Biển Đông lại ‘dậy sóng’ mặc cho đại dịch COVID-19 vẫn đang hoành hành khắp năm châu. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam mới đây đã lên tiếng về những diễn biến trên Biển Đông những ngày qua.
Trong lần trả lời câu hỏi của kênh Truyền hình Quốc phòng về các thách thức an ninh và tình hình Biển Đông trong bối cảnh thế giới đối phó với dịch COVID-19, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định cần lên án những nước lấn tới trên biển giữa lúc dịch bệnh.
Ông nói: “Những thách thức về an ninh trong khu vực dù có dịch hay không nó vẫn tồn tại. Đó là thách thức, chưa phải là nguy cơ. Điều đáng lên án là những quốc gia nhân dịp này đẩy mạnh những hoạt động phi pháp và tham vọng của họ. Và cái đó tôi cho là không có lợi cho quốc gia đó. Những quốc gia nào làm điều đó không có lợi”.
Nhà lãnh đạo cấp cao của Bộ Quốc phòng khẳng định rằng dịch bệnh không hề làm quân đội Việt Nam “quên” việc đối phó với các thách thức an ninh, trong đó, việc bảo vệ chủ quyền là “không thể quên, không thể lơi là”.
Ông Vịnh nói thêm rằng các tàu hải quân và cảnh sát biển của Việt Nam “không nghỉ ngày nào cả”. Bộ đội ở Trường Sa tuy phải cẩn trọng để không bị lây nhiễm dịch bệnh nhưng chưa có một quân nhân nào “cần phải dừng nhiệm vụ cả”, vị tướng cho biết.
Nói trên kênh Truyền hình Quốc phòng, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh rút ra kết luận rằng dịch bệnh hiện nay là thời điểm để cả quân đội lẫn đất nước Việt Nam “thay đổi cơ bản về nhận thức” đối với thách thức an ninh phi truyền thống và quan hệ với các nước khác. Ông nói:
“Trong thách thức an ninh phi truyền thống, trong quan hệ đối ngoại, quan hệ quốc tế, những lúc như thế này chúng ta sẽ biết ai là bạn, ai là bạn thân thiết, ai là người mà chỉ là đối tác. Những lúc như thế này mới thấy rằng khi đất nước mình gặp khó khăn, thì những ai sẽ đến với chúng ta. Cái này quan trọng lắm”.
Phát biểu của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được Đài truyền hình của Bộ Quốc phòng Việt Nam phát sóng hôm 26/4. Tuy nhiên, vị thứ trưởng quốc phòng không nêu đích danh những quốc gia nào đang hoạt động phi pháp và đẩy mạnh tham vọng ở khu vực.
Trên mạng xã hội, nhiều người Việt tỏ ý không hài lòng với các phát biểu của Tướng Vịnh vì ông không nêu tên cụ thể của các quốc gia liên quan. Nhưng tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, cho rằng vị thứ trưởng quốc phòng không cần phải đi vào các chi tiết:
“Với phát biểu đó, mọi người có thể nhận ra ngay ai là bạn, ai là thù. Nhưng rõ ràng đây là vấn đề khá phức tạp, bởi vì không chỉ là mỗi đối tượng chúng ta muốn nhằm vào là Trung Quốc. Cho nên với một nhà quân sự ở tầm chiến lược đó tôi cho rằng phát biểu như vậy là vừa phải, không nhất thiết phải nói rõ. Người ta nêu ra như vậy để nhắc nhở mọi người cần phải cảnh giác”.
Trước sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông, tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định rằng Việt Nam và một số nước trong khu vực cần đoàn kết, đấu tranh bằng pháp luật, đồng thời phải tăng cường “sức mạnh, hoạt động và hiện diện trên thực địa”.
Một số cường quốc cũng cần hiện diện trong khu vực, không để cho Trung Quốc có những hoạt động gây căng thẳng hoặc thậm chí là khiêu khích gây chiến tranh.
Ông Nguyễn Chí Vịnh hiện là Thứ trưởng phụ trách đối ngoại quốc phòng của Việt Nam tại Bộ Quốc phòng, vừa là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam vừa là Ủy viên thường trực Quân ủy Trung ương Quân đội nhân dân Việt Nam.
Cần lưu ý rằng Quân ủy Trung ương Việt Nam là cơ quan lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong Quân đội nhân dân Việt Nam, là cơ quan nghiên cứu đề xuất với Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam những vấn đề về đường lối, nhiệm vụ quân sự và quốc phòng; kế hoạch phòng thủ đất nước; phương hướng và biện pháp xây dựng nền quốc phòng toàn dân; cơ chế lãnh đạo của đảng với Quân đội nhân dân Việt Nam. Như vậy, tướng Vịnh giữ những rất vai trò quan trọng trong lĩnh vực quốc phòng tại Việt Nam.
Blogger Nhất Nguyên đánh giá tướng Vịnh là người hiếm hoi trong giới quân đội đóng vai trò như người phát ngôn những vấn đề quan trọng của Bộ Quốc Phòng và thực hiện chính sách đối ngoại quốc phòng.
Trong lần ra Sách Trắng Quốc Phòng mới đây hồi cuối năm 2019, tướng Vịnh cũng đóng vai trò là người chủ trì giới thiệu về Sách Trắng như một thông điệp của giới chính sách Việt Nam đối với thế giới.
Chính vì vậy, phát biểu của Tướng Vịnh vào thời điểm này cũng là một thông điệp để xem xét và phân tích cho thấy phần nào thái độ của lãnh đạo Việt Nam trước vấn đề này.
Qua phát biểu của tướng Vịnh, tác giả đưa ra một số nhận định sau.
“Thứ nhất, mặc dù câu hỏi của phóng viên trực tiếp về vấn đề Biển Đông, nhưng tướng Vịnh không đề cập trực tiếp đến biển Đông, thay vào đó, tướng Vịnh chỉ đề cập về “an ninh khu vực”. Thêm nữa, tướng Vịnh có nói về quốc gia nào đó nhân dịp dịch đẩy mạnh những hoạt động phi pháp, điều này hàm ý ám chỉ Trung Quốc. Tuy nhiên, tướng Vịnh không chỉ đích danh Trung Quốc. Điều này cho thấy sự e dè của các lãnh đạo Việt Nam khi chỉ trích Trung Quốc.
Thứ hai, tướng Vịnh cho rằng vấn đề an ninh khu vực mới chỉ là thách thức, chưa phải là nguy cơ. Thực sự thì điểm nóng nhất của an ninh khu vực hiện nay chính là biển Đông. Và vấn đề gây căng thẳng nhất trong quan hệ Việt – Trung cũng là vấn đề biển Đông. Việc Trung Quốc không từ bỏ tham vọng độc chiếm biển Đông, cùng với việc gia tăng các hành động hung hăng, hiếu chiến ngay tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia ASEAN khác, trong đó có Việt Nam đã dấn đến việc các quốc gia khu vực này liên tiếp phải tăng cường sức mạnh quân sự, dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang tại khu vực. Từ đó, đưa đến nguy cơ khu vực này như một thùng thuốc súng. Đặc biệt đối với Việt Nam là quốc gia luôn nằm trong sự đe doạ của Trung Quốc. Chính vì vậy, việc tướng Vịnh đề cập an ninh khu vực mới chỉ là thách thức mà chưa phải là nguy cơ, cho thấy mức độ quan tâm của lãnh đạo Việt Nam đối với vấn đề này. Từ đó dẫn tới các kế hoạch phản ứng của Việt Nam đối với vấn đề biển Đông sẽ không tương xứng. Điều đó cũng giải thích vì sao giới chuyên gia Việt Nam cho rằng Việt Nam chưa thực sự có một chiến lược đối phó với Trung Quốc về biển Đông một cách hiệu quả và lâu dài.
Điều thứ ba cũng phải đề cập, nhưng nằm ngoài tuyên bố của tướng Vịnh, cho dù cũng có sự liên quan. Tướng Vịnh cũng có những phát ngôn khá mạnh mẽ về Trung Quốc và biển Đông từ những năm 2011, thế nhưng, một số người Việt Nam vẫn biết rằng, vào thời gian quan hệ Việt – Trung căng thẳng năm 2011 với sự kiện tàu Trung Quốc cắt cáp tàu Bình Minh 02 thì con gái của tướng Vịnh đang theo học tại Trung Quốc, được Trung Quốc chăm sóc rất chu đáo, với tiêu chuẩn như của một thứ trưởng. Ngoài ra, Hãng Hàng không Vietjetair mà chị ruột của tướng Vịnh là Chủ tịch Hội đồng quản trị, là công ty đang nhận sự giúp đỡ tài chính từ Trung Quốc…”
Còn nhớ vào năm 2011, tướng Vịnh đã nỗ lực ‘trấn an’ Trung Quốc tại Đối thoại chiến lược quốc phòng an ninh Việt – Trung cấp thứ trưởng lần hai ở Bắc Kinh, một mực ca ngợi quan hệ Việt – Trung ngay sau những hành động gây hấn của nước này.
Trong cuộc gặp diễn ra hôm Chủ nhật 28/8/2011, ông Vịnh được Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời nói: “Nếu Việt Nam cần sự ủng hộ, đồng cảm, hợp tác và phát triển thì còn có ai hơn một nước Trung Quốc xã hội chủ nghĩa láng giềng, … một khi các đồng chí tôn trọng độc lập chủ quyền của Việt Nam và mong muốn Việt Nam cùng phát triển?”.
Phát biểu của Trung tướng Vịnh được đưa ra trong bối cảnh mới đây diễn ra nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội.
Ông Vịnh cũng thông báo với phía Trung Quốc rằng Việt Nam sẽ ‘kiên quyết xử lý vấn đề tụ tập đông người ở Việt Nam’, và dứt khoát ‘không để sự việc tái diễn’, theo tường thuật của Thông tấn xã Việt Nam.
Đây là một trong những quan chức cấp cao đầu tiên trong chính quyền trung ương công khai ủng hộ thông báo ngăn chặn biểu tình mà giới chức Hà Nội đưa ra gần hai tuần trước đây vốn đang bị một số người công kích về tính pháp lý.
Một số ý kiến nói ông Vịnh đang có nỗ lực giảm căng thẳng để dọn đường cho chuyến thăm Bắc Kinh sắp tới của Tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng.
Tân Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cuối năm đó có sang Trung Quốc để chứng kiến quan chức hai bên ký kết Thoả thuận chung về nguyên tắc giải quyết tranh chấp trên biển. Tuy nhiên, một số người cho biết, văn bản này là do bên Trung Quốc đã soạn sẵn. Một số chuyên gia luật quốc tế của Bộ Ngoại giao đi theo để kiểm tra văn bản thì bị phía Trung Quốc mời ra với lý do đây là chuyện nội bộ giữa hai đảng. Và kết quả là văn bản tiếng Trung thì nhắc tới chủ trương “Gác tranh chấp cùng khai thác” giữa hai nước tại khu vực biển tranh chấp. Trong khi bản tiếng Việt thì đã được cố gắng đổi thành “Hợp tác cùng phát triển”.
Blogger Đồng Phụng Việt cũng nhắc lại “ông Vịnh từng là người nhân danh “nghiên cứu chiến lược” quảng bá “chính sách ba không” (Không liên minh quân sự. Không cho bất kỳ quốc gia nào đặt căn cứ quân sự tại Việt Nam. Không sử dụng quan hệ song phương nhắm vào một quốc gia khác)…”
Việc “đề cao chính sách này không phải vì… hiếu hòa mà chỉ vì khát khao “có được một người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh ủng hộ và hợp tác cùng có lợi thì sẽ vô cùng thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam””.
Tác giả đã điểm lại những động thái ‘thân Trung Quốc’ của tướng Vịnh.
“Năm 2012, khi một số quốc gia xác định cần ngăn chặn Trung Quốc quân sự hóa, độc chiếm biển Đông, ông Vịnh từng cảnh báo đó là “một cuộc chạy đua vũ trang mới, một cuộc chiến tranh lạnh mới và một chiến lược ‘ngoại giao pháo hạm’ mới của các cường quốc” và đó là “nguy cơ lớn nhất” đối với an ninh khu vực châu Á – Thái Bình Dương nói chung, Đông Nam Á nói riêng và chúng ta phản đối, không đồng tình với xu hướng phát triển như vậy, đồng thời tuyệt đối không cuốn theo chiều hướng đó!
Lúc ấy, đề nghị “quốc tế hóa vấn đề biển Đông” để giúp Việt Nam cân bằng cả về thế lẫn lực trong giải quyết tranh chấp về chủ quyền với Trung Quốc đã bị ông tướng ba sao – đại diện cho đối ngoại trong quốc phòng của “ta” – thẳng thừng bác bỏ: Một vấn đề nào đó giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn gắn với bàn cờ chung của thế giới nhưng trong những vấn đề của hai nước thì Việt Nam và Trung Quốc là hai người chơi chủ yếu, sao cho không để bên khác chen vào trục lợi.
Năm sau – 2013 – trước một Trung Quốc càng ngày càng hung hãn, càn rỡ, tuy vẫn xuất đầu lộ diện như… Thứ trưởng Quốc phòng, song ông Vịnh tiếp tục cho thấy ông không giống như các ông tướng đúng nghĩa… – khi tiếp tục khuyến dụ đồng bào, rằng trong quan hệ giữa Việt Nam với người bạn xã hội chủ nghĩa rất lớn bên cạnh, họ phải tin vào Đảng, Nhà nước. Đồng thời có nghĩa vụ phải duy trì sự thống nhất giữa nhân dân với đảng, nhà nước!”
Được giới quan sát đánh giá là khôn ngoan trong cách phát biểu khi luôn luôn núp sau cái gọi là “giải quyết tranh chấp chủ quyền bằng phương pháp hòa bình”, “không làm lớn chuyện gây đổ vỡ quan hệ láng giềng hữu nghị” nhưng tướng Vịnh vẫn không thể che giấu ‘màu sắc thân Bắc Kinh’ của mình.
Liệu giới chóp bu cộng sản Việt Nam có thể thoát khỏi cái bóng của Bắc Kinh khi có những vị tướng như ông Vịnh giữ những vị trí quan trọng như thế này?
Qua các hành động kể trên của những người đứng đầu Đảng, Nhà nước Việt Nam như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tướng quân đội Nguyễn Chí Vịnh, thì chúng ta thấy giấc mơ ‘thoát Trung’ của hàng triệu người Việt vẫn còn rất xa vời.
Thu Thủy từ TpHCM – Thoibao.de (tổng hợp)