Trước những cáo buộc mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế về hành vi lấn lướt trên Biển Đông cũng với sự hối thúc kịch liệt của nhiều quốc gia về một cuộc điều tra độc lập truy tìm nguồn gốc thực sự của virus, Trung Quốc đã phải liên tiếp dùng sức mạnh kinh tế để ‘nắn gân’ các nước khác mà gần đây nhất là Philippines và Úc.
Một chuyên gia về luật hàng hải Philippines, hôm 27/4/2020, đã cáo buộc Trung Quốc sử dụng việc trợ giúp các nước khác chống dịch COVID-19 để tránh né việc họ bị chỉ trích về những hành động lấn lướt liên tục ở Biển Đông.
Theo ông Jay Batongbacal, Giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển Philippines, Bắc Kinh đã lợi dụng lúc các quốc gia tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông phải đối phó với dịch bệnh để liên tiếp tung ra những thủ đoạn gia tăng quyền kiểm soát Biển Đông.
Trả lời kênh truyền thông Philippines ANC, chuyên gia này cho rằng “người ta có thể cho rằng (Trung Quốc) sử dụng hợp tác như một phương cách để ngăn chặn mọi chỉ trích, hoạt động chống lại các hành động của Trung Quốc ở Biển Tây Philipines (tên Philippines đặt cho Biển Đông)”, vì các hành vi lấn lướt của Bắc Kinh ở Biển Đông diễn ra cùng một lúc với các hoạt động trợ giúp y tế và đề nghị hợp tác chống dịch.
Vào tuần qua, Bắc Kinh đã nhận được công hàm phản đối của Manila sau vụ một tàu Trung Quốc chĩa radar điều khiển súng về phía một tàu của Hải quân Philippines vào tháng Hai và tuyên bố những vùng của Philippines ở vùng biển tranh chấp đều thuộc về một tỉnh của Trung Quốc.
Đối với chuyên gia Batongbacal, sự cố tháng Hai giữa Hải Quân Philippines và một tàu chiến Trung Quốc là một bước leo thang chưa từng thấy trong lịch sử tranh chấp giữa hai nước, “một hành động gây hấn, một hành động tấn công … tác hại nặng nề đến ngoại giao”. Theo ông, Trung Quốc dư biết đó là một điều sai trái nhưng vẫn làm.
Theo ông Batongbacal, Manila đã chần chừ trong việc phản đối Bắc Kinh vì khi Trung Quốc có hành vi khiêu khích ở Biển Đông, chính quyền Philippines lại phải đẩy mạnh hợp tác với Bắc Kinh, chờ đợi Bắc Kinh gửi viện trợ và nhân viên y tế qua giúp đỡ, và “tất cả các thứ đó phải được làm xong trước khi họ thông báo tin là đã thực sự gởi công hàm phản đối”.
Ngày 17/2 tàu chiến Trung Quốc đã chĩa pháo vào tàu tuần tra Philippines đang làm nhiệm vụ trên Biển Đông.
Khi tàu tuần tra BRP Conrado Yap của Philippines đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ lãnh hải trên Biển Đông, nơi có cơ sở khí đốt tự nhiên Malampaya, trong nhóm đảo Kalayaan do Philippines tuyên bố chủ quyền, thì bị quấy rầy bởi tàu chiến Trung Quốc.
Thủy thủ trên tàu BRP Conrado Yap phát hiện một tàu chiến trên màn hình radar và gửi thông điệp cảnh báo bằng vô tuyến. Tàu chiến phản ứng lại bằng thông điệp rằng chính phủ Trung Quốc có “chủ quyền không thể tranh cãi” ở các đảo và vùng biển lân cận trên Biển Đông.
Tàu tuần tra Philippines lặp lại cảnh báo và yêu cầu tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển chủ quyền của họ, nhưng tàu Trung Quốc phớt lờ cảnh báo và tiếp tục lộ trình. Thủy thủ đoàn tàu tuần tra Philippines xác nhận tàu chiến Trung Quốc là tàu hộ vệ tên lửa Type-056A, số hiệu 514.
Thủy thủ đoàn tàu BRP Conrado Yap quan sát thấy pháo 76 mm trên tàu 514 của Trung Quốc đang quay nòng hướng về họ. “Việc chĩa radar điều khiển hỏa lực này có thể được sử dụng để chỉ định và theo dõi mục tiêu và pháo chính có thể sẵn sàng khai hỏa chỉ trong một vài giây”, Bộ tư lệnh Phương Tây, lực lượng vũ trang Philippines (AFP Wescom) cho biết trong một tuyên bố.
Dù tàu BRP Conrado Yap không có các thiết bị điện tử để hỗ trợ xác nhận việc tàu chiến Trung Quốc hướng radar điều khiển hỏa vào tàu của họ, nhưng các hình ảnh quan sát được xác định động thái thù địch của tàu chiến Trung Quốc. Hai tàu tiếp tục hành trình mà không xảy ra sự cố đáng tiếc nào.
BRP Conrado Yap (PS-39) với lượng choán nước 1.200 tấn, là tàu chiến được vũ trang mạnh nhất của Philippines. Nguyên bản của nó là tàu hộ tống lớp Pohang do Hàn Quốc chế tạo.
Tàu được Hải quân Hàn Quốc ngưng sử dụng vào năm 2016, sau đó tân trang lại và viện trợ cho Philippines.
Tuy nhiên, cáo buộc về việc Trung Quốc sử dụng viện trợ y tế để tránh né việc họ bị chỉ trích về những hành động lấn lướt liên tục ở Biển Đông đã lập tức bị ngoại trưởng Philippines bác bỏ.
Cáo buộc của ông Batongbacal đã lập tức bị ngoại trưởng Philippines bác bỏ. Trong một tin nhắn Twitter, ông Teodoro Locsin Jr. đã bênh vực Trung Quốc, cho rằng không có gì liên quan giữa chuyện Bắc Kinh giúp đỡ Philippines chống dịch COVID-19 với những gì diễn ra ở Biển Đông.
Trước đó, Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. thông báo, Philippines đã gửi 2 công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc. Ngoài sự kiện ngày 17/2, Philippines còn phản đối Trung Quốc “tuyên bố một phần lãnh thổ của Philippines thuộc về chủ quyền của tỉnh Hải Nam” thông qua việc thành lập 2 khu hành chính được gọi là Tây Sa và Nam Sa ở Biển Đông hồi tuần trước.
Ngoại trưởng Teodoro Locsin Jr. cho biết, Đại sứ quán Trung Quốc đã nhận được các công hàm vào chiều 22/4. Đồng thời, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Philippines cảnh báo các quan chức khác không bình luận về việc này. “Tôi hy vọng rằng không ai khác trong chính phủ bình luận bởi vì họ không đủ năng lực để làm điều đó”, ông Locsin viết trên Twitter vào cùng ngày.
Trước đó, Cựu ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã thúc giục Philippines phản đối các động thái của Trung Quốc, cho rằng hành động của Bắc Kinh gần đây cho thấy họ “đã không ngừng lạm dụng đại dịch do virus corona chủng mới gây ra (COVID-19), khi tiếp tục theo đuổi các yêu sách và mở rộng bất hợp pháp của mình ở Biển Đông“.
Trong một diễn biến khác, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra, Thành Cạnh Nghiệp (Cheng Jingye) cảnh báo : Du khách và sinh viên Trung Quốc sẽ tẩy chay Úc nếu chính quyền Canberra yêu cầu mở điều tra về COVID-19.
Cảnh báo trên được đưa ra khi đại sứ Trung Quốc tại Úc trả lời phỏng vấn của báo tài chính Australian Financial Review ngày 26/4/2020.
Đại sứ Trung Quốc, Thành Cạnh Nghiệp, hù dọa rằng việc Úc đòi mở điều tra độc lập là một hành vi « nguy hiểm » sẽ không được quốc tế hưởng ứng, thêm vào đó công luận Trung Quốc sẽ « bức xúc, hoang mang và thất vọng trước thái độ đó của Úc, họ sẽ tự hỏi Úc có còn là nước bạn của Trung Quốc nữa hay không (…) Du khách Trung Quốc sẽ suy nghĩ lại về khả năng tham quan nước Úc ».
Đại sứ Trung Quốc tại Canberra còn nêu lên khả năng dân Trung Quốc tẩy chay từ rượu đến thịt bò của Úc, sinh viên Trung Quốc quay lưng lại với các trường đại học Úc.
Cũng trong cuộc trả lời báo tài chính Úc, Đại sứ Trung Quốc không quên tố cáo Canberra là cái loa phóng thanh của Washington, lập lại quan điểm của Mỹ.
Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy quan hệ giữa Bắc Kinh và Canberra tiếp tục xấu đi.
Đáp lại cáo buộc của Bắc Kinh, Ngoại trưởng Payne trên tờ Sydney Morning Herald ngày 27/04/2020 cho rằng chính phủ Úc « bác bỏ tất cả những tuyên bố hàm ý dùng đòn kinh tế gây áp lực », nhất là trên hồ sơ COVID-19, cộng đồng quốc tế cần có một sự « hợp tác toàn cầu ».
Vẫn theo Ngoại trưởng Úc, yêu cầu mở điều tra độc lập về dịch COVID-19 là chính đáng, do cuộc khủng hoảng y tế đã « dẫn đến nhiều tác động nghiêm trọng cả về kinh tế và xã hội ».
Ngoại trưởng Payne cho hay: “Một cuộc đánh giá minh bạch và chân thật về các sự kiện sẽ rất thiết yếu khi chúng ta sắp kết thúc đại dịch và rút ra những bài học quan trọng để cải thiện việc ứng phó của chúng ta trong tương lai. Chúng tôi hy vọng tất cả các thành viên của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới) sẽ hợp tác trong nỗ lực như thế.”
Trước đó, giới chức của Chính phủ Úc liên tiếp có những động thái kêu gọi một cuộc điều tra nguồn gốc của virus gây ra đại dịch toàn cầu.
Hôm 19/04/2020, trên đài truyền ABC, Ngoại trưởng Marise Payne tuyên bố Canberra tán đồng kêu gọi của Washington về một cuộc điều tra độc lập liên quan đến nguồn gốc virus corona và cách Bắc Kinh xử lý khủng hoảng khi dịch bệnh vừa bùng phát.
Chính phủ Australia đã kêu gọi điều tra về nguồn gốc dịch bệnh, cũng như cải tổ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Bộ trưởng Y tế Úc Greg Hunt nói một cuộc điều tra độc lập sẽ phục vụ lợi ích của cả nước này và thế giới.
Theo Australian Financial Review, Thủ tướng Úc Scott Morrison đã đề cập chuyện này trong các cuộc trao đổi với nhiều nhà lãnh đạo, bao gồm Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Để nhấn mạnh lời kêu gọi của mình, ông Morrison nói rằng tất cả các thành viên của WHO nên có nghĩa vụ tham gia đánh giá.
Giới chức Anh, Pháp và Liên minh châu Âu đã thể hiện lập trường rằng ưu tiên của họ là chống dịch, song đồng ý việc cần phải nhìn nhận lại việc ứng phó với dịch bệnh.
Phải chăng thế giới đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc?
Cả Philippines và Úc đều đang ‘tiến thoái lương nan’ trong mối quan hệ với Trung Quốc.
Trung Quốc thì càng ngày càng được thể lấn tới và đã lộ nguyên hình là một quốc gia ‘không tử tế’, sẵn sàng lấy sức mạnh ‘nước lớn’ để chà đạp các nước khác.
Thế giới hậu viêm phổi Vũ Hán liệu sẽ còn chỗ đứng cho Trung Quốc, sau một loạt những hành động che giấu dịch và đe dọa, gây ra cái chết cho hàng trăm nghìn người dân trên thế giới.
Trung Quốc cũng là một nước Cộng sản độc tài đã có những hành vi lợi dụng thời điểm các nước đang phải gồng mình chống dịch, ngang ngược xâm phạm chủ quyền một loạt quốc gia khác, mà trong đó có Việt Nam.
Hải Yến từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)