ lụa mới” của Trung Quốc

Kể từ khi virus bùng phát, một loạt các dự án bị ảnh hưởng nghiêm trọng đặc biệt là tại Indonesia.

Hôm 21/02, ông Luhut Pandjaitan, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề Hàng hải và Đầu tư tại Indonesia, thừa nhận Dự án đường sắt cao tốc trị giá 6 tỷ USD, giúp kết nối thủ đô Jakarta với Bandung, trung tâm dệt may của Indonesia cách đó khoảng 140 km – dự án đầu tàu của Sáng kiến Vành đai và Con đường – có khả năng sẽ bị trì hoãn khi hơn 300 người lao động bị mắc kẹt ở Trung Quốc.

Tập đoàn Đường sắt Quốc tế Trung Quốc, công ty chịu trách nhiệm tiến hành dự án, đã thành lập một nhóm công tác nhằm giám sát sự lây lan của nCoV, đồng thời kêu gọi tất cả nhân viên Trung Quốc về nhà đón Tết Nguyên đán không trở lại Indonesia, một giám đốc cấp cao giấu tên của công ty cho biết. Nguồn tin nói thêm rằng hơn 100 nhân viên Trung Quốc, chủ yếu là công nhân lành nghề và quản lý, chưa thể quay lại Indonesia làm việc.

Chúng tôi phải tập trung vào những phần việc ít quan trọng hơn của dự án đường sắt này, tới khi một số nhân lực chủ chốt quay lại“, nguồn tin cho hay. “Chúng tôi đang có một khởi đầu vô cùng tệ vào năm 2020. Dự án vốn đình trệ bởi sự chậm trễ và những tranh cãi giờ đây đối mặt thách thức lớn hơn vì dịch bệnh“.

Dự án của một số công ty Trung Quốc khác tại Indonesia, như Tsingshan Holding Group và Zhejiang Huayou Cobalt, cũng bị gián đoạn do Indonesia hồi đầu tháng 2 quyết định ngừng các chuyến bay từ Trung Quốc, đồng thời từ chối nhập cảnh với những người từng ở Trung Quốc đại lục trong vòng 14 ngày.

Ảnh: Đường hầm thuộc dự án đường sắt cao tốc Jakarta – Bandung ở Indonesia hồi tháng 5/2019

Tình trạng cũng không khá khẩm hơn với các dự án tại các quốc gia khác như dự án đường sắt ở Malaysia, dự án xây dựng ở Sri Lanka và kế hoạch mở rộng doanh nghiệp ở Pakistan hay các công trình hạ tầng thiết yếu tại Bangladesh…

Ở Malaysia, hàng chục trong số 200 người lao động Trung Quốc xây dựng tuyến đường sắt Bờ Đông (trị giá 10,4 tỷ USD) đến từ Vũ Hán – tâm chấn bùng phát dịch bệnh đầu tiên, đã không được phép trở lại Malaysia, trong khi những người lao động khác có thể trở về sau 14 ngày cách ly.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở những nước khác.

Công trình hạ tầng thiết yếu tại Bangladesh và Pakistan, bao gồm hệ thống cầu qua sông Padma (trị giá hơn 1,1 tỉ USD) tại Bangladesh và dự án Vành đai Kinh tế Trung Quốc – Pakistan (CPEC – trị giá 62 tỷ USD), đang bị đình trệ do thiếu nhân công Trung Quốc.

Văn phòng của các quản lý cấp cao người Trung Quốc tại Đặc khu Kinh tế Sihanoukville ở Campuchia cũng trống vắng. Khu vực này được coi là dự án mang tính “bước ngoặt” trong sáng kiến BRI, bao gồm hơn 160 doanh nghiệp và khoảng 20.000 công nhân.

Tác động thứ hai liên quan đến sự gián đoạn trong sản xuất và dây chuyền cung ứng công nghiệp bị đình trệ. Các dự án BRI có xu hướng lấy nguồn thiết bị và máy móc từ các nhà sản xuất ở Trung Quốc. Trong khi, sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ do những quy định nghiêm ngặt của chính quyền nhằm ngăn chặn dịch bệnh khiến chuỗi cung ứng bị tác động. COVID-19 đã tác động tiêu cực đến tiến độ các dự án.

Các công ty nội địa Trung Quốc cung ứng cho các dự án nước ngoài đã phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực do các chính sách cách ly, phong tỏa trong nước.

Hầu hết công nhân trong các nhà máy do Trung Quốc điều hành tại Đặc khu kinh tế Sihanoukville là người Campuchia, nhưng thách thức đối với việc duy trì hoạt động vẫn nghiêm trọng bởi họ phụ thuộc vào nguồn cung ứng vật tư từ Trung Quốc.

Trong một thời gian kéo dài nhiều tuần lễ, nhiều nhà máy ở Trung Quốc đã đóng cửa, những nhà máy đang hoạt động cũng không thể đạt công suất tối đa.

Điều này khiến thời gian hoàn thành dự án bị kéo dài và đồng nghĩa với nó là chi phí cũng bị đội lên.

Tác động thứ ba liên quan đến khả năng « vung tiền » của Bắc Kinh trong tương lai. Virus corona đã làm tăng trưởng của Trung Quốc trong quý I/2020 giảm 6,8% (GDP năm 2019 là 6%). Thiệt hại này chắc chắn sẽ hạn chế khả năng tài chính của Trung Quốc cho các dự án lớn ở nước ngoài vì Bắc Kinh sẽ phải cân nhắc với chi phí cho y tế cộng đồng và tái thiết kinh tế trong nước.

Virus corona có thể khiến các công ty Trung Quốc thay đổi trọng tâm trong tương lai, theo Arv Sreedhar, Giám đốc điều hành tại công ty đầu tư Atlantic Partners Asia ở Singapore, cho hay:

Trung Quốc hiện đang cực kỳ căng thẳng vì tình trạng hiện tại và có các ưu tiên khác, như thỏa tuận thương mại với Mỹ, đồng thời phải chống chọi với tác động y tế và tài chính từ virus corona.”

Do đó, các khoản đầu tư của Trung Quốc tại nước ngoài cũng giảm mạnh.

Thực ra, virus corona chỉ là yếu tố tác động mới trong Sáng kiến Vành đai – Con đường. Trước khi xảy ra dịch, dự án đầy tham vọng này đã bị ảnh hưởng vì tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đã chững lại và nhiều ngân hàng bắt đầu giảm tín dụng cho các công trình trong dự án Con đường tơ lụa mới. Ngoài ra, công luận Trung Quốc có thể sẽ chỉ trích việc đầu tư ra nước ngoài thay vì chấn hưng kinh tế, bảo đảm đời sống cho người dân.

Viện Doanh nghiệp Mỹ và Viện Heritage – vốn theo dõi 3.600 khoản giao dịch nước ngoài của Trung Quốc kể từ năm 2005 – phát hiện ra Trung Quốc chỉ đầu tư tổng cộng 68,4 tỷ USD trong năm 2019, giảm 41% so với năm 2018 và là mức thấp nhất trong 1 thập kỷ.

Mức 68,4 tỷ USD chỉ bằng phân nửa so với mức 124,3 tỷ USD – mức ước tính chính thức về khoản đầu tư nước ngoài của Bộ Thương mại Trung Quốc.

Sắp tới, các chủ nợ Trung Quốc sẽ chỉ có thể tái đàm phán nợ với các nước vay vốn và « sẽ không cấp những khoản tín dụng khổng lồ như từng thấy trong quá khứ, ví dụ một dự án lớn về đường sắt, cảng biển hoặc đập thủy điện », theo nhận định với báo mạng Deutsche Welle (17/04) của bà Agatha Kratz, thuộc văn phòng tư vấn Rhodium Group ở New York.

Trong một cái nhìn bi quan hơn, virus Vũ Hán có thể phá hủy Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường của Trung Quốc (BRI), mà kể từ khi ra mắt vào năm 2013, đã có hơn 2.900 dự án được lên kế hoạch hoặc đang được triển khai trên toàn thế giới với tổng trị giá 3,87 nghìn tỷ USD.

Đó là nhận định trong một báo cáo vào ngày 20/4 của Tập đoàn Oxford Business Group (OBG), một công ty tư vấn và nghiên cứu toàn cầu có trụ sở chính tại Vương quốc Anh.

Mặc dù được cảnh báo đầy đủ vào giữa tháng 1 rằng virus Vũ Hán sẽ trở thành đại dịch trên toàn thế giới, Trung Quốc vẫn ký 33 hiệp định BRI với Myanmar để đẩy nhanh Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Myanmar. Các dự án mới bao gồm các tuyến đường sắt và cảng nước sâu tại thành phố Kyaukpyu của Myanmar nhằm tạo điều kiện cho khu vực Tây Nam của Trung Quốc kết nối với Ấn Độ Dương.

Tuy nhiên, theo Tập đoàn Oxford Business Group (OBG), khi virus Vũ Hán trở thành đại dịch toàn cầu, các quốc gia tham gia BRI đã đóng cửa các ngành công nghiệp không thiết yếu và yêu cầu công dân ở nhà.

Bên cạnh đó, một số quốc gia nghèo hơn đang đình chỉ chi tiêu vào dự án BRI để ưu tiên các nhu cầu hỗ trợ y tế và chăm sóc sức khỏe, theo chuyên gia tư vấn thuế và kế toán Chris Devonshire-Ellis của Dezan Shira & Associates.

Theo Tập đoàn Oxford Business Group, BRI đã là động lực chính cho sự phát triển cơ sở hạ tầng trong nhóm các quốc gia mới nổi, chiếm 21% dân số toàn cầu, nhưng chỉ chiếm 10% GDP toàn thế giới. Các nhà kinh tế ước tính rằng 35 quốc gia mới nổi có thể tăng trưởng nhanh gấp đôi so với các quốc gia phát triển, nhưng cảnh báo rằng đầu tư vào các quốc gia này mang đến các cơ hội “lợi nhuận cao – rủi ro cao”.

Theo Tập đoàn Oxford Business Group, suy thoái kinh tế do virus Vũ Hán gây ra có thể gia tăng gánh nặng nợ đối với các nền kinh tế đang phát triển, và khiến bản thân Trung Quốc phải chịu áp lực về ngân sách.

Một số kế hoạch khác thuộc sáng kiến BRI chịu tác động từ dịch COVID-19 rõ ràng hơn, như nhà máy nhiệt điện Payra tại Bangladesh, công trình dự kiến bắt đầu đưa vào hoạt động thương mại từ đầu tháng 2. Tuy nhiên, dịch COVID-19 khiến Bangladesh lo ngại và tuyên bố hoãn kế hoạch này, cùng vài dự án xây dựng khác.

Sự bùng phát của virus chết người này đã tạo ra sự trì hoãn và gián đoạn đến “Sáng kiến Vành đai và Con đường” của Trung Quốc trong tham vọng gây dựng mối quan hệ ngoại giao về kinh tế và ảnh hưởng chính trị lên các nước.

Tuy nhiên, có nhận định cho rằng chính “Sáng‌ ‌kiến‌ ‌Vành‌ ‌đai‌ ‌và‌ ‌Con‌ ‌đường”‌ ‌của‌ ‌Trung‌ ‌Quốc‌ ‌là‌ một trong những ‌nguyên‌ ‌nhân‌ ‌của sự lây lan dịch bệnh gây ra‌ đại‌ ‌dịch‌ ‌toàn‌ ‌cầu‌ mà trong đó người dân và các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề.

Như vậy thì nên chăng cần phải đặt một tên gọi chính xác hơn dành cho chính sách này là “Một Vành đai, Một Con đường…và  Một con Virus” ?

Hoàng Trung – Thoibao.de (Tổng hợp)

https://www.youtube.com/watch?v=3X0abimE8mk
TQ: 500.000 Doanh nghiệp “bốc hơi”  – TC Bình “lung lay”