Ngày 14/4, Bộ Ngoại giao Pháp cho biết đã triệu mời đại sứ Trung Quốc Lư Sa Dã (Lu Shaye) để phản đối một loạt bình luận gây tranh cãi của Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp về dịch viêm phổi Vũ Hán.
Thông cáo của Bộ Ngoại giao công bố vào tối thứ Ba 14/04/2020 chỉ tiết lộ thông tin chính ở những dòng cuối.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian lên tiếng phản đối việc đăng tải một loạt những bài viết nặc danh mang tính xuyên tạc trên trang web của Đại sứ quán Trung Quốc tại Paris.
Thông cáo viết : “Một số quan điểm công khai mới đây của các đại diện Trung Quốc tại Pháp không phù hợp với tính chất mối quan hệ song phương giữa hai nước.”
Một cách nói lịch sự để cho rằng đây là quan điểm cá nhân của một số đại diện Trung Quốc, nhằm không làm mất mặt Bắc Kinh.
Theo tờ báo Pháp Le Monde, ông Lô Sa Dã, đại sứ Trung Quốc tại Pháp đã được triệu mời vào buổi sáng.
Do tình hình phong tỏa vì dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, ngôn từ ngoại giao “triệu mời” được thể hiện qua việc đại diện bộ Ngoại Giao Pháp gọi điện chất vấn.
Cụ thể là ông Lô bị Chánh Văn phòng Bộ Ngoại Giao, François Delattre chất vấn qua điện thoại và bày tỏ thái độ phản đối trực tiếp với đại sứ Trung Quốc.
Việc Đại sứ Trung Quốc tại Paris được Bộ Ngoại giao Pháp triệu mời để phản đối về những tuyên bố vô căn cứ được coi là một sự kiện khá hiếm hoi.
Theo hãng tin AFP, những tuần gần đây đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã tiến hành chiến dịch công khai nhằm khoe khoang thành công của Trung Quốc trong việc chế ngự dịch viêm phổi Vũ Hán, trong khi chỉ trích công tác phòng chống dịch của các nước phương Tây.
Mới đây, ngày 12/4, Đại sứ quán Trung Quốc đã đăng trên trang web của họ một bài viết dài có tiêu đề: “Trả lại những sự thật bị bóp méo – Quan sát của một nhà ngoại giao Trung Quốc tại Paris“.
Trong bài viết, nhà ngoại giao Trung Quốc này (không được nêu tên trong bài viết) đã kịch liệt chỉ trích các nước phương Tây phản ứng chậm chạp với sự bùng phát của dịch bằng những từ ngữ thô bạo dường như nhằm trả đũa người Mỹ và châu Âu đã phê phán Trung Quốc về việc xử lý dịch bệnh.
Đặc biệt, người này còn viết : “Những người cao tuổi ở các viện dưỡng lão bị yêu cầu ký xác nhận ‘không muốn chữa trị khẩn cấp’, nhân viên EHPAD không thực hiện chức trách, đồng loạt bỏ vị trí, để mặc cho những người già chết vì đói và bệnh tật.”
Tuy không nói ở nước nào, nhưng ‘EHPAD’ là từ viết tắt của ‘Cơ sở lưu trú cho người cao tuổi không thể tự sinh hoạt độc lập’ tức viện dưỡng lão ở Pháp.
Tờ báo Le Monde sau khi kiểm tra cho biết nguồn tin được Đại sứ quán Trung Quốc lấy từ một bài báo trên tờ Ouest-France nhưng bài báo này đề cập đến tình hình tại Tây Ban Nha.
Không chỉ công kích nhân viên y tế của Pháp, bài viết của nhà ngoại giao Trung Quốc giấu tên còn chĩa mũi dùi vào nhiều đối tượng khác như các chính trị gia, các nhà báo…
Bài viết có đoạn: “Ở phương Tây, chúng tôi đã chứng kiến các chính trị gia tự làm hỏng mình để thu thập phiếu bầu, khuyến khích miễn dịch cộng đồng, bởi vậy mà bỏ mặc công dân của họ một mình đối mặt với cuộc thảm sát của virus.”
Tác giả còn viết thêm : “Tổ chức Y tế Thế giới – WHO bị các nước phương Tây hạch tội, một số còn tấn công trực diện vào Tổng giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus. Chính quyền Đài Loan với sự ủng hộ của 80 nghị sĩ Pháp đồng ký tên trong một tuyên bố, thậm chí còn dùng từ ‘nègre’ (tạm dịch : tên da đen, lọ nồi) để chỉ ông. Tôi không hiểu nổi những gì đã diễn ra trong đầu tất cả những đại biểu Pháp này.”
Vấn đề là sự thật không phải như Trung Quốc vu cáo. Theo dẫn chứng của AFP, trang “Diễn đàn” của tuần báo l’OBS (Người quan sát) có đăng nguyên văn bức thư này vào ngày 31/3, trong đó các dân biểu Pháp và Đài Loan than phiền là cho đến nay Đài Loan vẫn bị Tổ chức Y tế Thế giới khai trừ, nhưng hoàn toàn không có một lời nào “lăng mạ” Tổng giám đốc người Ethiopia thậm chí không hề nhắc đến ông. Người ta tìm đỏ mắt chẳng thấy chữ ‘tên da đen’ ở đâu !
Bài viết trên còn tấn công vào một số hãng tin phương Tây, khi nói một số hãng tin chỉ chăm chăm vào việc “công kích Trung Quốc” thay vì đưa tin về cuộc khủng hoảng y tế ở nước họ.
Trước bài viết mang tính đả kích trên, Ngoại trưởng Pháp đã nhấn mạnh rằng “không có chỗ cho khẩu chiến” trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Ông đã thể hiện rất rõ “sự phủ nhận” trước thông tin bài viết nọ với Đại sứ Lô Sa Dã, khẳng định rằng Pháp và các nước châu Âu khác cần phải theo đuổi sự “đoàn kết, đồng lòng và hợp tác quốc tế”.
Bài viết viết sai sự thật một cách trắng trợn này đã châm ngòi giận dữ trong giới chính trị Pháp. Nhiều chính trị gia đã phẫn nộ viết trên Twitter đòi hỏi Nhà nước Pháp phải có phản ứng chính thức. Bộ Ngoại Giao Pháp đứng trước thế lưỡng nan bởi những ràng buộc khác nhau với Trung Quốc trong bối cảnh đại dịch viêm phổi Vũ Hán vẫn đang hoành hành.
Nếu công khai phản đối, sẽ có nguy cơ làm ảnh hưởng đến việc mua hàng tỉ khẩu trang của Trung Quốc mà Pháp đang hết sức cần.
Vai trò của Bắc Kinh cũng mang tính quyết định trong một vấn đề lớn khác đối với Paris, đó là xóa hoặc giảm một phần nợ cho các nước châu Phi. Vấn đề này được thảo luận nhiều lần trong các cuộc họp tại văn phòng Ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian.
Tuy nhiên cũng không thể để yên cho đại sứ quán Trung Quốc tự tung tự tác ?
Việc trang web của một cơ quan đại diện ngoại giao nhưng lại đầy những bài viết hung hăng, độc hại, bất chấp sự thật nhằm trốn tránh trách nhiệm của Bắc Kinh để xảy ra đại dịch là một việc không thể chấp nhận tại một nước Pháp luôn nỗ lực vận động cho tinh thần bắc ái và hợp tác quốc tế.
Chuyên gia Antoine Bondaz, Quỹ Nghiên cứu Chiến lược khi trả lời phỏng vấn trên trang Atlantico ngày 14/04/2020 nhận định, bài viết của đại sứ quán Trung Quốc ngày 12/4 là một việc “đáng xấu hổ”.
Ông kể ra : “Họ loan tin đồn, bóp méo thông tin, sỉ nhục tất cả từ nghị sĩ, nhà báo, cho đến nhà nghiên cứu. Đây không phải là lần đầu tiên. Cách đây vài tuần, tài khoản Twitter của đại sứ quán Trung Quốc còn ‘like’ một bài khẳng định ‘’đài BFM và truyền thông phát-xít tuyên truyền cho tính thượng đẳng da trắng’’. Nhưng bài viết lần này đã vượt qua một cái ngưỡng đáng ngại”.
Từ những sự kiện tưởng tượng ở viện dưỡng lão, những tuyên bố “virus chỉ tấn công người da vàng” được sáng tác và gán vào miệng các nhà lãnh đạo Âu – Mỹ, cho đến từ ngữ kỳ thị chủng tộc tự đặt ra…, nếu không phản ứng, coi như khuyến khích Trung Quốc tiếp tục chính sách bôi nhọ công khai.
Hơn nữa, Lô Sa Dã không phải là nhà ngoại giao duy nhất của Trung Quốc thích bóp méo sự kiện.
Trước khi đến Pháp vào mùa hè 2019 cho nhiệm kỳ đại sứ mới, Lô Sa Dã đã nổi tiếng là ‘diều hâu’ khi làm đại sứ tại Canada. Paris từng phàn nàn về một số tuyên bố sai lạc của ông ta liên quan đến Huawei. Từ đó đến nay, ông Lô Sa Dã thường xuyên đăng bài dưới tựa đề “Quan sát của một nhà ngoại giao Trung Quốc đương chức ở Paris”.
Tuy nhiên, Lô Sa Dã chỉ là một trong những “chiến binh sói”, sản phẩm ngoại giao hình thành dưới nhiệm kỳ của Tập Cận Bình.
Tờ South China Morning Post ngày 12/04/2020 đã đăng bài viết có tựa đề “Trung Quốc muốn các nhà ngoại giao có tinh thần chiến đấu cao hơn”. Bài viết nhận xét sự trỗi dậy của các “chiến binh sói” cho thấy đường lối ngày càng hung hăng để quảng bá chủ trương của đảng.
Tờ báo cho rằng việc này có thể gây tổn hại cho hình ảnh Trung Quốc, nhưng lại có lợi cho các “chiến binh” vì họ sẽ được thăng tiến nhanh chóng.
Một thời gian ngắn trước khi được thăng chức Vụ trưởng Vụ Thông tin Bộ Ngoại giao vào năm ngoái, bà Hoa Xuân Oánh từng than phiền các nhà ngoại giao Trung Quốc “thiếu tinh thần chiến đấu” trong việc xúc tiến các luận điệu của Bắc Kinh.
Bà Hoa nhìn nhận rằng Trung Quốc vất vả khi phổ biến thông điệp của mình, trong lúc sự kình địch với Hoa Kỳ ngày càng sâu sắc hơn, và tham vọng toàn cầu của Trung Quốc đang bị giám sát. Nhưng đối với Hoa Xuân Oánh, người vừa hoàn tất một khóa huấn luyện về chính sách đối nội và đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trường Đảng trung ương, lỗi một phần ở việc ngồi yên không hành động của các nhà ngoại giao.
Đó có lẽ là lý do mà từ một năm qua, các nhà quan sát đã ghi nhận hiện tượng những nhà ngoại giao Trung Quốc trên toàn thế giới đổ xô vào các mạng xã hội như Twitter – vốn bị cấm đoán ở Hoa lục – để quảng bá các quan điểm của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Các nhà phân tích cho rằng hiện tượng những “chiến binh sói” xung trận đánh dấu một sự thay đổi trong quan hệ của Bắc Kinh với thế giới. Quyền lực tập trung trong tay Tập Cận Bình đã khiến những tiếng nói ôn hòa bị gạt ra ngoài, theo mô tả của Giáo sư Triệu Thông (Trung tâm Carnegie – Thanh Hoa) thay vào đó là “một chu trình tự củng cố giữa một nhà lãnh đạo tự đắc và các cố vấn chính sách quyết đoán”.
Giáo sư Triệu Thông cảnh báo, các nhà ngoại giao cấp cao “cần biết rằng họ sẽ phá hủy hình ảnh trên trường quốc tế của Trung Quốc, hơn bất kỳ người ngoại quốc nào”.
Tương tự, chuyên gia Bàng Trung Anh, Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore nhấn mạnh, những “chiến binh sói” này đang đi ngược lại nguyên tắc ngoại giao, không có lợi cho Trung Quốc, không giúp Bắc Kinh có được bạn bè trên thế giới. Ông bày tỏ sự thất vọng khi các nhà ngoại giao này đặt sự nghiệp cá nhân lên trên, gây tổn hại nghiêm trọng cho hình ảnh Trung Quốc trên toàn cầu.
Chuyên gia Bondaz đã đề xuất Pháp nên theo đuổi sáng kiến của Quốc hội Mỹ năm 2000 khi thành lập một ủy ban phụ trách việc xem xét quan hệ kinh tế và an ninh với Trung Quốc. Các nhà báo và nhà nghiên cứu cũng cần đóng vai trò quan trọng trong việc phơi bày và lên án thái độ ngang ngược của Bắc Kinh.
Ông kết luận: hợp tác với Trung Quốc là cần thiết – nhưng phải bảo vệ các nguyên tắc của mình, tỏ rõ những bất đồng, tố cáo những tuyên bố quá khích – đặc biệt là từ miệng các nhà ngoại giao Trung Quốc trên đất Pháp.
Sau những đòn ngoại giao và thương mại liên tiếp từ Mỹ, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã lãnh đòn ngoại giao đầu tiên của Pháp vì sự dối trá không biên giới của mình.
Dù là nền kinh tế thứ hai của thế giới với những vòi bạch tuộc vươn dài khắp năm châu, nhưng nếu giới cầm quyền Trung Quốc còn tiếp tục theo đuổi những hành động ‘đáng xấu hổ’ với thái độ ngang ngược thì cả thế giới văn minh sẽ liên kết để quay lưng với nước này.
Và ngay cả Việt Nam, nơi đã có bài học rất cay đắng khi để nền kinh tế phụ thuộc vào Trung Quốc một cách quá mức, đây là lúc nhà cầm quyền tại Hà Nội cần vạch lại chiến lược phát triển cho đất nước với gần 100 triệu dân. Nhưng muốn đa phương hóa và kết thân, trở thành đồng minh được với các nước pháp quyền và dân chủ thì Việt Nam cần thay đổi thể chế sang một nền dân chủ thực sự với bầu cử tự do, để người dân tự lựa chọn ra những gương mặt đại diện cho mình lãnh đạo đất nước.
Hoàng Lan từ Hà nội – Thoibao.de (Tổng hợp)