Nếu đúng thế, thì đây là lần đầu tiên kể từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, nước Đức đón tiếp một Bộ trưởng Việt Nam và đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được bình thường hóa và quan hệ đối tác chiến lược cũng được phục hồi.
Và nếu chuyến thăm Đức của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh thành hiện thực, thì việc Trịnh Xuân Thanh được trả về Đức có lẽ cũng sẽ thành hiện thực.
-*-*-*-*-*-*-*-*-*-
Mặc dù ông Nguyễn Minh Vũ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa XIV phê chuẩn bổ nhiệm hôm 24.7.2018 là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Đức, nhưng mãi 5 tháng sau ông Vũ mới đặt chân đến Berlin ngày 27.12.2018 bắt đầu nhiệm kỳ công tác Đại sứ của mình tại CHLB Đức. Tờ nhật báo TAZ của Đức cho biết nguyên do của sự chậm trể này, trích nguyên văn:
Một Đại sứ mới cho sự khởi đầu mới
Vào cuối tháng 7 vừa qua, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bổ nhiệm Đại sứ Việt Nam mới tại Đức, ông Nguyễn Minh Vũ, thay thế ông Đoàn Xuân Hưng. Theo quan điểm của Hà Nội, cho một khởi đầu mới đáng tin tưởng về quan hệ ngoại giao thì nhất thiết cần phải có một Đại sứ mới, không có liên quan gì đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Kể từ khi vụ bắt cóc xảy ra hồi cuối tháng 7/2017, Chính phủ Đức cũng như những nhà ngoại giao nước khác đã cắt giảm quan hệ với Đại sứ cũ Đoàn Xuân Hưng, mà trong Đại sứ quán của ông ta nạn nhân bị bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được cho là đã bị nhốt 2 ngày trong đó trước khi được chuyển đến Bratislava (thủ đô Slovakia). Ông Hưng đã gây chú ý trong dư luận về việc ông uống bia và chơi golf với những người Việt Nam định cư ở Đức, mà những người này bị cảnh sát để ý đến.
Mặc dù Đại sứ mới đã được chính thức bổ nhiệm, nhưng Đại sứ cũ vẫn tiếp tục chức vụ. Bộ Ngoại giao Đức đã tuyên bố, như một người trong nội bộ tiết lộ với tờ TAZ, chỉ khi nào điều kiện trả Trịnh Xuân Thanh về lại Đức được đáp ứng, thì Đức mới đồng ý chấp nhận Ủy nhiệm thư của Tân Đại sứ Nguyễn Minh Vũ. Nếu không, ông Vũ -người có một một vị thế vững chắc hơn người tiền nhiệm của mình- sẽ bị “đốt cháy“.
(hết trích)
Được biết, khi vừa mới tới Berlin, ông Nguyễn Minh Vũ đã gửi đăng ký vào Phủ tổng thống Đức để xin lịch hẹn gặp Tổng thống Steinmeier trình Quốc thư, chỉ sau đó ông mới trở thành Đại sứ chính thức của Việt Nam tại Đức.
Ông Nguyễn Minh Vũ không phải lần đầu đến Đức công tác, ông đã từng có nhiệm kỳ giữ chức Tham tán Công sứ (tương đương Phó Đại sứ) tại Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin từ 5/2007 – 8/2010. Là một cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp và không phải „ đội lốt“ như nhiều người khác, ông có tính cách thận trọng, nhờ đó trong nhiệm kỳ trước đây ông hầu như không bị tai tiếng gì, đặc biệt là trong vụ nghệ sỹ múa Lê Thu Phương của một đoàn nghệ thuật Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Việt Nam sang biểu diễn phục vụ liên hoan Bia quốc tế tổ chức tại Berlin. Lê Thu Phương đã trốn khỏi đoàn, đặt đơn xin tị nạn chính trị và xin nhà nước Đức bảo hộ vì lý do về nước sẽ bị trừng trị.
Không có giấy tờ tùy thân, đơn xin tị nạn của Lê Thu Phương vẫn không được chấp nhận. Không rõ vì lý do nhan sắc, tài năng hay thế lực mà vị diễn viên trẻ này nhận được rất nhiều sự giúp đỡ. Thông qua nhiều đường với nhiều môi giới khác nhau, hồ sơ xin cấp hộ chiếu của Lê Thu Phương đã lọt qua hệ thống kiểm tra của nhân viên Đại sứ quán và không dưới hai lần đã nằm trên bàn ông Nguyễn Minh Vũ chờ chữ ký của ông phó Đại sứ này, dĩ nhiên với lời của phía gia đình Lê Thu Phương nhắn sẽ không “quên ơn“. Nghiệp vụ tinh tường của một vị cục phó cục lãnh sự luôn chấp hành pháp luật nhà nước đã giúp ông Vũ thoát hiểm trong những lần này.
Hết nhiệm kỳ, Tham tán công sứ Nguyễn Minh Vũ cũng phải về nước. Đây chính là thời điểm vị cứu tinh xuất hiện, Đại sứ Đỗ Hòa Bình đã đơn phương ký, cấp hộ chiếu cho Lê Thu Phương với lời giải thích như sau: Không biết con bé này là thành phần gì mà nhiều người gọi điện tác động thế! Thậm chí còn có cả thư của lãnh đạo Bộ Công an đề nghị cấp hộ chiếu cho Lê Thu Phương.
Nói chung, trong nhiệm kỳ trước đây tại Đức hình ảnh của ông Vũ thật sự được người Việt ở đây ghi nhận với nhiều thiện cảm, có ấn tượng tốt về một nhà ngoại giao trí thức.
Một Đại sứ mới nhưng vẫn cách “thâm nhập” cũ
Làm chính khách thường bị công chúng soi mói và các nhà ngoại giao, Đại sứ cũng không ngoại lệ. Nhiệm kỳ lần này, ông Nguyễn Minh Vũ giữ chức vụ cao nhất Đại sứ quán. Chức vụ càng cao, càng bị công chúng soi mói nhiều. Đó là lẽ thường.
Sang Đức lần này, nơi ông Vũ đến thăm, tiếp xúc đầu tiên không phải là những người dân Việt nghèo khó cần giúp đỡ, mà là buổi tiệc mừng năm mới vui chơi của một số doanh nhân chợ Đồng Xuân vào đêm 1.1.2019. Những “chủ doanh nghiệp” giầu có nhờ buôn bán, họ cảm thấy bỗng trở nên sang trọng khi được Đại sứ đến thăm. Họ chẳng tiếc gì để có cơ hội này. Chụp ảnh, chúc tụng, vinh danh… một số người trong số họ, chỉ cần chi ra chút ít, là trở thành “chính khách“ trước con mắt cộng đồng. Các báo của người Việt tha hồ đưa tin, đăng ảnh. Mấy vị phóng viên mới vào nghề bỗng có giá, không hết việc.
Chẳng nhẽ, trước khi sang Đức người tiền nhiệm Đoàn Xuân Hưng trong lúc bàn giao công việc đã không quên bàn giao luôn công tác “thâm nhập” doanh nghiệp nơi sẽ có chiêu đãi tiệc của nhà giầu, thay vì “thâm nhập“ vào cộng đồng những người có thu nhập thấp, tầng lớp trí thức, các em sinh viên nghèo, các hội đoàn phi kinh doanh v.v. Nhiều người còn mỉa mai giải thích: thương nhân là người dễ thương mà, nên các vị Đại sứ thường đến thăm.
Nhiệm vụ trọng tâm là khôi phục lại toàn diện mối quan hệ với Đức
Ông Nguyễn Minh Vũ cũng phải tiếp quản một di sản nặng nề của người tiền nhiệm để lại sau vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh ở Berlin hồi 23.7.2017, đưa vào nhốt trong Đại sứ quán Việt Nam 2 ngày để sau đó chuyển tiếp đi qua Slovakia áp tải về Việt Nam. Hậu quả đã bị cơ quan điều tra Đức phát giác có ít nhất 6 nhân viên ĐSQ VN đã trực tiếp nhúng tay hỗ trợ mật vụ Việt Nam do Trung tướng Đường Minh Hưng dẫn đầu, gây ra vụ bắt cóc công dân của mình giữa thủ đô nước Đức.
Hiện nay Tòa án Liên bang Đức vẫn đang thụ lý hồ sơ kháng nghị phúc thẩm của bị cáo Nguyễn Hải Long đã tiếp tay cho vụ bắt cóc, dự kiến Tòa án Liên bang sẽ ra phán quyết cuối cùng trong ít tuần tới. Tại đây, ông Vũ với vai trò đại diện cho nhà nước Việt Nam ở Đức cũng có trách nhiệm tham gia vào công tác bảo hộ công dân đang bị tạm giam này, như những gì vị cựu Đại sứ Đoàn Xuân Hưng đã làm trước đó tại các phiên tòa xét xử nghi phạm Nguyễn Hải Long.
Bên cạnh đó, những công dân khác của Việt Nam đã có tên trong hồ sơ nghi phạm bắt cóc Trịnh Xuân Thanh như ông „Tiến hói“ ở Berlin, ông „Vinh Mơ“ ở Leipzig và một số người khác sẽ phải tiếp tục đối diện với cơ quan điều tra Đức cùng cáo buộc tiếp tay cho mật vụ Việt Nam và hoạt động gián điệp chống lại nhà nước Đức. Họ đều cần sự hỗ trợ của cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở đây.
Điểm cần lưu ý là cuộc điều tra của Tổng Công tố Liên bang Đức cho đến nay vẫn chưa kết thúc, hiện nay vẫn đang tiếp tục tiến hành điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Việc khôi phục toàn diện quan hệ ngoại giao Việt-Đức, kể cả quan hệ đối tác chiến lược mà bị phía Đức đình chỉ từ ngày 22/09/2017, sẽ là nhiệm vụ trọng tâm của tân Đại sứ Nguyễn Minh Vũ trong nhiệm kỳ 3 năm của ông.
Buổi chiều ngày 04.01.2019 tại Đại sứ quán, tân Đại sứ Nguyễn Minh Vũ đã có một cuộc gặp mặt lần đầu tiên với đại diện một số hội đoàn và một số cá nhân tiêu biểu. Nhân dịp này ông Vũ đã vui mừng thông báo:
– Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và EU (viết tắt là EVFTA) có thể sẽ được ký kết vào tháng 3 hoặc tháng tư sắp tới.
Có lẽ ông Vũ đã quá lạc quan, vì tất cả những dữ kiện cho thấy Hiệp định EVFTA khó mà được ký kết và được Quốc hội EU thông qua trong nhiệm kỳ khóa này. Nhanh nhất là vào cuối năm nay sau cuộc bầu cử Quốc hội EU.
– Tuần sau thứ trưởng bộ tài chính Trần Xuân Hà cùng với Chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ngân sách của quốc hội sẽ tham gia một đoàn sang nghiên cứu tình hình thuế của Đức.
– Sang tháng 3 dự kiến là Bộ trưởng năng lượng và kinh tế Đức sẽ sang thăm Việt Nam. Và Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng sang thăm Đức. Đồng thời Thủ hiến bang Thüringen cũng sẽ đi thăm Việt Nam.
– Cũng có khả năng là vào tháng 2 Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ dự Hội nghị An ninh ở München và sẽ kết hợp thăm Đức.
Được biết, Hội nghị An ninh ở München được tổ chức vào tháng 2 hàng năm tại Khách sạn Bayerischer Hof, năm nay là Hội nghị An ninh lần thứ 55 và sẽ được tổ chức từ ngày 15 – 17.02.2019.
Chúng ta hãy chờ xem việc Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh sẽ chính thức viếng thăm Đức vào trung tuần tháng 2 có thành hiện thực hay không? Nếu đúng thế, thì đây là lần đầu tiên kể từ khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, nước Đức đón tiếp một Bộ trưởng Việt Nam và đó sẽ là một dấu hiệu cho thấy quan hệ ngoại giao giữa hai nước đã được bình thường hóa và quan hệ đối tác chiến lược cũng được phục hồi.
Và nếu chuyến thăm Đức của Ngoại trưởng Phạm Bình Minh sẽ thành hiện thực, thì việc Trịnh Xuân Thanh được trả về Đức cũng sẽ thành hiện thực.
Hiếu Bá Linh – Thoibao.de (Tổng hợp)
Phụ lục:
Tiểu sử tân Đại sứ Nguyễn Minh Vũ
Họ tên: Nguyễn Minh Vũ
Sinh năm: 1965
Gia đình: có vợ và có 2 con
Chức vụ
– 27/12/2018: Đến Berlin nhậm chức Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Đức sau khi nhận bàn giao từ cựu Đại sứ Đoàn Xuân Hưng trước đó tại Hà Nội
– 24/7/2018: Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam khóa XIV phê chuẩn bổ nhiệm làm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại Đức
– 3/2017 – 7/2018: Trợ lý Bộ trưởng kiêm Cục trưởng Cục Lãnh sự.
– 11/2016 – 3/2017: Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
– 8/2014 – 11/2016: Vụ trưởng Vụ Luật pháp và ñiều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.
– 12/2010 – 4/2014: Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Giám ñốc Quỹ Bảo hộ công dân, Bộ Ngoại giao.
– 5/2007 – 8/2010: Tham tán Công sứ, người thứ 2 Đại sứ quán Việt Nam tại CHLB Đức.
– 12/2003 – 4/2007: Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
– 6/1998 – 3/2002: Bí thư thứ 3 Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga.
– 1/1993 – 5/1998: Chuyên viên pháp lý, Tổ trưởng Tổ Pháp lý, Trợ lý Cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao.
Trình độ học vấn
1989 – 1992: Tiến sỹ Luật, Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), LB Nga
1984 – 1989: Thạc sỹ Luật quốc tế, Trường Đại học Quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO), LB Nga
Lĩnh vực chuyên môn
Luật biển quốc tế, Biên giới lãnh thổ, Luật điều ước quốc tế, Luật ngoại giao -lãnh sự, Quốc tịch và dân cư trong Luật quốc tế
Công trình đã xuất bản
Đồng chủ nhiệm Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Hai quốc tịch trong luật quốc tế và vấn đề quốc tịch của người Việt Nam ở nước ngoài”
Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Vụ “Vấn đề quốc tịch trong quan hệ lãnh sự Việt – Mỹ”; “Pháp luật và thực tiễn công tác hợp pháp hóa giấy tờ, tài liệu ở Việt Nam và các nước”.
>> Vụ Trịnh Xuân Thanh đến đâu rồi?
>> Truyền thông quốc tế đưa tin: Việt Nam xiết chặt việc kiểm soát Internet
>> Bộ trưởng Nội vụ Seehofer tuyên bố xiết chặt luật tị nạn tại Đức
>> ĐỂ CỨU NGUY DÂN TỘC, ĐÃ ĐẾN LÚC ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM CẦN SAN BỚT QUYỀN LỰC CHO NHÂN DÂN
>> Đức: Một trẻ em người Việt bị mất tích – Cảnh sát đề nghị hỗ trợ tìm kiếm
>> Quy hoạch cán bộ: Ngăn đường bít cửa nhân tài!
>> MỸ RÚT KHỎI SYRIA LÀM VỠ KẾ HOẠCH “VÀNH ĐAI CON ĐƯỜNG” CỦA TRUNG QUỐC TẠI TRUNG ĐÔNG
>> Bài phát biểu đầu năm 2019 của Thủ tướng Đức bà Angela Merkel
>> Nhiều người Việt Nam vô gia cư phải ngủ trên vỉa hè, co ro chống chọi cái rét khốc liệt
>> NHỮNG NGƯỜI CON CÁCH MẠNG: PHONG TRÀO PHẢN KHÁNG MỚI TẠI VIỆT NAM
>> Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink đến thăm Thiền sư Thích Nhất Hạnh tại chùa Từ Hiếu thành phố Huế
>> ĐẠI SỨ EU VÀ ĐẠI SỨ CÁC NƯỚC CHÂU ÂU GẶP GỠ VỚI CHÍNH PHỦ VIỆT NAM VỀ LUẬT AN NINH MẠNG