Hàng không mẫu hạm Mỹ Theodore Roosevelt thăm Đà Nẵng: Tín hiệu gì cho VN và TQ?
Ý kiến rằng hàng không mẫu hạm Mỹ thăm VN vào 5/3 cho thấy Mỹ xác quyết sự hiện diện trên Biển Đông, bất chấp động thái mới của Philppines, đồng thời đề cao vai trò của Việt Nam.
Chuyến thăm thứ hai của hàng không mẫu hạm Mỹ tới Việt Nam diễn ra ngay sau khi Tổng thống Philippines cho hay đã chính thức thông báo với Mỹ về khả năng chấm dứt Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự (VFA), được ký từ năm 1988.
Quyết định của Philippines hạn chế hợp tác quân sự với Mỹ làm dấy lên lo ngại của các nước trong khu vực Đông Nam Á về sự thiếu vắng hiện diện quân sự của Mỹ trên Biển Đông trong khi Trung Quốc ngày càng lấn lướt.
Trong tình huống này, chuyến thăm của tàu Mỹ tới Việt Nam đang gửi đi những thông điệp gì?
Ngày 3/3, Giáo sư Carl Thayer từ Australia cho hay:
“Washington sẽ đàm phán riêng với Philippines để ngăn chặn việc chấm dứt VFA – Thỏa thuận Thăm viếng Quân sự giữa Hoa kỳ và Phillipines từ năm 1988. Thỏa thuận này cung cấp cơ sở pháp lý cho việc triển khai tạm thời các lực lượng quân sự của Hoa Kỳ tại Philippines. Tàu sân bay Mỹ và các tàu chiến lớn khác thường xuyên đến Philippines.”
“Nhiều khả năng Việt Nam chấp thuận chuyến thăm của hàng không mẫu hạm Mỹ trước khi có động thái nói trên của Philippines. Nhưng nếu quan hệ với Philippines xấu đi đến mức VFA bị chấm dứt, thì điều này sẽ nâng cao tầm quan trọng của việc Hoa Kỳ tiếp cận các cảng tại Việt Nam một cách thường xuyên nhằm củng cố sự hiện diện của họ trên Biển Đông.”
“Điều này đòi hỏi Việt Nam phải thay đổi chính sách cho phép tàu nước ngoài cập cảng mỗi năm. Hoa Kỳ sẽ tăng cường nỗ lực vận động hành lang với Việt Nam để bảo đảm mục tiêu này.” Giáo sư Carl Thayer nhận định.
“Thật không may, việc Thượng đỉnh ASEAN-Mỹ dự kiến diễn ra giữa tháng Ba đã bị hoãn. Như vậy là mất đi cơ hội để Tổng thống Donald Trump nêu ra vấn đề này một cách riêng tư với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người dự kiến sẽ tham dự cuộc họp này.”
“Các tài liệu về chính sách của Hoa Kỳ cũng xác định Việt Nam là đối tác chiến lược ưu tiên. Chuyến thăm của USS Theodore Roosevelt là một minh chứng cho cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực và sự hiện diện của nó ở Biển Đông được Việt Nam hoan nghênh.”
Nhắc lại chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson năm 2018, ông Carl Thayer cho rằng chuyến thăm thứ hai này của USS Theodore Roosevelt diễn ra sau cuộc đối đầu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Bãi Tư Chính đã “nhấn mạnh một tuyên bố quan trọng trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2019 rằng Việt Nam sẽ xem xét phát triển quan hệ quân sự và quốc phòng phù hợp và cần thiết với các quốc gia khác“.
Cũng theo Giáo sư Carl Thayer, trong hàng loạt tài liệu chính sách chiến lược, Hoa Kỳ đã xác định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính. Năm 2019, Hoa Kỳ gay gắt hơn, cáo buộc Trung Quốc bắt nạt và đe dọa ở Biển Đông.
Chuyến thăm Đà Nẵng của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cho thấy Hoa Kỳ đang thực hiện một trong ba mũi nhọn trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm: hiện diện thường xuyên của tầu tuần tra hải quân Mỹ, hiện diện thường xuyên của máy bay ném bom, và tự do hoạt động hàng hải, vẫn theo GS Carl Thayer.
“Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Hoa Kỳ có chính sách lâu dài là tiến hành các cuộc tuần tra thường xuyên và liên tục ở Biển Đông. Chuyến thăm của USS Theodore Roosevelt là một ví dụ rằng chính sách này đang được thực hiện.”
“Hoa Kỳ đang chứng minh rằng họ sẽ bay và đưa tàu tới khu vực Biển Đông nơi luật pháp quốc tế cho phép. Đây là một thách thức trực tiếp đối với Trung Quốc nhằm tìm cách đẩy các quốc gia nước ngoài ra khỏi vùng biển nằm trong đường yêu sách đường chín đoạn do họ tự vạch ra,” GS Carl Thayer phân tích.
“Hướng dẫn báo chí do Bộ Ngoại giao Việt Nam ban hành vào cuối tháng Hai cho thấy Việt Nam muốn chuyến thăm sắp tới giữ ở mức ít chú ý.” Giáo sư Carl Thayer nói.
Ông đơn cử việc hướng dẫn báo chí gửi đến các phóng viên tại Việt Nam chỉ đề cập đến chuyến thăm của tàu hải quân Hoa Kỳ chứ không nói là tàu sân bay.”
Hướng dẫn này cũng viết rằng các phóng viên ”được mời đến nghe các tuyên bố ngắn và đặt câu hỏi tại một cuộc họp báo nhanh” vào ngày 5/3, và “Thông tin về chuyến thăm này không được công bố cho đến khi có thông báo mới.”
Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt của Hải quân Mỹ cùng đội hộ tống bao gồm một tuần dương hạm và năm khu trục hạm đang thực hiện hành trình vượt Thái Bình Dương, sẽ cập cảng Đà Nẵng từ 5-9/3/2020.
Trong chuyến thăm lần này, ngoài biên đội tàu sân bay USS Theodore Roosevelt còn có liên đội máy bay số 11 của Không quân Hải quân Mỹ.
Đội tàu hộ tống trong biên đội của tàu sân bay USS Theodore Roosevelt bao gồm một tuần dương hạm lớp Ticonderoga – lớp tuần dương hạm duy nhất Mỹ đang sử dụng.
USS Theodore Roosevelt là tàu sân bay lớp Nimitz thứ 4 của Hải quân Mỹ, hạ thủy năm 1986 và tham chiến lần đầu trong Chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991. Tàu chạy bằng năng lượng hạt nhân, với chiều dài khoảng 330 mét và là nơi ăn ở, làm việc của hơn 5.000 thành viên thủy thủ đoàn. Tàu có thể mang tối đa 90 chiến cơ các loại bao gồm máy bay cánh cố định và trực thăng. Loại chiến cơ phổ biến nhất trên tàu sân bay này là F/A-18 Hornet.
Đây được ví như một thành phố nổi với tải trọng 100.000 tấn, với số nhân viên của tàu là 3.200 người và số nhân viên xử lý nhiệm vụ bay là 2.480 người.
Năm 1991, con tàu không kích Iraq trong chiến dịch Bão táp sa mạc. Năm 1999, cũng tàu sân bay này thực hiện các cuộc tấn công vào Kosovo và Serbia.
Sau các vụ khủng bố ngày 11/9/2001, USS Theodore Roosevelt được triển khai tới Trung Đông và tham gia vào các cuộc oanh kích đầu tiên vào mạng lưới khủng bố Al Qaeda và Taliban.
Ngoài hệ thống phục vụ các chiến cơ, con tàu như thành phố nổi này có thể lọc được hơn 1.500 mét khối nước mỗi ngày từ nước biển, số lượng đủ khả năng cung cấp cho khoảng 2.000 hộ dân.
Sau đó 2 năm, các chiến cơ từ USS Roosevelt đã tấn công mục tiêu tại Iraq trong những ngày đầu của chiến dịch Tự do cho người Iraq.
Hệ thống tự vệ của tàu là giàn phóng tên lửa Sea Sparrow, dùng để chống lại các đòn tấn công đường không của đối phương ở cự ly gần.
Hiện Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đang làm việc với Bộ Ngoại giao Việt Nam để chuẩn bị cho chuyến thăm, và còn chờ quyết định cuối cùng từ phía nước chủ nhà Việt nam.
Dự kiến khi tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam lần thứ hai tại cảng Đà Nẵng, cũng sẽ diễn ra các hoạt động tương tự như khi tàu USS Carl Vinson đến, bao gồm các cuộc gặp gỡ, huấn luyện chung giữa các quân nhân hai nước, và các hoạt động giúp đỡ cộng đồng, giao lưu văn hóa giữa thủy thủ đoàn với người dân địa phương.
Theo mô tả của báo chí trong nước, người dân Đà Nẵng nói riêng và người Việt Nam nói chung rất hào hứng và có ấn tượng tốt đẹp về chuyến thăm của tàu USS Carl Vinson hồi đầu năm 2018.
Người dân Đà Nẵng vẫn chưa quên chuyến thăm của tàu sân bay USS Carl Vinson hồi tháng 3/2018.
Hàng không mẫu hạm Mỹ lần đầu tiên đến Đà Nẵng kể từ 1975 – sau 43 năm trôi qua kể từ thời điểm đó, người Đà Nẵng đón tiếp những thuỷ thủ Mỹ với một tâm thế mới.
Gia đình ông Nguyễn Văn Nhân, 59 tuổi từng có người tham gia chiến tranh năm xưa. “Sống dưới thời chiến và khi đất nước hoà bình như ngày nay, tôi nghĩ chuyện quá khứ đã là quá khứ. Họ (người Mỹ) đến đây và giao lưu văn hoá cởi mở, thật tình với mình thì mình tiếp nhận thôi“, ông Nhân nói.
Anh Nguyễn Minh Nhật, 26 tuổi, nhân viên một công ty tin học, so sánh tinh thần của “phong trào ngắm và săn ảnh tàu USS Carl Vinson” dịp này cũng đầy hào hứng và quan tâm như khi người dân Đà Nẵng kéo ra đường chào đón đoàn xe của Tổng thống Trump tới thành phố này dự APEC cuối năm 2017. “Nhiều người bạn của tôi rủ rê lập nhóm đi tìm địa điểm quan sát tàu, còn chủ đề này được nhắc đến khá nhiều trên mạng xã hội“.
Theo Minh Nhật, những lợi ích mà Mỹ tích cực quảng bá như phát triển kinh tế thịnh vượng, các cơ hội đến từ thông thường kinh tế và tự do đi lại, lưu thông trên biển… “đều là những yếu tố phù hợp, cần thiết với sự phát triển của Việt Nam“. “Việt Nam cần một người bạn và đối tác như Mỹ. Ngoài ra, riêng với người Đà Nẵng thì họ cũng đã biết đến và quen với sự hiện diện của người Mỹ tại đây rồi“, Minh Nhật nói.
Hàng không mẫu hạm Mỹ hàng năm đều có chuyến viếng thăm Việt Nam đã đánh dấu sự dịch chuyển của nhà cầm quyền Hà Nội ngày càng gần hơn về phía Mỹ, điều này cần thiết để đương đầu với 1 Trung Quóc đang mạnh lên và hung hăng trên Biển Đông.
Nếu phía Việt Nam dũng cảm tiến tới Dân chủ hóa đất nước, thì sự hợp tác quân sự với Mỹ và các nước Tự do phương Tây sẽ nâng tầm cao mới, đó là trở thành đồng minh của nhau. Khi đó Trung Quốc không thể tiếp tục “bắt nạt” Việt Nam như hiện nay và chủ quyền đất nước sẽ được bảo vệ vững chắc.
Trung Nam từ Đà nẵng – Thoibao.de (Tổng hợp)