Quyết định của Mỹ tạm dừng cấp ngân sách cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang nhận được sự ủng hộ mạnh từ công luận Việt Nam. Liệu sự ủng hộ của người Việt có xuất phát từ tâm lý “bài Trung” hay không, nhất là khi Hoa Kỳ và một số quốc gia EU cáo buộc WHO không làm tròn trách nhiệm và hậu thuẫn cho những thông tin sai lệch ban đầu của Trung Quốc, gây ra hậu quả đại dịch Cúm Vũ Hán lan tràn khắp thế giới?
Ông Trump cáo buộc WHO đã phạm sai lầm chết người và quá tin tưởng Trung Quốc.
Một tuyên bố của Nhà Trắng hôm thứ Tư cho biết WHO đã làm người dân Mỹ “thất vọng“.
“Người dân Mỹ xứng đáng nhận được hơn thế từ WHO, và sẽ không có thêm nguồn tài trợ nào cho đến khi sự quản lý sai lầm, bao che và thất bại của họ có thể được điều tra,” tuyên bố cho hay.
Hầu hết người Việt đều cho rằng việc Hoa kỳ cắt bỏ trợ cấp cho WHO là một “Quyết định sáng suốt”.
“Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) là một điển hình của loại ‘ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản’, nên Hoa Kỳ cắt bỏ trợ cấp là rất đúng. Hoan hô quyết định sáng suốt của Tổng thống Donald Trump!”, Luật sư Lê Công Định công khai bày tỏ sự ủng hộ trên trang Facebook cá nhân đối với quyết định của người đứng đầu nước Mỹ.
Là người đứng ra quyên góp cứu trợ cho những người nghèo và những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch Cúm Vũ Hán tại Việt Nam, nữ doanh nhân Lê Hoài Anh nói với VOA rằng bà “căm phẫn” những kẻ đã để cho dịch bệnh lan tràn và gây ra những hậu quả khôn lường trên sinh mạng và đời sống kinh tế, xã hội của người dân trên toàn thế giới.
“Tôi căm phẫn nên tôi tán thành việc điều tra và nếu thật sự ông này (TGĐ Teros của WHO) phải từ chức thì là việc phải làm để làm trong sạch lại bộ máy, bảo đảm không có sự lobby, kiểm soát, hỗ trợ cho Trung cộng”, bà Lê Hoài Anh nói.
Tương tự, blogger Nguyễn Đình Ngọc cũng cho rằng quyết định của Tổng thống Donald Trump là “hoàn toàn thỏa đáng” khi WHO đã “không làm tròn trách nhiệm” rất quan trọng của mình trong thời gian qua.
“Tình hình dịch chung trên toàn cầu đã thể hiện trên thực tế hôm nay là vai trò của tổ chức WHO là hoàn toàn chểnh mảng, vô trách nhiệm, để cho virus này từ một địa phương là Vũ Hán của Trung Quốc lan rộng ra toàn thế giới”, ông Nguyễn Đình Ngọc nói với VOA.
‘Bài Trung’ là tâm lý phổ biến hiện nay của người Việt nam và cũng của dư luận quốc tế.
Theo quan sát của VOA, tất cả những bài viết trên mạng xã hội tán thành quyết định của Tổng thống Trump đều nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của công luận Việt Nam.
Có ý kiến cho rằng người Việt thường dành sự ủng hộ mạnh mẽ cho những quyết định, sự kiện gây bất lợi cho và có liên quan đến Trung Quốc.
Doanh nhân Lê Hoài Anh thừa nhận tâm lý bài Trung có thể là một phần, nhưng không hoàn toàn là nguyên nhân khiến người Việt Nam ủng hộ quyết định của tổng thống Mỹ.
Bà nói: “Không ưa Trung Quốc thì lúc trước đã là không ưa rồi vì vấn đề biển đảo và những điều Trung Quốc làm ra đối với Việt Nam sau này như ô nhiễm môi trường chẳng hạn. Nhưng thực ra đại dịch này đã ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam nên càng làm cho họ ghét vì nguồn gốc bệnh là một, thứ hai nữa là chính vì cái không minh bạch thông tin (của Trung Quốc) làm cho dịch bệnh lây lan và ảnh hưởng rất sâu rộng đến đời sống xã hội”.
Blogger Nguyễn Đình Ngọc thì cho rằng tình trạng “chống Trung Quốc” đang diễn ra trên phạm vi toàn thế giới trong thời gian đại dịch này, và sự ủng hộ của người Việt trong quyết định của Mỹ đối với WHO “hoàn toàn không mang tính chất thành kiến”.
Ông giải thích thêm: “Tâm lý chống Trung Quốc không chỉ là riêng người Việt Nam, mà là người ta chống lại cách hành xử kém văn minh, vô trách nhiệm của Trung Quốc trên toàn thế giới chứ không phải riêng Việt Nam, và người dân Việt Nam cũng hòa mình trong cái chính nghĩa đó”.
WHO lâm vào thế bí sau đòn chí tử này của Hoa kỳ.
Hoa Kỳ hiện là quốc gia tài trợ lớn nhất cho WHO, với hơn 400 triệu đô la trong năm ngoái, chiếm khoảng 15% ngân quỹ của tổ chức quốc tế này.
Dưới góc độ của một cựu chuyên gia làm việc nhiều năm cho Liên Hiệp Quốc, Tiến sĩ Vũ Quang Việt cho rằng việc cắt ngân sách của Mỹ đối với WHO vào thời điểm này sẽ gây tác động “nghiêm trọng” trong hoạt động của WHO, đặc biệt là công tác phòng chống dịch tại những quốc gia nghèo như ở châu Phi.
TS. Vũ Quang Việt nói trong một tổ chức quốc tế như WHO, với các thành viên từ các quốc gia trên thế giới, trong đó có các nước như Hoa Kỳ, Trung Quốc với tiếng nói có trọng lượng và tầm ảnh hưởng nhất định, thì việc đưa ra những quyết định quan trọng không hoàn toàn nằm ở WHO.
Ông đưa ra ví dụ điển hình về trường hợp của Đài Loan, khi hiện nay đang có không ít ý kiến chỉ trích WHO vì đã xử lý các vấn đề của đảo quốc này theo quan điểm đây là một phần của Trung Quốc. Từ đó, dẫn đến những quy định, khuyến nghị và chính sách đối với Đài Loan tương tự như đối với Trung Quốc.
“Trung Quốc họ áp lực. Họ là một thành viên và còn là thành viên quan trọng của các tổ chức quốc tế nữa, nên họ sử dụng ảnh hưởng của mình để gạt Đài Loan ra khỏi WHO”, TS. Vũ Quang Việt cho biết, đồng thời chia sẻ thêm kinh nghiệm cá nhân.
“Trước kia tôi làm ở LHQ và phụ trách về vấn đề thống kê cũng vậy. Dĩ nhiên, tôi luôn luôn liên hệ với Đài Loan, dù là không chính thức, để lấy thông tin từ Đài Loan cho cái nhìn chung về thống kê của thế giới. Thế nhưng Trung Quốc luôn luôn áp lực để mình không được nhận một cách chính thức và không đưa số liệu ra một cách chính thức được. Ngay cả quốc tế và Mỹ cũng công nhận Đài Loan là một phần của Trung Quốc, do đó nó có những biện pháp để ngăn cản các tổ chức quốc tế làm việc và có quan hệ với Đài Loan”.
Theo TS. Vũ Quang Việt, đối với những vấn đề mang tính chính trị thì các tổ chức quốc tế như WHO khó lòng tránh khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc.
“Bất cứ ai ngồi ở WHO, làm Tổng giám đốc của WHO cũng rất khó trong vấn đề quyết định này”, TS. Vũ Quang Việt nói. Thậm chí theo ông, WHO còn không có quyền quyết định nữa.
Cựu chuyên gia của Liên Hiệp Quốc lưu ý rằng Mỹ và các quốc gia châu Âu cũng có các chuyên gia trong Tổ chức Y tế Thế giới. Vì vậy, vấn đề không nhận thức sớm và đầy đủ tầm nguy hiểm của chủng virus mới không hoàn toàn là lỗi của riêng WHO, chưa kể đến yếu tố hạn chế về tầm hiểu biết của con người nói chung đối với loại virus mới này.
Tính đến tối 16/4, virus corona đã lây nhiễm cho hơn 2,1 triệu người và giết chết hơn 141.000 người trên toàn thế giới.
Một kiến nghị kêu gọi Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus của WHO từ chức cũng đã nhận được hơn 970.000 chữ ký trong số một triệu chữ ký theo yêu cầu. Nhưng trang web www.change.org này đã bị chặn ở Việt nam từ khá lâu sau, có lẽ từ sau đợt kêu gọi ký tên thả doanh nhân Trần Huỳnh Duy Thức.
Tổng giám đốc WHO được nhận diện trong câu nói: «Thế giới phải biết ơn Trung Quốc» !
Ngày 29/01/2020, vào lúc thế giới bắt đầu nhận ra tầm cỡ của đại dịch với mức độ sát hại khủng khiếp của con virus từ Vũ Hán, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Tedros Adhanom Ghebreyesus lại tuyên bố «Trung Quốc xứng đáng được chúng ta biết ơn và trân trọng».
Chuyên gia François Godement, cố vấn về châu Á của Viện Montaigne, Paris nhận xét: «Tổng giám đốc WHO thường xuyên bênh vực Trung Quốc trong cuộc khủng hoảng này, chưa bao giờ có một lời nào chỉ trích Bắc Kinh. Ông ta không bao giờ đặt dấu hỏi về các con số mà Trung Quốc đưa ra, và một số tuyên bố của ông rõ ràng không thể chấp nhận được».
Hai tác giả Bradley A. Thayer, giáo sư đại học Texas-San Antonio và Hàn Liên Triều (Lianchao Han), phó chủ tịch tổ chức Lực lượng Công dân, trên tờ The Hill nhấn mạnh, tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, cũng như chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, phải chịu trách nhiệm về cách xử lý tệ hại trong đại dịch làm cho người chết như rạ này.
Tedros đã nhắm mắt làm ngơ trước những gì diễn ra tại Vũ Hán và những nơi khác ở Trung Quốc. Sau khi gặp Tập Cận Bình ở Bắc Kinh hồi tháng Giêng, ông tổng giám đốc WHO còn giúp Trung Quốc khỏa lấp sự trầm trọng, mức độ lây lan và tầm cỡ của nạn dịch virus corona chủng mới.
Ngay từ đầu, ông Tedros đã bênh vực Trung Quốc, bất chấp cách xử trí vô cùng tệ hại của Bắc Kinh trước nạn dịch siêu lây nhiễm này. Trong khi số trường hợp tử vong tăng vùn vụt, Tổ chức Y tế Thế giới phải mất nhiều tháng trời mới ra tuyên bố Covid-19 là đại dịch, cho dù các tiêu chí về lây nhiễm từ người sang người, tỉ lệ tử vong cao và đã lây lan khắp thế giới đều đã hội đủ.
Khi tổng thống Mỹ Donald Trump tiến hành một bước quan trọng để ngăn chận con virus Vũ Hán vượt qua biên giới Hoa Kỳ, với việc cấm du hành vào ngày 31 tháng Giêng, Tedros nói rằng cấm đoán đi du lịch các nơi và những hạn chế khác là không cần thiết cho việc chấm dứt nạn dịch. Rằng điều này có thể « làm tăng sự sợ hãi và kỳ thị, mà không có mấy lợi ích cho sức khỏe cộng đồng ». Ông ta cảnh báo, sự can thiệp vào vận chuyển và thương mại có thể gây hại cho nỗ lực giải quyết khủng hoảng, và khuyên các nước khác không nên theo gương Hoa Kỳ.
Thay vì tập trung vào nỗ lực chống lại đại dịch trên toàn cầu, Tedros lại chính trị hóa cuộc khủng hoảng, và giúp cho Tập Cận Bình trốn tránh trách nhiệm về một loạt những hành động sai trái trong việc giải quyết nạn dịch. Ông tổng giám đốc sử dụng phương tiện của WHO để bênh vực cho các hành động vi phạm nhân quyền trầm trọng của chính quyền Trung Quốc.
Chẳng hạn, từ khi phát hiện ra ca đầu tiên vào tháng 11 cho đến khi phong tỏa thành phố Vũ Hán, và ngay cả đến tận bây giờ, Trung Quốc vẫn gian trá về nguồn gốc và sự lây lan của con virus. Những ai cố gắng tìm hiểu sự thật đều bị bắt hoặc mất tích, những báo cáo và bài viết của họ trên mạng bị xóa sạch. Trung Quốc thông tin không đầy đủ và dối gạt thế giới, còn Tedros cũng tham gia nỗ lực này qua việc công khai ca ngợi « sự minh bạch » của Bắc Kinh trong cuộc chiến chống nạn dịch lây lan.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bị chỉ trích nặng nề vì quyết định ngưng tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong bối cảnh đại dịch virus corona toàn cầu đang diễn ra phức tạp.
Tỷ phú Bill Gates, một nhà tài trợ chính của WHO, nói rằng việc này ‘rất nguy hiểm’.
“Việc cắt khoản tiền tài trợ cho Tổ chức Y tế Thế giới trong một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu là rất nguy hiểm. Công việc của họ đang làm là làm chậm sự lây lan của COVID-19 và nếu công việc đó bị dừng lại thì không có tổ chức nào khác có thể thay thế họ. Thế giới cần WHO hơn bao giờ hết,” ông Gates cho biết trên một tweet đăng trên toàn khoản Twitter cá nhân tối 25/4.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc António Guterres nói rằng đây “không phải là lúc” để cắt tài trợ cho WHO, vốn “vô cùng quan trọng đối với những nỗ lực của thế giới để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống lại Cúm Vũ Hán “.
Người phát ngôn của Thủ tướng Anh, ông Vladimir Johnson, cho biết “không có kế hoạch” dừng tài trợ và cho biết WHO có “vai trò quan trọng trong việc dẫn dắt các phản ứng liên quan đến sức khỏe toàn cầu“
Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Mass tweet rằng làm cho WHO vững mạnh là một trong những khoản đầu tư tốt nhất có thể được thực hiện tại thời điểm này
Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ cho biết đây là một “bước đi sai lầm nguy hiểm“
Thủ tướng Úc Scott Morrison nói rằng ông đồng cảm với những lời chỉ trích của ông Trump nhưng WHO cũng thực hiện “rất nhiều công việc quan trọng“
Tổng thống đã làm “bất cứ điều gì cần thiết để làm chệch hướng dư luận khỏi thực tế là chính quyền của ông đã xử lý tồi tệ khủng hoảng này“, đại diện đảng Dân chủ Eliot Engel nói.
Quyết định này “hoàn toàn chính xác“, Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Josh Hawley nói, trong số nhiều đảng viên Cộng hòa chia sẻ quan điểm của ông Trump về WHO.
Việt Nam là một nước được thụ hưởng khá nhiều từ các chương trình hỗ trợ của Tổ chức y tế thế giới cho các hoạt động bảo vệ sức khỏe người dân, mặt khác gần đây, ngay trong cao điểm của đại dịch viêm phổi Vũ Hán thì Mỹ cũng hỗ trợ trực tiếp Việt Nam nhiều triệu Đô la để phòng chống căn bệnh lây lan nguy hiểm này từ Trung Quốc.
Mặc dù rất khó khăn, nhưng Việt Nam cũng ủng hộ nhân dân Trung Quốc tổng giá trị 500.000 Đô la để chống dịch, nhưng ngay sau đó thì nhà cầm quyền Bắc Kinh lại trả ơn Hà Nội bằng cách cho tàu Hải cảnh xâm phạm vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam để đâm chìm tàu gỗ đánh cá của ngư dân.
Qua hành động này, chắc hẳn trên 90 triệu người dân Việt Nam đã nhận ra ai là bạn và ai là thù.
Hoàng Trung từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)